- Đã tròn 25 năm kể từ khi những ngôi nhà được dựng lên ở bản Rào Tre để đón đồng bào người Chứt từ hang núi. Lẽ dĩ nhiên, đời sống của họ đã có nhiều thay đổi, nhưng dường như cộng đồng dân tộc có vóc dáng nhỏ bé này vẫn còn mơ hồ, lạ lẫm với thế giới văn minh.
Men say của đói nghèo
Rào Tre bây giờ có 37 hộ dân, 135 nhân khẩu.
Họ sống trong những ngôi nhà gỗ nối đuôi nhau chạy quanh viền thung lũng, bao bọc bốn bề dãy núi Ka Đay (Quảng Bình).
Đã 25 năm hòa nhập, nhưng vẫn có không ít gia đình người Chứt rủ nhau bỏ chạy sang nhà hàng xóm hoặc trốn lên sườn núi khi có người lạ đến thăm nhà.
Trong căn nhà trống hơ trống hoác nằm ở trung tâm bản Rào Tre, Hồ Phong ngồi ho lụ khụ, mệt nhọc cả trong từng hơi thở. Phong ngồi tựa cửa nhìn xa xăm vào khoảng không vô định, nhờ nhờ lớp mây phủ trên đỉnh núi Ka Đay.
Trên tay, điếu thuốc bọ cuốn từ lá rừng âm ỉ cháy lan từng đốt ngón mòn vẹt, run rẩy, vàng khé. Bên cạnh, chiếc điện thoại Tàu không ngừng rên rỉ những bản nhạc vàng thê lương nghe chừng rất hợp hoàn cảnh.
Mới 30 tuổi, nhưng Phong đã trông như ông lão. Gầy gò, ốm yếu, bạc nhược.
Đại úy Nguyễn Nam Giang, Chiến sĩ biên phòng ở Trạm quân dân y kết hợp (Đồn BP Bản Giàng) nói, đàn ông người Chứt ai cũng như thế hết, ngoài 30 đã “lên lão”, lụ khụ lắm rồi.
“Năm vừa rồi có cuộc khảo sát thống kê người Chứt ở Rào Tre trong vòng 10 năm. Tỷ suất sinh thô của đồng bào người chỉ là 12,7%, trong khi đó tỷ lệ chết lên đến 4,2%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng luôn ở mức 80% và có hơn 65% dân số mắc các chứng bệnh liên quan đến hô hấp.
Tuổi thọ trung bình cả nam và nữ thấp hơn 50 tuổi, chắc là thấp nhất nước. Kỷ lục người sống thọ nhất ở Rào Tre được xác lập cho bà Hồ Thị Nậm (63 tuổi), nhưng người ta cũng chỉ đoán vậy thôi chứ không có nghiên cứu nào chính xác cả”, Đại úy Giang thống kê một lèo như thế.
Thượng Tá Võ Trọng Hải- Chỉ huy trưởng biên phòng Hà Tĩnh canh cánh với nỗi lo làm thế nào để bảo tồn người Chứt, làm cách nào để xoá bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết. |
Quả là những con số thống kê vừa báo động, vừa hết sức đau lòng. Đã thành lệ ở Rào Tre, chỉ một trận mưa trở mùa nhỏ thôi thì y như rằng cả trạm quân dân y kết hợp đã chật cứng người đến kêu khó thở, đau đầu, mỏi xương…
Núi đồi rộng mênh mông nhưng hoạt động sản xuất ở Rào Tre năm thì mười họa. Có người nói họ lười, chẳng biết có đúng thật không chứ tiếp xúc với người Chứt thấy họ lúc nào cũng trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi.
Ví như Hồ Phong, dù sao thì gã cũng thuộc hàng sức vóc của bản. Nhưng “công việc” gã làm nhiều nhất trong ngày là ngồi ho, ngồi thở và cứ nhìn xa xăm.
