Syria không còn trên đà trượt vào mà đã ở giữa vực thẳm chiến tranh. Mặc dù các cuộc biểu tình hòa bình, với hàng nghìn người tham gia, vẫn diễn ra trên đường phố, có một thực tế là Quân đội Syria Tự do (FSA) đang trở thành yếu tố chính trong một cuộc cách mạng đang ngày càng bùng nổ dữ dội hơn.
TIN BÀI KHÁC:


Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Syria Bashar al-AssadMarat al-Numan, gần tỉnh Idlib ở phía bắc, hôm 5/2. (Ảnh: Reuters)

Một nguồn tin ở thành phố Homs cho biết lực lượng chính quyền đang tiếp tục oanh tạc các khu dân cư nơi đây trong một chiến dịch trấn áp nặng tay chưa từng có trong 10 tháng qua kể từ khi biểu tình bắt đầu. 

Một phía của cuộc chiến bất đối xứng này là Tổng thống Bashar al-Assad và quân đội gồm hơn 20.000 thành viên của ông, cùng đội ngũ sĩ quan với lòng trung thành xuất phát từ cả lợi ích chung lẫn nỗi sợ hãi. 

Đối lập với họ là FSA, một phong trào lỏng lẻo gồm những quân nhân đào tẩu có rất ít vũ khí và dân thường (ở một số khu vực). Phong trào này đang thực hiện ngày càng nhiều các chiến dịch du kích khu biệt ở quê nhà của họ, với sự kiểm soát tập trung tối thiểu từ ban lãnh đạo của FSA nằm bên kia biên giới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa rõ lực lượng nổi dậy này lớn đến mức nào. Đại tá Riad al-As'aad, lãnh đạo FSA, nói rằng phong trào này có tới 40.000 thành viên, một tuyên bố không thể kiểm chứng và nhiều khả năng là một kiểu tâm lý chiến nhằm khuyến khích thêm nhiều binh lính chính phủ nữa đào ngũ.

Tướng Mustafa al-Sheikh, nhân vật cấp cao nhất đào tẩu đến nay, thì khẳng định chắc nịch rằng quân đội của Tổng thống Assad sẽ sụp đổ chỉ trong vài tuần nữa.

Có lẽ bởi vì tướng Sheikh và đại tá As'aad là những người kình địch. Hôm 5/2, tướng Sheikh thông báo thành lập Hội đồng Tối cao Giải phóng Syria, một động thái nhiều khả năng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ bên trong phe đối lập vũ trang, vì Phó Tư lệnh FSA, đại tá Malik Kurdi, nói rằng quyết định của ông Sheikh chẳng khác gì một con dao đâm vào lưng cách mạng.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên về điều này", Kurdi trả lời phỏng vấn báo TIME từ Thổ Nhĩ Kỳ. "Tướng Sheikh đào tẩu và không tham gia cùng chúng tôi. Ông ấy thông báo thành lập hội đồng này, đó là việc của ông ấy. Chúng tôi không hề liên quan, chúng tôi không hay biết gì về hội đồng đó hoặc mục đích của nó, nhưng chúng tôi nghi ngờ sự thành lập nó vào thời điểm này. Chúng tôi nghĩ đó là một nỗ lực nhằm chia tách phe đối lập vũ trang".

Một vấn đề bàn cãi hiện nay là liệu có phải ban lãnh đạo FSA ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đóng một vai trò PR - một nguồn về quan hệ báo chí và ngoại giao phương Tây - chứ không thực sự chỉ huy các chiến binh FSA trên thực tế. Giờ đây, quyền lực chia tách và cạnh tranh nhau dưới trướng tướng Sheikh chỉ làm đảo lộn mọi thứ trong một mặt trận đối lập vốn đã rối ren ở Syria trong khi Tổng thống Assad tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công trấn áp.

Basma Kodmani, phát ngôn viên của Hội đồng Quốc gia Syria (SNC), nhóm đối lập chính trị tự xưng, tuyên bố SNC cũng thận trọng trước tuyên bố của tướng Sheikh. "Chúng tôi không biết rõ những vấn đề nào nằm phía sau đó. Chúng tôi nhận ra có một số căng thẳng liên quan tới thời điểm thành lập hội đồng đó. Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo rằng ban chỉ huy quân sự vẫn đoàn kết". 

