"Everest: Người tuyết bé nhỏ" - phim cài cắm đường lưỡi bò của Trung Quốc lọt kiểm duyệt tại Việt Nam. |
Cần thay đổi khuynh hướng duyệt phim bảo thủ
Đây là ý kiến được đại diện Hãng phim Chánh Phương nêu trong hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật điện ảnh tại Hà Nội hồi tháng 8/2019 mới đây. Đại diện hãng này thẳng thắn đề nghị: "Cởi mở cơ chế duyệt phát hành phim thông thường, cụ thể hoá về phong mỹ tục để những nhà làm phim có thể tự do tư duy sáng tạo nghệ thuật được đi đến tận cùng, đa dạng về thể loại, nâng tầm điện ảnh Việt vươn ra thế giới.
Cụ thể là giải thích rõ thuần phong mỹ tục trong văn bản duyệt kịch bản, duyệt phim vì đây là những từ chung chung, chưa rõ ràng gây hoang mang khiến nhà làm phim chưa làm đã sợ. Thay đổi khuynh hướng duyệt phim bảo thủ, an toàn, giảm sự kiềm tính sáng tạo đột phá trong tác phẩm điện ảnh. Công khai giới thiệu những thành viên hội đồng thẩm định, kiểm duyệt phim để cùng chia sẻ và tham vấn đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh trong giai đoạn kiểm duyệt phim".
Phim "Ròm" của Việt Nam thắng giải tại LHP Busan 2019 bị nhận án phạt 40 triệu đồng vì mang phim chưa được duyệt đi tranh giải. |
Trong khi đó, công ty Thiên Ngân thì đề xuất và xem xét việc thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay hoặc phân theo tỉnh, thành phố lớn. Bởi hiện tại với số lượng phim nhập về rất lớn, các đơn vị phát hành phải xếp hàng, đặc biệt là dịp Lễ Tết dẫn đến khó khăn trong việc phát hành.
Cả công ty Thiên Ngân lẫn CGV - hai nhà phát hành phim ngoại lớn nhất hiện nay đều đề xuất nên xem lại hệ thống phân loại 5 mức độ như hiện nay và cần bổ sung mức phân loại PG (có sự hướng dẫn của cha mẹ cho trẻ dưới 13 tuổi) và C9 (không dành cho khán giả dưới 9 tuổi) vì nhiều phim cấm khán giả dưới 13 tuổi nhưng lại hợp với khán giả khoảng 9-10 tuổi.
Tại Việt Nam, hệ thống kiểm duyệt phim vẫn được duy trì lâu nay với Hội đồng duyệt gồm 11 người. Tất cả các phim Việt ra rạp hay muốn đi nước ngoài tranh giải đều phải thông qua hội đồng duyệt. Nếu bộ phim không vi phạm luật, nó sẽ được dán nhãn tùy mức độ (phổ biến tới mọi đối tượng, cấm khán giả dưới 13 tuổi, cấm khán giả dưới 16 tuổi, cấm khán giả dưới 18 tuổi) hoặc cấm phổ biến. Nếu phim có những cảnh không phù hợp sẽ được yêu cầu nhà phát hành cắt bỏ (với phim nhập ngoại) hoặc yêu cầu chỉnh sửa (với phim Việt). Hiện tại trung bình mỗi năm có khoảng 250 phim được cấp phép ra rạp (trung bình 20 phim mỗi tháng).
"Điệp vụ biển đỏ" bị ngưng chiếu tại Việt Nam hồi tháng 3 năm ngoái vì lọt nội dung nhạy cảm về chủ quyền biển đảo. |
Cũng như Việt Nam, một số nước cũng có hội đồng duyệt phim như Trung Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, không giống như Việt Nam, Trung Quốc chỉ giới hạn mỗi năm cho phép khoảng 20 phim ngoại nhập ra rạp để bảo hộ phim trong nước. Do vậy nhiều phim của Hollywood muốn dễ dàng vào thị trường tỷ dân này thường tìm cách bắt tay với các nhà sản xuất phim trong nước (như trường hợp của 'Everest - Người tuyết bé nhỏ') hoặc mời các diễn viên Trung Quốc tham gia các bom tấn dù vai của họ chủ yếu để "làm cảnh" như: Phạm Băng Băng ('X-Men: Days of Future Past', 'Iron Man 3'), Lý Băng Băng ('The Meg', 'Transformers: Age of Extinction')...
Mặc dù vậy rất nhiều quốc gia không có kiểm duyệt phim. Ví dụ Mỹ không có cơ quan kiểm duyệt phim ảnh, chỉ tiến hành phân loại phim thông qua hệ thống MPAA với 5 mức phân loại. Tương tự với Hàn Quốc, nước này cũng chỉ áp dụng hệ thống phân loại phim theo 5 mức độ. Ở Đức, việc duyệt phim đã bị bãi bỏ từ 1918 nhưng Luật Điện ảnh ra đời năm 1920 đã đặt ra nhiều chế tài để kiểm soát những hình ảnh tiêu cực liên quan đến nước Đức ra thế giới thông qua phim ảnh.