Đi một vòng quanh bản, rất nhiều lao động chính như Hồ Phong đều có chung “công việc” ấy. Đại úy Nam ghé tai tôi nói nhỏ: Trông thế thôi chứ có tý rượu, tý nhạc vào là khỏe ngay thôi.
Quả không sai. Người Chứt có thể đói ăn, lạc hậu, ốm đau bệnh tật nhưng nhạc và rượu là những thứ họ cực kỳ say mê. Đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều có chung niềm đam mê rất lạ với ma men và giai điệu.
Say đến mức sẵn sàng vứt bỏ cày cuốc khi đang làm đồng để nhún nhảy theo một điệu nhạc vất vơ nào đấy từ những chiếc điện thoại chạy xe máy phớt qua.
Và cả, nếu có thấy ai đó có mang một vài chai rượu đi vào bản, vào nhà một người Chứt, đem rượu đổi lấy trâu bò, lợn gà hay những vật dụng có giá trị thì cũng đừng xem là chuyện quá lạ kỳ.
Vẫn biết, đồng bào thường hồn nhiên, nhưng hồn nhiên đến mức ấy thì có lẽ chỉ có người Chứt ở dưới ngọn núi Ka Đay này mà thôi.
Cái sự hồn nhiên ấy có là lời giải thích đích đáng nhất lý do tại sao bản Rào Tre vẫn luôn báo động đói vào những mùa giáp hạt, cho dù suốt 25 năm qua, BĐBP, các cơ quan ban ngành ra sức tìm cách giúp bà con phát triển kinh tế.
Kể từ khi có bản Rào Tre, người Chứt từ 19 hộ dân phát triển lên thành 37 hộ, 135 nhân khẩu.
25 năm, 100% hộ dân vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp, chẳng khác thuở ban đầu là mấy. Ai có thể giúp đồng bào khi bản thân họ dường như không có chút động lực vươn lên nào cả.
|
Hậu quả của hôn nhân cận huyết là những đứa trẻ ra đời không lành lặn |
Minh chứng nho nhỏ, năm vừa rồi BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan ban ngành đem một số giống chuối tận từ Lào Cai về trồng cho bà con dân bản.
Tất tật các khâu, từ trồng cho đến chăm sóc bảo vệ đều có người hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Cũng khí thế đâu được dăm hôm, đến đêm trước, chả biết ai xúi giục, có người nhổ chuối mang đi đổi rượu ngoài trung tâm xã Hương Liên.
25 năm, nếu gọi là văn minh thì cũng có chút ít như chiếc xe máy Tàu, cái tivi hay vài ba cái điện thoại di động mục đích chính là nghe nhạc. Nhưng liệu có ai dám gọi hai từ ấy ở nơi mà phụ nữ đến kỳ chuyển dạ vẫn phải một mình ra túp lều tạm ở góc vườn vượt cạn?
Đại úy Nam kể, từ ngày về bản người Chứt nhất quyết giữ cái tục, phụ nữ trước ngày trở dạ phải tự mình đi bộ 3-4 km đường rừng, tự mình dựng lán, tự tìm thức ăn và tự sinh.
Gia đình ở lại bản nhờ thầy mo làm lễ cúng. Sống thì tìm cách nuôi, chết phải tự mình chôn cất. Sau đúng một tháng các bà mẹ mới được trở về nhà.
Những năm gần đây, nhờ sự vận động của Bộ đội Biên phòng, các cấp chính quyền, đàn bà Chứt không còn phải tự mình vào rừng đẻ nữa, nhưng trong mỗi khoảnh vườn của đồng bào nơi này, những chiếc lạn tạm bợ vẫn được dựng lên mỗi khi thai phụ đến kỳ.
Đã tìm đủ mọi cách nhưng chưa có người đàn bà nào ở Rào Tre được đẻ cho tử tế, an toàn.
Vòng xoáy tội lỗi
Đã có nhiều cuộc khảo sát, thống kê đánh giá và đưa ra một vài ý kiến cho rằng, sở dĩ người Chứt thể trạng yếu, hay ốm đau bệnh tật, tuổi thọ không cao là do thực trạng hôn nhân cận huyết kéo dài. Xem chừng cũng phải.
