Quảng cáo bán căn hộ dự án này, nhưng khi khách hàng liên hệ mua nhà lại quay ra nói xấu dự án, rồi sau đó giới thiệu cho khách hàng mua nhà tại dự án khác; lập trang web bán hàng mang tên dự án, nhưng thực tế không phải là đơn vị phân phối bán hàng cho dự án… là những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh không phải hiếm trên thị trường bất động sản, khiến người mua nhà nhiều phen giật mình.

{keywords}

Nguồn cung căn hộ ngày càng lớn, khiến thị trường xuất hiện ngày càng nhiều chiêu trò trong hoạt động bán căn hộ

Chị Nguyễn Mai Phương, một khách hàng mua nhà tại quận Hà Đông, Hà Nội than thở, vì rất muốn mua một căn hộ tại khu vực Vạn Phúc, nên đã dành nhiều thời gian để tham khảo các thông tin trên mạng về các dự án tại đây và liên hệ nhờ tư vấn.

Tuy nhiên, quá trình liên hệ tìm hiểu mua nhà khiến chị Phương mệt mỏi bởi toàn gặp phải “cò” nhà đất, quảng cáo bán nhà tại một dự án, nhưng lại tư vấn cho khách hàng mua nhà tại dự án khác mà chị không mấy quan tâm.

Chị Phương dẫn chứng, mới đây, chị gọi điện đến một sàn giao dịch có trụ sở trên đường Phạm Hùng rao bán căn hộ dự án Goldsilk Complex để tìm hiểu các chế độ bán hàng tại dự án này. Thế nhưng, chỉ sau vài câu chào mời, nhân viên tư vấn đã chuyển sang chào mời chị mua căn hộ tại một dự án lân cận là dự án Hà Nội Landmark 51.

Thấy khách hàng vẫn quan tâm đến dự án Goldsilk Complex, nhân viên môi giới đã chê bai “không thương tiếc” chính dự án mà đơn vị mình chào bán trước đó là Goldsilk Complex. Theo môi giới này, dự án Goldsilk Complex có “view” (quang cảnh) cực xấu, dù đây là dự án có vị trí trung tâm nhất khu vực Vạn Phúc, và do nhà thầu Contecons, “một doanh nghiệp chuyên làm đường giao thông và không có uy tín xây dựng”, dù đây là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, mức giá bán cũng được “thổi” lên quá cao, lên đến 27-28 triệu đồng, dù thực tế, giá bán chỉ 22-24 triệu đồng/m2…

Không chỉ là người đi mua nhà, mà chủ đầu tư cũng như nhà phân phối chính thức của dự án cũng phải “kêu trời” vì bị “chơi xấu”. Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch Nhà đất 24h cho biết, dự án do đơn vị làm nhà phân phối độc quyền là dự án Tứ Hiệp Plaza tại huyện Thanh Trì cũng bị nhiều đơn vị phân phối khác lập trang web “nhái” để thực hiện chào bán.

Cụ thể, theo ông Quỳnh, hiện có hàng chục trang web có tên miền liên quan đến dự án Tứ Hiệp Plaza, đăng thông tin dự án và quảng cáo bán căn hộ dự án này, nhưng lại thuộc sở hữu của các đơn vị phân phối khác. Nếu khách hàng gọi điện đến hỏi thông tin mua nhà, ông Quỳnh khẳng định, chắc chắn sẽ bị nhân viên môi giới chào bán sang một dự án khác, do các đơn vị trên không có sản phẩm của dự án Tứ Hiệp Plaza.

Một đại diện đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội chia sẻ, mỗi khi đơn vị này được quyền phân phối bán sản phẩm tại một dự án nào đó, doanh nghiệp này đều tiến hành mua hết các tên miền có liên quan đến dự án để phục vụ việc truyền thông bán hàng được tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều dự án được khách hàng quan tâm, các tên miền đã bị các đơn vị đối thủ mua hết, rồi lập wesite, đăng những thông tin “trên trời, dưới biển” với mục đích “dìm hàng” dự án, hoặc biến các trang web giả mạo thành công cụ để “vợt” khách hàng quan tâm đến dự án, nhằm lấy thông tin khách hàng, rồi hướng khách hàng mua nhà đến các dự án khác.

Theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán, trong quý II/2016, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội là rất lớn, đạt trên 17.000 căn, trong khi tỷ lệ hấp thụ lại thấp, chỉ đạt khoảng 35%, khiến thị trường diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án trong việc thu hút khách mua nhà.

Để bán được hàng, các đơn vị phân phối phải đẩy mạnh truyền thông, tăng chiết khấu và đưa ra nhiều gói ưu đãi, hỗ trợ người mua nhà. Tuy nhiên, cũng có không ít đơn vị phân phối làm đại lý bán hàng cho những dự án bị coi là “chiếu dưới” và không được nhiều khách hàng để ý, nên để bán được hàng, họ cũng phải dùng nhiều hình thức để thu hút khách mua nhà, trong đó không loại trừ cả những chiêu cạnh tranh không lành mạnh như trên.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh nguồn cung căn hộ trên thị trường không ngừng tăng lên như hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt là khó tránh khỏi, trong đó không loại trừ những chiêu cạnh tranh “bẩn” do các “cò” nhà đất thực hiện. Vì vậy, người mua nhà cần tìm đến chủ đầu tư, hoặc những đơn vị phân phối đã được chủ đầu tư chính thức ủy quyền bán hàng để mua nhà, tránh rủi ro và những rắc rối cho bản thân.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản