Diện mạo buôn làng đổi thay nhờ nguồn lực từ Chương trình 135
Ea Wer là xã nghèo của huyện Buôn Đôn, với 78% dân số sinh sống dựa vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và hoa màu. Từ nguồn vốn Chương trình 135 được phân bổ hằng năm, xã Ea Wer đã ưu tiên đầu tư cải tạo và làm mới một số tuyến đường giao thông nội đồng giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi hơn. Trong 4 năm qua (2016-2019), xã đã dành hơn 2,4 tỷ đồng để triển khai sửa chữa, cấp phối và bê tông hóa gần 2.200 m đường.
Tuyến đường giao thông nội đồng nối từ thôn 7 ra cánh đồng Nà Xô là một trong những công trình được hưởng lợi từ nguồn vốn của Chương trình 135. Tuyến đường có chiều dài 363 m, được đầu tư xây dựng từ năm 2016 với tổng kinh phí 820 triệu đồng. Tuyến đường hoàn thành đã giúp cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản của hàng trăm hộ dân ở thôn 7 và hai buôn Tul A và Tul B dễ dàng, thuận tiện hơn.
Từ năm 2016 đến nay, Ea Wer và nhiều buôn làng ở Đắk Lắk đã hưởng lợi từ Chương trình 135 mang lại.
Trong hơn 20 năm, Chương trình 135 được bố trí tổng nguồn vốn gần 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương bố trí hơn 15,3 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương đóng góp gần 4,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ Ai Len đã viện trợ không hoàn lại 12 triệu Euro (tương đương 318 tỷ đồng).
Các nguồn lực này đã để lại nhiều dấu ấn trên các buôn làng Tây Nguyên với những dự án dân sinh, hợp lòng dân. Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hoàn toàn thay đổi bộ mặt nông thôn mà nhiều công trình 135 còn thúc đẩy kinh tế địa phương, giúp người dân vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tăng thu nhập cho hộ gia đình; từng bước tạo động lực để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135, bài nghiên cứu đã đi sâu phân tích những khó khăn vẫn còn tồn tại như: (i) Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, xã chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; (ii) Các vướng mắc, bất cập trong bố trí vốn; (iii) Trung ương, Chính phủ chậm phê duyệt kết quả rà soát phân định 3 khu vực, thôn đặc biệt khó khăn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình 135 ở Đắk Lắk
Nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Nguyễn Văn Đạt, (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Nguyên) và Lê Ngọc Vinh (Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk) cho thấy, Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ những vùng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhất là về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, xã chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn lúng túng, việc huy động các nguồn lực lồng ghép với các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.
Ngoài ra, còn có các vướng mắc, bất cập trong bố trí vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trung ương, Chính phủ chậm phê duyệt kết quả rà soát phân định 3 khu vực, thôn đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập; thời gian qua đã có quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Và việc, quản lý các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn Chương trình 135 vẫn là khâu yếu kém. Đội ngũ thực hiện Chương trình năng lực còn hạn chế.
Nhóm giải pháp cho giai đoạn tới
Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất 7 nhóm giải pháp mang tính khả thi để thực hiện chương trình một cách hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên một cách bền vững trong tương lai:
Giải pháp đối với việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cần phải đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ đầu tư các cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đầu tư xây dựng như thủy lợi, khôi phục và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn.
Giải pháp đối với nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng đặc biệt khó khăn. Cần chọn lựa các công trình đầu tư thiết thực, phát huy tác dụng nhanh, giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp bách, phục vụ đời sống và sinh hoạt. Tập trung nhiều hơn cho các công trình có quy mô nhỏ và vừa, tính kỹ thuật giản đơn, chủ yếu ở cấp xã, thôn, buôn.
Giải pháp đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Tổ chức khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ cơ sở, công chức người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Giải pháp đối với đối tượng thụ hưởng. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người nghèo, tạo ý chí phấn đấu, phát huy khả năng tự cứu vươn lên thoát nghèo, không cam phận đói nghèo. Đào tạo nghề cho người nghèo, thực hiện công tác khuyến nông, lâm, ngư, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
Giải pháp nhằm tạo cơ hội cho người nghèo. Các chính sách phải được hoạch định trên cơ sở tạo điều kiện cho người nghèo hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, các giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp canh tác, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ công. Đẩy mạnh năng lực mạng lưới y tế, nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo. Nâng cao dịch vụ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện là cán bộ tham gia xóa đói giảm nghèo.
Giải pháp nhằm tạo sự an toàn cho người nghèo. Quy hoạch tạo tuyến dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao như lũ quét, sạt lở đất. Ngăn ngừa khắc phục tình trạng trẻ em lao động sớm, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư, duy trì phát triển chính sách an sinh - xã hội.
Hoàng Hiệp, Lê Thúy, Ánh Tuyết, Bảo Phùng