Với biên độ dao động rất mạnh của chỉ số VN-Index, từ 1.530 điểm có lúc xuống 873 điểm trong năm 2022, không có gì lạ khi thị trường chứng khoán ghi nhận những cổ phiếu biến động lớn, lên tới cả chục lần và xảy ra đối với cả những cổ phiếu trụ cột.
Những xúc cảm trái ngược
Thị trường chứng khoán năm 2022 ghi nhận rất nhiều kỷ lục, trong đó nhiều mã cổ phiếu có những lúc mang đến niềm vui lớn nhưng cũng có lúc là nỗi buồn xót xa đối với nhiều nhà đầu tư trên sàn.
Không ít mã cổ phiếu lên đỉnh cao mọi thời đại, tăng gấp 5-7 thậm chí vài chục lần trong một khoảng thời gian ngắn nhưng rồi rớt rất nhanh khiến các nhà đầu tư hoang mang lo sợ.
Một vài cổ phiếu được “hô” tăng lên vài trăm nghìn đồng/cp nhưng đóng cửa năm 2022 về gần mệnh giá 10.000 đồng/cp. Một số mã “trụ cột” về mức giá “khó tưởng tượng”. Trong khi, nhiều mã hoàn toàn “biến mất” khỏi sàn chứng khoán.
Vài lần “giải cứu”, Novaland từ “10x” về 13.100 đồng/cp
Ít ai có thể nghĩ rằng cổ phiếu Novaland (NVL) của doanh nghiệp bất động sản hàng đầu phía Nam - CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - của ông Bùi Thành Nhơn có ngày xuống mức 13.100 đồng/cp như sáng 27/12, thấp hơn nhiều so với mức 95.000 đồng/cp hồi đầu năm (giá điều chỉnh).
Ngày 28/11, cổ phiếu Novaland (NVL) chấm dứt chuỗi 18 phiên giảm sàn liên tiếp với hàng chục triệu cổ phiếu NVL được hấp thụ chỉ trong vài phút phiên chiều, qua đó đưa NVL về giá tham chiếu 20.450 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư thủng túi trong đợt giảm sàn kéo dài này.
Tuy nhiên, áp lực bán tăng trở lại trong tháng 12 và đưa NVL có lúc về ngưỡng 13.100 đồng/cp. Nhiều người lo ngại, quá trình tái cấu trúc nợ của Novaland còn kéo dài. Vấn đề trái phiếu đáo hạn có thể mới chỉ được giải quyết trong năm 2022 và còn một lượng lớn trong năm 2023. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý ở một số dự án trong khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.
Dòng tiền đổ vào "giải cứu" NVL ngay sau khi NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland - thông báo bán thoả thuận 150 triệu cổ phiếu từ ngày 30/11 cho các nhà đầu tư, tổ chức có năng lực tài chính để giảm tỷ lệ sở hữu từ 36,46% xuống 28,76%
Gần đây, Novaland vẫn bị tự doanh và khối ngoại bán ra.
Bất ngờ ‘tay chơi’ bất động sản miền Bắc: 50% cổ phiếu sang tay trong một phiên
Sáng 20/11, doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại miền Bắc - CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) ghi nhận hơn 146,5 triệu cổ phần được chuyển nhượng.
Đây là một kỷ lục trên TTCK. Nó tương đương khoảng 54% số lượng cổ phiếu HPX niêm yết trên TTCK. Sức cầu lớn hơn áp lực bán đã giúp HPX chấm dứt chuỗi 14 phiên giảm sàn (từ đỉnh 24.400 đồng/cp) và trở lại tăng kịch trần lên 9.100 đồng/cp.
Hải Phát Invest (HPX) là cổ phiếu bất động sản thứ 3 được dòng tiền vào “giải cứu” sau khi Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn và Bất động sản Phát Đạt (PDR) quay đầu tăng trở lại sau 17-18 phiên giảm sàn.
Cũng giống như NVL và PDR, ông chủ của Hải Phát Invest - chủ tịch Đỗ Quý Hải - cũng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Hải Phát Invest là một doanh nghiệp bất động sản khá nổi tiếng ở miền Bắc với nhiều dự án tại Hà Nội và mở rộng ra Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang... Năm 2021, HPX có nhà đầu tư chiến lược là Dragon Capital.
Tuy nhiên, HPX chỉ trụ được 1-2 phiên, sau đó tiếp tục giảm mạnh và xuống 4.500 đồng/cp hôm 28/12.
DIC Corp. tăng giảm 10 lần
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (DIG) là một trong số cổ phiếu thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trên thị trường trong năm 2022. Từ cuối năm 2020, cổ phiếu này trở thành một điểm nóng trên thị trường khi tăng vọt từ mức dưới 10.000 đồng/cp lên ngưỡng 100.000 đồng/cp hồi đầu 2022.
