Abdul-Rahman Kassig, còn được gọi là Peter, thường xuyên giữ liên lạc với người thân trong thời gian anh ở Trung Đông, kể cả khi công dân Mỹ này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ.

TIN BÀI KHÁC:


Ngày 16/11, IS đã tung ra một video rùng rợn ghi cảnh con tin này bị chặt đầu, kèm hình ảnh một người đàn ông bịt mặt đứng trên một cái đầu mà Nhà Trắng xác nhận là của Kassig.

Kassig, 26 tuổi, bị bắt cóc khi đang làm việc cho một nhóm tị nạn. Anh là con tin phương Tây thứ 5 bị IS hành quyết. Cha mẹ nhân viên cứu trợ này cho biết, anh đã chết "vì tình yêu của anh dành cho người Syria".

{keywords}
Abdul-Rahman Kassig (Ảnh: BBC)

Hãng tin BBC đã đăng tải một số trích đoạn từ những bức thư của Kassig được gia đình anh công bố:

Email gửi từ Beirut, ngày 18/3/2012

Ở đây, trên mảnh đất này, con đã tìm thấy lẽ sống của mình. Con từng sống một cuộc đời ích kỷ, con từng chạy trốn cho đến khi con không thể chạy được nữa.

Con không hiểu rõ lắm, mỗi ngày ở đây con đều có thêm nhiều câu hỏi song lại chỉ có ít câu trả lời, nhưng những gì con biết là con đang có một cơ hội làm điều gì đó ở đây, có một chỗ đứng. Để tạo ra một sự khác biệt.

Email gửi các giáo sư và thầy giáo, tháng 3/2012

Có lẽ em chưa từng là một người hùng, nhưng có một vẻ đẹp và sự kiêu hãnh khi tìm kiếm một cách sống giữa gian khổ, ngay cả khi không có một tia hy vọng nào trong cơn bĩ cực.

Để giữ được tinh thần trong sáng, em phải không ngừng nỗ lực cải thiện bản thân.

Sự vui vẻ và bằng lòng thì không vấn đề gì, nhưng sự thỏa mãn thì cần được bảo vệ bằng mọi giá.

Email gửi một người bạn, tháng 5/2012

Làm thế nào tôi có thể kể cho bạn nghe về những bức tường chi chít vết đạn và những bông hoa mọc lên trên đó? (...)

Chiến tranh không bao giờ kết thúc, nó chỉ di chuyển vòng quanh. Nhưng chúng ta cũng vẫn sẽ ở đó và khi họ đến, chúng ta cũng sẽ đến...

Sự mất mát và tàn phá nơi mảnh đất này chỉ mang lại sức sống; quyết tâm thúc đẩy và gây dựng lại (....)

Trước đổ vỡ bụi bặm và trở lại lần nữa. Chẳng còn gì khác. Tôi không dám chắc, nhưng tôi cho rằng mình bắt đầu tin nó đẹp như thể vừa xây xong một ngôi nhà, đó là một cảm giác tốt đẹp hơn khi đặt viên gạch đầu tiên một lần nữa sau khi nó bị phá nát.

{keywords}
Cha mẹ của Kassig. (Ảnh: EPA)

Thư gửi bố mẹ từ trong tù, đầu năm 2014

Bọn con bị giam cùng nhau, toàn người nước ngoài (...). Về tinh thần, con dám chắc đây là điều khó khăn nhất mà một người đàn ông có thể trải qua, căng thẳng và sợ hãi khó tin, nhưng con đang chống chọi tốt nhất có thể. Con không chỉ có một mình. Con có bạn bè, chúng con cười đùa, chơi cờ, chơi travia để giữ vững tinh thần, và chúng con kể cho nhau những câu chuyện, những ước mơ về gia đình và người thân (...)

Chúng bảo bọn con rằng, mọi người đã bỏ rơi bọn con và/hoặc không quan tâm, nhưng tất nhiên chúng con biết mọi người đang làm tất cả mọi thứ có thể và nhiều hơn thế. Đừng lo lắng nhé Cha, nếu con gục ngã, con sẽ không nghĩ nữa, nhưng những gì con biết sẽ là sự thật. Rằng Cha và Mẹ yêu con hơn cả trăng và sao trên trời.

Tất nhiên là con cũng sợ chết, nhưng sợ nhất là trạng thái vô định, băn khoăn, hy vọng, và rồi lại băn khoăn liệu mình có nên hy vọng nữa không. Con rất buồn về tất cả những điều đã xảy ra, và về những gì bố mẹ ở nhà phải chịu đựng. Nếu con chết, con nghĩ ít nhất bố mẹ và con có thể tìm được điểm tựa và niềm an ủi khi biết rằng con đã ra đi sau khi nỗ lực xoa dịu sự khổ đau và giúp đỡ những người cần giúp đỡ.

Thanh Hảo