Anime giống như một lối thoát khỏi hiện thực, nhưng đôi lúc cũng có một chút thế giới tìm được đường len lỏi vào trong anime. Có một số anime phác họa nên từ chính những sự kiện thế giới, con người và kể cả khoa học kỹ thuật có thật – theo cách bạn không hề ngờ tới. Có vô số những phim điện ảnh hay truyền hình được gắn mác “dựa trên sự kiện có thật”. Vậy anime thì sao?

Không ít những anime lịch sử cũng đã mạn phép sử dụng nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, và có nhiều hơn một vài bộ còn được đặt trong những bối cảnh lịch sử nhất định, nhưng nhìn chung là anime dựa trên những câu chuyện hoàn toàn có thật vẫn rất hiếm.

 

Vẻ đẹp của anime chính là chuyện bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra trong thế giới của nó, nhưng vẫn đôi lúc bạn có thể thấy một chút nhẹ (hay đôi khi cả một núi) sự thực giữa sự giả tưởng.

1. Anime – Việc thật

Nhiều lúc thực tế còn quái dị (hay đáng buồn) hơn cả tiểu thuyết hư cấu. Dưới đây là một số anime miêu tả lại những sự kiện lịch sử có thật và chưa chắc bạn đã biết.

ZIPANG

 

“Zipang” là một anime lịch sử hư cấu về một thời điểm lịch sử khác không có thật được các nhà du hành thời gian bất đắc dĩ tạo ra. Tuy nhiên sự kiện du hành thời gian tình cờ này nhắc người ta nhớ đến một sự kiện có thật (hoặc một truyền thuyết thành thị) – Thử nghiệm ở Philadelphia. Vào ngày 28/10/1943, chiến hạm của Mỹ USS Elridge (DE-173) đang được neo đậu yên lành ở Cảng Hải Quân Philadelphia bỗng nhiên thình lình mất tích không thấy đâu. Nhân chứng cho biết chiếc tàu biến mất trong một ánh chớp sáng lòa rồi xuất hiện ở Norfolk, Virginia – cách đó hơn 200 dặm. Một vài phút sau, nó lại xuất hiện ở cảng Philadelphia như không hề có chuyện gì xảy ra.

Giả thuyết đã được đưa ra gợi ý con tàu đã được che đậy và tàng hình, số khác khẳng định nó đã du hành thời gian đến mười phút trước đó. “Zipang” đã lấy ý tưởng này làm chủ đề, tưởng tượng nếu giả sử thay vì chỉ đi ngược về mười phút, chiếc chiến hạm du hành hẳn về thời điểm Trận Midway trong Thế Chiến II thì sẽ ra sao.

MAWARU PENGUINDRUM

 

Nhìn qua, “Mawaru Penguindrum” có vẻ như một chuyến đi kỳ thú của hai người anh trai để cứu sống cô em gái mắc bệnh hiểm nghèo. Trên thực tế, toàn bộ tiền đề của bộ anime này đều liên quan đến những sự kiện đã xảy ra vào ngày 20/3/1995. Ngày đặc biệt này đóng vai trò trung tâm trong anime cũng như ngoài đời thực: ngày xảy ra vụ tấn công bằng khí độc thần kinh sarin khét tiếng ở tàu điện ngầm Tokyo. Ngày hôm đó, một nhóm người thuộc giáo phái Aum Shinrikyo đã xả khí ga sarin ở năm tuyến tàu điện ngầm, khiến cho 13 người chết và hàng ngàn người bị thương. Thay vì tập trung vào những người bị ảnh hưởng trong cuộc tấn công, bộ phim đã phác họa vào hệ quả xấu đối với các trẻ em có mặt trong vụ việc nói trên.

STEINS;GATE

 

Vào năm 2000 và 2001, một người tên John Titor đã xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng tự xưng là một nhà du hành thời gian quân đội đến từ năm 2036. Anh ta đã đưa ra một số dự đoán, miêu tả lại chi tiết cỗ máy thời gian, và nói chung gây náo loạn internet vô cùng. Nếu bạn xem” Steins;Gate”, sẽ thấy sự tương đồng đáng kể: bộ phim sử dụng John Titor như một phần của cốt truyện và cũng được dựng nên từ những dự đoán của anh này – ngoại trừ việc du hành thời gian là hoàn toàn có thực, trong khi đa số mọi người đều kết luận thế giới thực chỉ là trò lừa đảo.

2. Anime – Người Thật

Anime lịch sử thường không hiếm, có thể nhận thấy rõ từ trang phục, cách nói chuyện và bối cảnh chung của bộ phim đến từ một niên đại khác. Đôi khi, những nhân vật lịch nổi tiếng xuất hiện (dù có thể có chút thay đổi so với nhân vật gốc) ngay trong tầm mắt ngay khi bạn đang theo dõi.

