Ông Phạm Quang Nghị chia sẻ, mặc dù biết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đau yếu trong thời gian dài, nhưng khi hay tin nguyên Tổng Bí thư qua đời ông vẫn cảm thấy rất đột ngột và vô cùng thương tiếc.
Từng là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam, Bí thư Thành uỷ Hà Nội có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc với ông Lê Khả Phiêu, theo ông đâu là dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư?
Khi nhắc tới nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chúng ta có thể thấy được phong cách nhiệt huyết trong con người của ông. Ông lúc nào cũng trăn trở, tìm tòi, sâu sát từ thực tiễn để đóng góp vào việc chung của Đảng, của đất nước.
Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Cho đến thời gian gần đây, khi sức khỏe không cho phép ông mới ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng như những cuộc đi thăm, gặp gỡ, làm việc với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các vùng, miền trong cả nước.
Vai trò của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đáp ứng đòi hỏi của một giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng và rất nhạy cảm của đất nước. Đó là phải tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là kinh tế, và ngoài kinh tế còn phải đổi mới về văn hóa, giáo dục, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…
Vào thời điểm lúc bấy giờ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là một yêu cầu cực kỳ quan trọng. Trong đó phải nói đến việc ra đời Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) gắn liền với vai trò, vị trí của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Đó là một dấu ấn rất lớn. Việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình được làm rất mạnh mẽ và quyết liệt hơn giai đoạn trước đó; việc xử lý những cán bộ vi phạm trong giai đoạn ấy cũng rất kiên quyết.
Nhiệm vụ này đến nay Đảng ta vẫn đang tiếp tục làm, và làm càng mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, những đóng góp trong lĩnh vực đối ngoại của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là với hai nước có ảnh hưởng, tác động rất lớn là Mỹ và Trung Quốc.
Đó là thời kỳ chúng ta ký được với Trung Quốc Hiệp định về biên giới trên bộ, với một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ.
Đoàn đại biểu của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội do Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn đầu đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (12/2010). Ảnh: Hà Nội mới |
Với Mỹ ta cũng ký Hiệp định thương mại BTA và có thúc đẩy quan hệ bình thường hoá rất mạnh mẽ.
Một chi tiết thú vị…
Vậy theo ông hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đời thường thì như thế nào?
Thời kỳ đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, tôi làm Bí thư tỉnh Hà Nam. Tiếp xúc qua công việc, qua đời sống thường nhật, tôi thấy nguyên Tổng Bí thư là người giản dị, dễ gần, dễ trao đổi.
Việc dễ gần, trao đổi với người lãnh đạo là rất quan trọng. Điều đó tạo nên một sự cởi mở, tin cậy của mọi người, nhất là cấp dưới đối với ông.
Ông sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp khiến tôi cảm thấy mỗi khi gặp ông đều có thể nói được tất cả những điều muốn nói.
Phong cách của nguyên Tổng Bí thư từ sinh hoạt, ăn mặc, giao tiếp, đi cơ sở thể hiện một người lãnh đạo rất bình dị, sát dân, gần dân, gần gũi với mọi người.
Ông gần gũi, thoải mái khi tiếp xúc khiến người ta có cảm tưởng là không phải đang nói chuyện với người đứng đầu của Đảng.
Là đồng hương với nguyên Tổng Bí thư, ông nhớ nhất kỷ niệm nào về ông Lê Khả Phiêu?
Những câu chuyện riêng thì rất nhiều. Nhưng tôi biết, ông là người luôn quan tâm, có tình cảm và trách nhiệm sâu nặng với quê hương. Và đáp lại, ông đã luôn nhận được những tình cảm hết sức yêu quý, kính trọng từ Đảng bộ và nhân dân quê nhà.
Đồng thời, tôi rất nhớ một chi tiết thú vị, là ông Lê Khả Phiêu được bầu giữ chức Tổng Bí thư (vào ngày 26/12/1997) trước một ngày sinh nhật của ông.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chúc tết nhân dân thủ đô Hà Nội tối 4/2/2000 (29 tết). Ảnh: TTXVN |
Khi tôi làm Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Tổng Bí thư có hai lần về Hà Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tôi cảm nhận được phát biểu của ông thể hiện sự tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh, nhiều nguồn, chứ không phải chỉ nghe qua một kênh.
Đó là điều gây ấn tượng làm tôi rất suy nghĩ và luôn nghĩ mình cũng phải học hỏi, học tập cách lắng nghe như thế để nắm bắt tình hình.
Khi tôi còn làm Bí thư Tỉnh ủy đi họp ở Bộ Tư lệnh Quân khu 3, ông Lê Khả Phiêu xuống dự họp, tôi giữ ý không ngồi liền kề. Đến bữa ăn tuy ngồi cách nhau, nhưng ông luôn nhắc tôi là sao không ăn cái này, không gắp cái kia. Có thể nói, nguyên Tổng Bí thư rất quan tâm đến người khác.
Tôi luôn nhớ hình ảnh nguyên Tổng Bí thư xắn quần lội bộ khi vào với đồng bào miền Trung đợt lũ lụt cuối năm 1999. Đây là một hình ảnh gần gũi, rất đời thường, thể hiện một lãnh đạo hết sức giản dị, luôn quan tâm đến người dân.
Từng là Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, nhiều lần tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư, ông thấy còn điều gì ông Lê Khả Phiêu trăn trở?
Điều trăn trở của nguyên Tổng Bí thư không chỉ thể hiện trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, lúc trao đổi riêng với cán bộ, đảng viên mà cả những ý kiến, trả lời phỏng vấn trên báo chí, khi ông đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu.
Mỗi lần trò chuyện với ông, tôi luôn nhận được những lời khuyên, lời gửi gắm làm sao để tôi có thể đóng góp tốt nhất cho công việc chung. Kể cả khi về hưu ông vẫn luôn hỏi han tình hình công việc, nhắc nhở tôi cố gắng làm tốt công việc của người Bí thư, khi tôi còn ở Hà Nam cũng như làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Những dấu mốc lịch sử của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Ông Lê Khả Phiêu là một tướng lĩnh trưởng thành trong môi trường quân đội và từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trước khi được bầu làm Tổng Bí thư vào cuối năm 1997.
Hương Quỳnh - Thành Nam thực hiện