Có lẽ không đâu trên đất nước này mà anh em, họ hàng lại lấy nhau nhiều như ở Rào Tre. Cậu lấy cháu, con cô, cháu cô, lấy con cậu, cháu cậu…Những tấn bi kịch chất chứa đầy tội lỗi, những hệ lụy đau lòng đến mức không thể còn chuyện đau lòng hơn.
Lúc chúng tôi đến nhà, hai vợ chồng Hồ Cương và Hồ Thị Thành đều đi vắng. Căn nhà trống trơ, hoang hoải.
Trên bàn thờ là di ảnh hai đứa trẻ đã mất. Còn ở góc sân, một đứa trẻ khác, ốm đau quặt quẹo đang ngồi nghịch đất.
Cả hai đứa trẻ đã mất lẫn đứa ốm đau đang còn ấy đều là kết cục từ cuộc tình đầy tội lỗi của bố mẹ chúng.
Có lẽ không đâu trên đất nước này mà anh em, họ hàng lại lấy nhau nhiều như ở Rào Tre. Cậu lấy cháu, con cô, cháu cô, lấy con cậu, cháu cậu…Những tấn bi kịch chất chứa đầy tội lỗi, những hệ lụy đau lòng đến mức không thể còn chuyện đau lòng hơn. |
Thành gọi Cương bằng cậu ruột, họ lấy nhau đã 8 năm nay. Đại úy Nam nói, hai đứa trẻ con Cương và Thành do huyết thống quá gần khi đẻ ra đã rất yếu, mặc dù được chữa trị nhiều nơi, nhiều tổ chức cá nhân quan tâm hỗ trợ nhưng vẫn không qua khỏi.
Người Chứt ở Rào Tre có tục, trai gái thấy ưng nhau, người con trai chỉ cần lên rừng đẵn bó củi khô, ban đêm mang đến để trước cổng nhà cô gái.
Chỉ cần gia đình cô gái lấy bó củi vào đun, chàng trai có thể tự do đi lại, ăn nằm với con gái nhà người ta luôn. Đến lúc sinh con đẻ cái thì dọn ra ở riêng.
Cương và Thành cũng không nằm ngoài lệ ấy. Họ có biết nhau là anh em không? Biết. Có biết lấy nhau, sinh con đẻ cái dễ “gặp vấn đề” không? Chắc chắn là biết, vì ở Rào Tre đã có rất nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết, rất nhiều hoàn cảnh đau lòng rồi.
Cùng thời điểm với Hồ Cương, Hồ Văn Hà cũng vác một bó củi sang nhà ông cậu dạm đứa em gái tên là Hồ Thị Sâm. Họ cũng sinh được 3 đứa con.
Đứa đầu và đứa út còi cọc, bé như cái kẹo. Tội nhất là đứa thứ hai tên Hồ Thị Trang, 5 tuổi. Của đáng tội, từ lúc sinh ra đã không có bàn chân. Nom thấy người lạ, nó không sợ hãi như nhiều đứa trẻ con khác trong bản, cứ chân thấp chân cao đi theo, thật khó lòng kìm nước mắt.
Những trường hợp hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre được liệt kê như ông Hồ Gio (SN 1955) lấy vợ là Hồ Thị Hoa (SN 1960) và đã có 3 người con, nhưng cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa là anh em ruột.
Hồ Hải lấy chị Hồ Tương mà Tương là cháu, Hải là cậu. Hồ Nhỏ lấy Hồ Hùng đã có 4 người con mà chị Nhỏ là con cậu, anh Hùng là con cô. Hồ Bình lấy anh Hồ Bốn nhưng bố của chị Bình và bố của anh Bốn là hai anh em ruột...
Từng ngày, từng ngày như thế, những cuộc hôn nhân tội lỗi vẫn diễn ra dưới chân núi Ka Đay….
Hoàng Sang – Duy Tuấn
(còn nữa)