HOTARU NO TAKA (GRAVE OF THE FIREFLIES)

 

Chuỗi sự kiện xảy ra trong “Grave of the Fireflies” không chỉ được dựa trên câu chuyện có thật, nó còn mang tính tự truyện. Bộ phim được dựa trên câu chuyện của Nosaka Akiyuki năm 1967, một tác phẩm bán tự truyện, kể lại những sự kiện trước khi xảy ra, diễn biến và sau khi xảy ra cuộc đánh bom dữ dội ở thành phố Kobe năm 1945. Nosaka mất cha và hai em gái trong cuộc đánh bom, và mẩu truyện ngắn này cũng như một lời xin lỗi của ông với người em gái nhỏ chết đói, làm cho bộ phim càng bi thương hơn.

(NHK NI YOUKOSO) WELCOME TO THE NHK

 

“Welcome to the NHK” xoay quanh những chi tiết cụ thể về cuộc sống của một “hikikomori”, một người sống xa cách xã hội. Tác giả Takimoto Tatsuhiko có thể khắc họa lại tỉ mỉ vô cùng chính xác bởi chính anh cũng là một “hikikomori”. Sau sự thành công của quyển sách cũng như loạt anime, Takimoto đã chia sẻ về những vấn đề được thể hiện trong quyển sách của nhân vật chính cũng chính là những gì anh đã và vẫn đang phải vật lộn đối mặt. Không may thay, sự thành công của quyển sách còn làm cho tình hình tồi tệ hơn Takimoto, anh còn lùi thêm một bước và trở thành “NEET” – sống như một loài kí sinh trên nhuận bút của cuốn sách.

GINTAMA

 

“Gintama” trông như trò đùa và nhảm nhí hết sức, các bạn nghĩ vậy đúng không? Nhưng khoan đã, vì đa số nhân vật đã chạm trán trong suốt hành trình của nhóm nhân vật chính đều được xây dựng dựa trên những nhân vật lịch sử có thật. Sự kiện xảy ra đối với họ cũng là việc thật luôn, mặc dù cũng bị biến tấu xào nấu theo kiểu ngây ngố để giải trí cho khán giả. Trang web “http://www.yorozuyasoul.com/gintama/historical_influences” còn có nguyên một danh sách những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử huyền thoại người ta đã sử dụng để đặt tên cho nhân vật. Giờ, chúng ta có thể tự hào tuyên bố xem “Gintama" chính là xem một show truyền hình mang tính giáo dục.

3. Anime – Cơ sở khoa học thật

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết bao nhiêu nghiên cứu khoa học đã đi vào anime đấy. Kể cả bộ “Tengen Toppa Gurren Lagann” quái dị cũng phải nằm nằm trên bàn dự tính nhiều tháng liền trong lúc chờ các nhà làm anime nghiên cứu xem sống dưới lòng đất nó như thế nào để làm tư liệu phim. Những anime dưới đây đã đưa chủ nghĩa hiện thực lên một tầm cao mới, dựng nên từ những kỹ thuật, số liệu khoa học có thật để xây dựng nên một thế giới có thể tin được.

PLANETES

 

“Planetes” là một bộ anime “khoa học viễn tưởng nặng” chú trọng nhiều vào tính chính xác của khoa học và chi tiết kỹ thuật. Nó đã xuất sắc trong việc thiết kế một thế giới với khả năng du hành vũ trụ một cách thực tế nhất có thể. Thay vì đuổi bắt nhau trong vũ trụ và những chùm tia laser, “Planetes” nói về việc xử lý rác, duy trì vũ trụ và những nhiệm vụ khác mà bạn có thể không nghĩ đến khi xem khoa học viễn tưởng.

TOKYO MAGNITUDE 8.0

 

Vào tháng 3/2011, một trận động tàn phá 9 độ Richter đã tấn công Nhật Bản. Hai năm trước đó, “Tokyo Magnitude 8.0” đã đưa ra dự báo về sự kiện này, hay chính xác hơn, hậu quả tồi tệ của nó. Bộ phim không chỉ là một anime khác nữa về “thảm họa thiên nhiên tại Nhật Bản”, nó dựa trên dự đoán chính xác về việc Nhật sẽ hứng chịu một trận động đất hơn 7 độ richter trong vòng 30 năm sau đó. Bộ anime đã đi sâu vào chi tiết nghiên cứu những trận động đất trước đó và phỏng vấn những nạn nhân của chúng. Nó đã đem đến một bức tranh chân thực về những hậu quả tàn phá nặng nề từ một trận động đất kinh hoàng trông sẽ ra sao.

UCHUU KYOUDAI (SPACE BROTHERS)

 

Cũng như “Planetes”, “Space Brothers” cũng mang tính chân thực cao, kể về một hành trình để trở thành phi hành gia. Dựa trên kinh nghiệm thực tế, và nó còn vượt qua cao, xa hơn bất kỳ bộ phim khoa học viễn tưởng nào về độ thực tế -- thật đến độ, anime còn phát đoạn ghi âm của phi hành gia Hoshide Akihiko từ ngoài trạm không gian vũ trụ quốc tế.

 

Theo Trí Thức Trẻ