Hang quan tài là tên người dân địa phương thường gọi. Hang này có từ bao giờ không ai biết rõ. Năm 2009, một người dân địa phương tình cờ đi lên núi phát hiện các cỗ quan tài gỗ nằm la liệt, nhưng chỉ có vỏ, không chứa di cốt bên trong. 

Nơi chứa những cỗ quan tài này nằm ở vị trí vách đứng cheo leo trên đỉnh núi nên rất khó di chuyển lên. Để đến được cửa hang, đi người không cũng phải mất vài giờ đồng hồ vượt qua những vách núi thẳng đứng, nhiều chỗ trọc lóc không một bóng cây. 

Hang quan tài nằm cheo leo trên đỉnh núi cách mặt sông khoảng 150m.

Theo cuốn địa chí huyện Quan Hóa, hang quan tài có tên gọi là hang Lũng Mu nằm trên đỉnh núi Pha Lý thuộc địa bàn xã Hồi Xuân và Nam Xuân (huyện Quan Hóa). Năm 2016 nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trước đó, hang có tên là Phi Bài, trong tiếng Thái có nghĩa là “ma rừng”. Sau đó, một phần do có nhiều lợn lòi về trú trong thung lũng nên người dân gọi thành hang Lũng Mu (hang lợn lòi theo tiếng Thái). Hiện nay nhiều người địa phương gọi là Hang Ma.

Hang Ma cao khoảng 150m so với mặt nước sông, đường lên hang khó khăn, hiểm trở, người đi phải bám chặt tay vào các mẩu đá tai mèo sắc nhọn, nhiều đoạn phải đu người trên vách núi dựng đứng. Chính vì vậy, không nhiều người trong bản hiện nay đi đến hang thành thạo.

Đường lên hang quan tài rất hiểm trở.

Cửa hang chỉ rộng khoảng 5m. Khu vực hang chính rộng khoảng 100m2, ngoài ra còn có các hốc, lòng hang trổ ra bên cạnh mỗi nơi rộng khoảng 30 - 40m2, việc di chuyển giữa các hốc hang cũng rất khó khăn.

Đây là một trong những động táng lớn nhất miền Tây Thanh Hóa cũng như của cả nước. Vào thời điểm các nhà khảo cổ khảo sát lần đầu (năm 1998), khu vực hang chính có khoảng 30 quan tài phần lớn đặt dưới nền hang. Phía sâu trong hang có một giá gỗ gồm các xà gồ gác ngang qua hai vách hang tạo thành sàn chứa quan tài.

Các quan tài là những thân cây độc mộc.

Quan tài là một thân cây nguyên khối (độc mộc) khoét hình lòng thuyền, có chiếc khoét hình chữ nhật. Kích thước các quan tài không đồng dạng, trong đó chiếc lớn nhất dài 2,8m, rộng 0,48m; chiếc nhỏ dài 1,4m, rộng 0,28m.

Thời điểm các nhà khoa học khảo sát, phần lớn các quan tài trong hang đều trong tình trạng lộn xộn, xô lệch. Một số đang bắt đầu mục nát, vỡ vụn. Tuy nhiên, có thể thấy chất liệu làm quan tài thuộc loại gỗ quý, ước đoán là gỗ hương. Kích thước quan tài không phụ thuộc vào tử thi lớn hay bé mà phụ thuộc vào cây gỗ thu được.

Qua bao thời gian, gỗ quan tài đã mục nát, vỡ vụn.

Theo các nhà khoa học, loại hình tục táng trong động đã có từ cổ xưa và khá phổ biến ở nhiều nơi như Thái Lan, Philippines và đặc biệt là ở phía Nam vùng sông Dương Tử (Trung Quốc). Như vậy hình thức động táng ở Quan Hóa cũng có nhiều điểm tương đồng.

Theo một số vị cao niên ở Quan Hóa, do địa bàn này nằm cạnh các con sông lớn, nước thường dâng cao vào mùa mưa lũ nên có thể người xưa đã chọn cách táng trên vách núi. Tuy nhiên, bằng cách nào để đưa được các quan tài gỗ khá nặng di chuyển trên đoạn đường hiểm trở thì đến nay vẫn chưa thể lý giải được, và cũng chỉ có các giả thiết được đưa ra.