DIG được xem là một hiện tượng và được đánh giá có thể lên “500.000 đồng/cp” khiến không ít người mua ở mức giá 70.000 đồng/cp cảm thấy “rất hời”. Tuy nhiên, cú sụt giảm của DIG về ngưỡng 10.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2022 gây sốc cho không ít người. Vốn hóa của DIG Corp. có lúc mất vài tỷ USD.
Khó tin Vingroup, Vinhomes xuống 50.000 đồng/cp
Thị trường ghi nhận hàng loạt mã bất động sản và xây dựng có biến động 'hoang dại', tăng trần không ai bán và có lúc giảm sàn hàng chục phiên không ai mua như trường hợp: CEO, KDH, PDR, L14, NRC, LDG....
Cú giảm giá hàng chục phiên sàn của nhiều cổ phiếu bất động sản khiến nhiều người không tin vào mắt mình. Cũng rất ít người tin rằng cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lúc xuống ngưỡng 50.000 đồng/cp.
Cổ phiếu “quốc dân” Hòa Phát chao đảo
Hôm 18/11, cổ phiếu đầu ngành thép - Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khớp lệnh kỷ lục 100 triệu cổ phiếu (trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng) trong phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp, qua đó giúp Chủ tịch Trần Đình Long lấy lại vị thế tỷ phú USD. HPG liên tục hồi phục từ mức 12.100 đồng hôm 10/11 lên 17.400 đồng hôm 29/11, qua đó khiến túi tiền tăng thêm gần 500 triệu USD, từ mức 938 triệu USD lên 1,4 tỷ USD.
Trước đó, HPG giảm một mạch từ ngưỡng 45.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021 (giá điều chỉnh) về 12.100 đồng/cp hôm 10/11. Gần đây, có lúc HPG đã về lại 20.000 đồng/cp nhưng áp lực bán đưa cổ phiếu này về mức 18.000 đồng/cp.
Mặc dù tăng trở lại, mức vốn hóa 106 nghìn tỷ đồng của Hòa Phát chỉ bằng khoảng 35% so với đỉnh. Ở thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long đạt hơn 3 tỷ USD.
Khối ngoại gần đây quay trở lại mua ròng HPG, thay vì bán tháo trước đó.
Một loạt cổ phiếu thép cũng chao đảo, lao dốc và nhiều mã xuống dưới mệnh giá như: SMC, POM, TLH, TIS, VGS, TVN,...
Eximbank biến động mạnh, liên tục giao dịch bất thường
Hôm 21-22/11, Eximbank (EIB) ghi nhận gần 212 triệu cổ phiếu EIB (trị giá 5.700 tỷ đồng), tương đương hơn 17% cổ phần được sang tay, trong đó khối ngoại bán hơn 2.800 tỷ đồng cổ phiếu EIB.
Trong năm 2022, Eximbank liên tục ghi nhận những phiên giao dịch khối lượng lớn, đi kèm đó là thông tin liên quan tới sự thay đổi nhân sự cao cấp, gắn với các nhóm cổ đông trong ngân hàng này.
Cổ phiếu EIB cũng biến động, tăng mạnh lên 43.000 đồng/cp hồi đầu tháng 10/2022, rồi xuống 17.000 đồng/cp hồi đầu tháng 11 trước khi tăng vọt trở lại, về quanh ngưỡng 28.000 đồng/cp như hiện tại.
Trong năm 2022, Eximbank đã ổn định nhóm các cổ đông lớn, với những thông tin về sự rút lui của nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công và cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Nhiều cổ phiếu ngành lao đao vì Covid, lạm phát
Nhóm cổ phiếu hàng không, du lịch, dịch vụ cũng biến động mạnh như: Vietnam Airlines, HAGL, HAGL Agrico, bất động sản công nghiệp ITA, KBC...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán cũng lao đao vì Covid, vì dòng tiền eo hẹp do cuộc chiến chống lạm phát.
Kỷ lục buồn “họ FLC”, “họ Louis”
TTCK hồi đầu tháng 1/2022 ghi nhận kỷ lục 135 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch trong một phiên, tương đương gần 20% lượng cổ phiếu lưu hành và chiếm tới gần 10% thanh khoản sàn HOSE. Đây cũng là phiên bị can Trịnh Văn Quyết được xác định có hành vi thao túng và bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Nhóm cổ phiếu “họ FLC” tăng giảm hàng chục lần, có mã lên vài trăm nghìn đồng và giờ hầu hết về mức giá “trà đá”. Nhiều cổ phiếu đã bị đình chỉ giao dịch hoặc ra khỏi sàn như: FLC, ART, ROS, HAI, AMD...
Các cổ phiếu “họ Louis” cũng không khá hơn. “Hệ sinh thái Louis” được biết đến với nhiều doanh nghiệp như: BII, TGG, SMT, APG, VKC và TDH...