Nguyễn Hoàng Điệp chỉ đạo 1 cảnh quay phim "Đập cánh giữa không trung". |
- Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần thay đổi các kiểm duyệt phim cũng như xem lại Hội đồng duyệt phim quốc gia, ý kiến chị ra sao trước sự việc này?
Tôi thật sự không biết quy trình làm việc của hội đồng duyệt quốc gia với các phim được nhập về có gì khác với các phim được sản xuất ra trong nước hay không? Thành phần, thời gian xem xét, mức độ bám sát luật… Nhưng về kiểm duyệt nói chung thì phim nào cũng có chuyện để kể, cười hoặc mếu, đau thương hoặc hú hồn, thở phào hoặc tan nát.
- Từng làm phim và cũng từng mang phim đi duyệt và mang đi quốc tế, cá nhân chị từng gặp rào cản nào về việc kiểm duyệt phim khiến tác phẩm của mình phải sửa chữa, thay đổi không đúng ý đồ ban đầu không?
Như đã nói bên trên. Chắc chắn có. Lần đầu bập vào làm sản xuất, là 'Bi đừng sợ' đã cho tôi một cú sốc về kiểm duyệt. Chắc đến giờ nó vẫn là trường hợp kinh điển với tôi.
- Nhiều người cho rằng việc duyệt phim hiện nay ở Việt Nam đã lỗi thời, và đang kéo lùi nền điện ảnh Việt, ngăn cản sự sáng tạo của giới làm phim nhưng lại quá thông thoáng dễ dãi với phim nhập ngoại mà cụ thể là để lọt những phim có nội dung nhạy cảm liên quan đến chủ quyền biển đảo như 'Điệp vụ biển đỏ', 'Người tuyết bé nhỏ', cá nhân chị thấy nhận định này có đúng?
Tôi chả tị bì, việc ai nấy làm. Kiểm duyệt mà thoáng được tôi cũng mừng. Chúng ta sẽ được xem những phim cực gần với bản gốc. Chứ giờ thấy đang khắt khe với phim quốc nội lại đi bì để họ cũng cắt thẳng tay như nhau thì chết à? Tình trạng cắt – chỉnh sửa theo yêu cầu kiểm duyệt đến nỗi không nhận ra nổi tác phẩm nữa thì…cũng chả phải mất công bằng quá đâu. Tôi vẫn nhớ có vài phim tây ra rạp đã thành câu chuyện cười vì phim về tình dục nhưng cắt tất cả các cảnh đụng chạm. Phim ma thì cắt tất cả các cảnh con ma. Khán giả còn đùa là giờ thích hợp chiếu cho thiếu nhi. Nên không cần tị đâu. Cái chính nó là việc kiểm duyệt bản thân nó là sự có vấn đề rồi.
Trường hợp Người tuyết hay biển đỏ là khác đấy, nó thuộc về ý thức hệ chính trị. Cái đó thì cần nhạy bén và nhạy cảm chính trị, cần tinh mắt, cẩn thận. Tôi cho là chả cần thoáng hay chặt thì vẫn cần tuân thủ thôi. Với 1 số chủ đề nhất định, thì ta không lờ mờ được. Cụ thể ở đây là những hình thức sai trái xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng ta.
- Chị sẽ ủng hộ ý kiến nào: 1. Bỏ hệ thống kiểm duyệt phim hay 2. Thay đổi các kiểm duyệt phim như hiện nay? Và nếu thay đổi thì theo chị hội đồng duyệt phim gồm thành phần nào, duyệt phim thế nào là hợp lý?
Bỏ kiểm duyệt thôi!
Trước tôi cũng loay hoay với suy nghĩ mình cần thông cảm, cần thấu hiểu, cần chung sống. Sau tôi nhận ra, kiểm duyệt là sai bạn ạ. Nó sai từ gốc rễ rồi. Không thể nhân danh ai hoặc cái gì mà đòi chỉnh sửa – cắt xén – thay đổi một tác phẩm rồi tuyên bố như thế mới phù hợp cho công chúng. Tất nhiên, thay đổi cái gì cũng cần có kế hoạch, lộ trình. Và thường là đòi hỏi của xã hội sẽ luôn vượt trước sự vận động của chính sách cơ chế. Nhưng phải làm thôi.
Với tình hình hiện nay, cũng cần cẩn thận, chúng ta rất dễ để bị rơi vào tình thế ngăn sông cấm chợ về văn hoá. Mà cái đó, thiệt cho ta, cho thế hệ tương lai và cho chính sự phát triển của quốc gia. Với một số chủ đề nhất định liên quan an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, bí mật quốc gia… thì như đã nói ở trên, nó cần được đặt dưới một lăng kính và góc nhìn nghiêm túc khác.
Mai Linh