Trong khi các lãnh đạo phe đối lập ở Syria tranh cãi và chơi trò chính trị, các chiến binh FSA trên thực địa đang ngày càng đông hơn và mạnh hơn về hỏa lực. Họ đang chiến đấu và giành được thắng lợi ở một số khu vực. Tại Zabadani, một thị trấn vùng núi rất đẹp cách không xa biên giới Lebanon, quân nổi dậy mới đây đã đẩy lui được những người trung thành với ông Assad. Một thông điệp video được các bô lão ở thị trấn này tung ra cuối tháng 1 cho thấy, thị trấn đã đàm phán ngưng bắn với các đại diện của chế độ. 

Ở các thị trấn khác như Rastan (gần Homs và nằm giữa vùng đất trồng trọt bằng phẳng) và Jabal al-Zawiya ở phía bắc đã trở thành thành trì của quân nổi dậy và là nơi xảy ra đụng độ ác liệt giữa họ với quân chính phủ.
 
Nhiều lần, quân nổi dậy đã giành được chiến thắng và chiếm được lãnh địa, tuy chỉ trong thời gian ngắn trước khi quân chính phủ tấn công trở lại. 

Trong khi đó, những người rời bỏ chế độ đã giành được một số lợi thế và họ có xu hướng trở về quê nhà. Trong thời kỳ đầu nổi dậy, nhiều nhóm đào tẩu trên khắp Syria từ chối cho dân thường tham gia hàng ngũ của họ trong một nỗ lực nhằm duy trì trật tự và kỷ cương quân sự. Nhưng giờ đây, trong một số đoạn video nghiệp dư đăng trên YouTube, một số đơn vị đã công khai huy động dân thường tình nguyện tham gia. 

Đại tá Kurdi khẳng định rằng đó không phải là một phần chiến lược chung của FSA. Những người chỉ trích cho rằng, một ban chỉ huy đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể ban hành các điều khoản để các chiến binh chiến đấu và hy sinh trên đất nước họ. Kurdi phản hồi rằng, các chỉ huy quân sự trên toàn thế giới không cần thiết phải đóng ở một khu vực để ban hành mệnh lệnh. "Một bộ tư lệnh có thể ở bất cứ nơi đâu, trong một thành phố hay một thị trấn", ông này nói. "Trong bất kỳ một bộ tư lệnh nào, các mệnh lệnh đều được đưa ra qua các phương tiện liên lạc, chúng tôi trông đợi ở những phương tiện liên lạc này". 

Họ cũng dựa vào các vũ khí được tuồn bí mật vào bên trong từ các nước láng giềng, trong đó có Lebanon, Thổ Nhĩ Kỹ, Jordan và Iraq, cùng với những gì ông Kurdi gọi là "các băng đảng buôn lậu của chế độ" bán vũ khí cho những người đào tẩu.

Syria không phải là một xã hội phổ biến vũ khí, không giống như Iraq, nơi quyền sở hữu súng là bình thường trước khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ. Tuy vậy, sau gần 11 tháng xảy ra bạo loạn, một số người Syria đã tìm được cách tự bảo vệ mình và bắt đầu bắn trả. Một nhà hoạt động nhân quyền, một người Syria xa xứ hợp tác chặt chẽ với những người tị nạn ở Jordan, cho biết tất cả đàn ông Syria chạy qua biên giới đều được "FSA đợi sẵn". Các khẩu Kalashnikovs sẽ được bán với giá 1.600 USD/khẩu và phần lớn đàn ông sẽ trở lại Syria ngay khi họ có vũ khí trong tay.

Theo phát ngôn viên Kodmani, hợp nhất các phe nhóm vũ trang là một thách thức cực kỳ lớn. Mặc dù SNC không nhanh chóng tán thành FSA, khẳng định rằng cần đến các biện pháp hòa bình chứ không phải quân sự để hạ bệ chế độ, Hội đồng này lại công khai ủng hộ các quân nhân đào tẩu.

Người Syria không cần phải đợi lâu để chứng kiến các cánh phiến quân tàn phá đất nước như thế nào: nước láng giềng Lebanon và Iraq là những ví dụ đẫm máu. Trong khi đó, các luồng quan điểm quốc tế về Syria đã rõ. Nga và Iran tiếp tục ủng hộ về chính trị đối với Assad và bán vũ khí cho chế độ của ông này, trong khi Qatar dẫn đầu các nước Ảrập phản đối chế độ, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp và các cường quốc phương Tây khác. 

Nhiều ý kiến cho rằng Qatar - nước tài trợ, vũ trang và đào tạo các chiến binh Libya - có thể hành động tương tự với các chiến binh Syria. Kurdi sẽ không để bị lôi kéo vào việc liệu điều đó đã chuyển từ khái niệm sang thực tế, chỉ nói rằng FSA cần vũ khí để "ít nhất trở nên ngang sức với chế độ". 

Thanh Hảo (Theo TIME)