- Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra phiên tòa xét xử một trong những vụ án gây xôn xao dư luận nhất cả nước- vụ án BS Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác nạn nhân xuống sông. Tuy nhiên, trước thềm phiên tòa chấn động này, nhiều "điểm đen" trong vụ án vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.

Không tìm được thi thể nạn nhân:

Qua quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát đã có đủ căn cứ xác định BS Tường là người trực tiếp gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền vào chiều ngày 18/9/2013. Sau ca phẫu thuật thất bại, Nguyễn Mạnh Tường đã chỉ đạo không đưa nạn nhân vào bệnh viện mà ném xác xuống sông Hồng.

Tuy nhiên, phiên tòa xử vào ngày 14/4 tới đây sẽ trở thành một trong những phiên tòa hy hữu khi xử án mà không tìm được xác nạn nhân. 

Thậm chí, chính bản thân BS Tường cũng bất ngờ và không thể lý giải được vì sao cho đến nay vẫn chưa thể tìm thấy xác chị Huyền cho dù gia đình nạn nhân và cơ quan chức năng đã dốc sức tìm kiếm trong thời gian dài cùng nhiều phương tiện, tiền của.

{keywords}

Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an (Ảnh: vietNamNet)

Vết rạch ở bụng người bị hại

Trong cáo trạng của vụ án mô tả: “Tường dùng dao mổ chích vào hai bên thành bụng mỗi bên một mũi có kích thước khoảng 0,2cm và tiêm 4 chai thuốc tê để gây tê khắp vùng bụng. Tường dùng xi lanh loại 50ml cắm vào thành bụng phần dưới da hút được 11 xi lanh mỡ thành bụng. Tường để 5-10 phút cho mỡ trong xi lanh lắng xuống rồi bơm bỏ nước, gạn lấy mỡ . Sau đó bơm 11 xi lanh mỡ vào ngực”.

Tuy nhiên, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Luật sư bào chữa cho bảo vệ Đào Quang Khánh, lại cung cấp một thông tin chấn động do Khánh tiết lộ.

“Khi nâng chân chị Huyền vứt qua thành lan can cầu, bất ngờ gió thổi tốc áo chị Huyền, Khánh thấy hai vết rạch trên bụng, mỗi vết dài cỡ 10 phân”. Luật sư Tuấn cho biết, Khánh chắc chắn sẽ khai sự thật này tại phiên tòa.

Nếu như vậy, sẽ mâu thuẫn với cáo trạng chỉ mô tả có hai lỗ nhỏ trên bụng nạn nhân 0,2cm do chích để hút mỡ?

Lúc bị vứt xuống sông, nạn nhân đã chết?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, lúc bị ném xuống sông, liệu đã có thể kết luận một cách khoa học rằng chị Huyền đã chết hay chưa?

Chưa thể nói đến một câu chuyện chắc chắn về khoa học pháp lý là nạn nhân đã chết. Tất cả chỉ theo lời khai của bảo vệ Khánh và bác sĩ Tường.

Nếu có tình huống chị Huyền đã chết thì không thể khẳng định cái chết đó có phải do bác sĩ Tường gây ra hay không. Vì không tìm thấy thi thể nên chưa có kết luận giám định pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết.

“Nếu trước đó, chị Huyền đã sử dụng hoặc ăn phải thứ gì đó, hoặc bị một chất kích thích tác động mà nguyên nhân chết không phải do việc hành nghề của Tường thì sao? Nếu chị Huyền chết do bị đau tim hoặc trong lúc xúc động, hoảng loạn quá thì sao?", luật sư này phản bác.

5 túi nilon trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.. vẫn còn bí ẩn

Để phi tang tội ác, BS Tường đã chỉ đạo nhân viên gom chăn ga, quần áo bệnh nhân có chữ Bệnh viện Bạch Mai, gạc bụng… cho vào 5 túi nilon màu đen, có trọng lượng khoảng 7kg thuê xe ô tô taxi chở đến chân cầu Vĩnh Tuy vứt tại đó.

Ngày 20/10/2013, sợ bị lộ nên Tường bảo Khánh đến chân cầu Vĩnh Tuy nhặt lại túi đựng đồ mà các nhân viên vứt vì vải trải giường có in chữ Bệnh viện Bạch Mai.

Cùng trong thời gian này, Tường bảo các nhân viên tháo ổ cứng máy vi tính của Thẩm mỹ viện Cát Tường, sau đó mang đầu thu camera đến khu vực Long Biên vứt xuống sông và 5 ổ cứng vi tính đến hồ Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội vứt.

Tuy nhiên, trong những ổ cứng đó có chứa những gì mà Tường phải tháo hết cả 5 cổ cứng và mang đi thủ tiêu? Những ổ cứng này có vai trò gì trong vụ Tường phẫu thuật cho chị Huyền?

Một câu hỏi nữa là sau khi lấy lại số đồ đó thì Tường đã mang đi đâu? Tiêu hủy hay cất giữ ở đâu? 

Cùng với đó, trong cáo trạng cũng nêu rõ, quần áo của bệnh nhân bị Tường chỉ đạo mang đi thủ tiêu có chữ Bệnh viện Bạch Mai. Vậy, Tường đã lấy quần áo đó ở đâu? Phải chăng Tường đã lấy đồ chung của bệnh viện về thẩm mỹ viện dùng làm đồ riêng của mình hay Tường đã "mua thanh lý" lại, thậm chí chưa nói đến là "ăn trộm" số quần áo đó?

Cũng cần phải nói rõ rằng, vì số quần áo đó có chữ bệnh viện Bạch Mai chứ không hề có dấu tích gì của thẩm mỹ viện Cát Tường. Giả sử, chẳng may có ai phát hiện ra số đồ đó thì cũng không thể quy cho thẩm mỹ viện của Tường. Như vậy, tại sao, Tường phải lo sợ, phải yêu cầu Khánh đi lấy lại đồ đó? 

Những điểm "nghi vấn" này vẫn đang chờ một câu trả lời hợp lý từ các cơ quan chức năng.

Có hay không loại thuốc tiêu hủy thi thể?

Khi chưa tìm thấy thi thể nạn nhân, trong dư luận đã xuất hiện nghi vấn Nguyễn Mạnh Tường đã dùng loại thuốc mà những người phu bốc mộ dùng để phân hủy thi thể nhanh chóng để phi tang xác nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn An (SN 1957,  xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) người có thâm niên 20 năm làm nghề cải táng, khẳng định là có loại thuốc như vậy. Đó có thể là những loại hóa chất cực mạnh như axit chẳng hạn, mà đối với một bác sĩ, khả năng tiếp cận những loại “thuốc” này hẳn không mấy khó khăn.

Nạn nhân đã chết hay chưa?

Khi chưa tìm được xác nạn nhân, vì thế cũng có rất nhiều giả thiết được đặt ra, trong đó có ý kiến cho rằng, nạn nhân có thể chưa chết. Ý kiến từ nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, không thể khép tội BS Tường nếu không có bằng chứng kết tội.

Cụ thể theo quan điểm này: Nếu cứ kết tội ai đó giết người, thì chỉ 1% khả năng rất khó xảy ra, nhưng cơ quan chức năng vẫn luôn phải tính đến – đó là giả sử nạn nhân tưởng là đã chết, nhưng thực ra không chết lại trở về thì rõ ràng sẽ rất rắc rối. Đây chính là “điểm khó” trong vụ TMV Cát Tường.

L.Lam (tổng hợp)