Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho hay, hiện nay, toàn bộ chiều dài hơn 5.000km đường biên giới đất liền của nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang đã được hoạch định bằng một loạt văn bản pháp lý quốc tế được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng với tư cách là các quốc gia độc lập có chủ quyền.

Hơn 450 cột mốc được cắm từ những năm cuối thế kỷ XIX dưới thời thực dân Pháp giờ đây đã được thay thế bằng hệ thống hơn 5.000 mốc quốc giới chính quy, hiện đại, đánh dấu rõ đường biên giới trên bản đồ và trên thực địa, tạo thuận lợi cho việc quản lý đường biên giới cũng như thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Đồng thời, Việt Nam cũng linh hoạt và sáng tạo đưa ra những giải pháp đa dạng để giải quyết, xử lý các vùng biển chồng lấn góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý, khai thác các vùng biển và thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng.

W-biengioi.png
Ảnh minh hoạ

Chia sẻ về kết quả và bài học kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam và các nước láng giềng, ông Nguyễn Mạnh Đông, cho biết:

Một là, nắm vững và quán triệt sâu sắc, vận dụng có nguyên tắc, linh hoạt, sáng tạo chủ trương và đường lối bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và đường lối đối ngoại độc lập, bình đẳng, hòa bình và hợp tác phát triển trong việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Các vấn đề biên giới lãnh thổ là những vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước, quan hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, do đó quá trình giải quyết phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo cấp cao.

Thực tế minh chứng, Việt Nam đạt được những kết quả trên là do đã có những quyết sách đúng đắn, sự chỉ đạo, định hướng sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo cấp cao, nhằm bảo đảm đàm phán đi đúng hướng mục tiêu, yêu cầu chính trị chiến lược của đất nước về lâu dài cũng như cho từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Hai là, việc giải quyết vấn đề chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ có mối quan hệ khăng khít với quan hệ chính trị giữa Việt Nam và các nước có liên quan cũng như bối cảnh khu vực và quốc tế.

Nhìn lại thời điểm Việt Nam và các nước láng giềng đạt được các kết quả giải quyết và ký kết các thỏa thuận về vấn đề biên giới, lãnh thổ đều là những thời điểm quan hệ giữa nước ta và các nước láng giềng có bước phát triển mới.

Do đó, việc thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng như xác định chính xác bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế sẽ góp phần hết sức quan trọng đối với tiến trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa nước ta và các nước. Đồng thời, chính việc giải quyết thỏa đáng, công bằng, có cơ sở pháp lý các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng sẽ là động lực để thúc đẩy quan hệ giữa nước ta và các nước có liên quan.

Nhóm PV