- Trung Quốc đã có cuộc chuyển giao quyền lực dễ mà khó định đoán, trong khi ở Nga là những gương mặt cũ giữa yếu tố mới. Đây là hai trong số những cuộc chuyển giao quyền lực có ảnh hưởng toàn cầu những năm tiếp theo.
Trung Quốc: Dễ mà khó định đoán
Trung Quốc trải qua cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất trong một thập niên khi hàng ngàn cán bộ và nhân sự cấp cao nghỉ hưu sau kỳ đại hội diễn ra tháng 11. Thay đổi sâu sắc nhất đã diễn ra trong Ban thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc (từ 9 xuống còn 7 thành viên, với 5 thành viên mới) mở đường cho một thế hệ mới lên nắm quyền.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong cuộc họp đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới diễn ra sáng 15/11. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đã được đôn lên làm nhân vật số 2 trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới, mở đường để ông tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ tháng 3/2013.
Việc chuyển giao quyền lực cao nhất tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất ổn: vụ Bạc Hy Lai - được coi là bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc nhiều năm nay; một nhà hoạt động bất đồng chính kiến trốn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh; hàng loạt cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc ở các thành phố khắp Trung Quốc sau khi Nhật tiến hành mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp ở Hoa Đông...
Dư luận quan sát tỏ ra chắc chắn ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trong Thường trực Bộ chính trị, đảm nhiệm ghế Chủ tịch và Thủ tướng vào tháng 3 tới. Họ sẽ thông qua và thực thi chính sách kinh tế, chính trị, xã hội như thế nào là tâm điểm mà cả thế giới đang dõi theo.
Nga: Gương mặt cũ giữa yếu tố mới
Cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga được coi như có sẵn kết quả khi mọi dự đoán đều khẳng định Thủ tướng Putin sẽ trở thành Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, dài 6 năm. Nhưng các cuộc biểu tình đã liên tiếp nổ ra ở Moscow và nhiều thành phố khác 3 tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội để tố những cáo buộc gian lận diễn ra trong cuộc bỏ phiếu mới nhất. Lần đầu tiên trong nhiều năm, dường như việc chỉ trích Kremlin bắt đầu được chấp nhận ở Nga.
Những phong trào biểu tình đã đánh thức một thế hệ người Nga mới khỏi những thờ ơ chính trị và sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị địa phương.
Kremlin đã cho phép thêm nhiều đảng phái chính trị cạnh tranh trong các cuộc bầu cử tương lai, khôi phục lại bầu cử thống đốc trực tiếp, mặc dù điều khoản trong luật lệ mới làm dấy lên quan ngại rằng, ông Putin vẫn sẽ có thể định đoạt ai là người nắm giữ vị trí ấy.
Dù đồng ý tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đảng phái chính trị đối lập tham gia các cuộc bầu cử, nhưng trong bối cảnh xã hội Nga đã thay đổi, ông Putin đứng trước thách thức lớn trong việc tạo ra thay đổi, chế ngự những bất mãn xã hội mà vẫn duy trì sự kiểm soát.
Mỹ: Sít sao Obama - Romney
Cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của Mỹ cam go và khó định khi hai đối thủ “một chín, một mười”. Một bên đường đua là tổng thống đương nhiệm được nhìn nhận là người hiểu rõ các khó khăn và gần gũi với người dân nhưng hiệu quả điều hành kinh tế không cao. Bên kia là một chính khách được cho là am hiểu kinh tế thị trường nhưng lại không thật sự nổi bật của đảng Cộng hòa.
Hai bên đã đối mặt trong các cuộc đấu trí kịch tính cho đến khi siêu bão Sandy xuất hiện trước ngày bỏ phiếu đúng 1 tuần - được ví là cuộc thử lửa niềm tin với cử tri cuối cùng. Nếu như Obama năng động với các hoạt động kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão, củng cố niềm tin của dân chúng thì Romney lại không lấy được lòng cử tri do đưa ra những lời hứa về một viễn cảnh nhưng thiếu chương trình cụ thể.
Làn gió mới ở Pháp và Triều Tiên
Ở Đông Bắc Á, Triều Tiên tập trung vào nỗ lực củng cố vị thế lãnh đạo của Kim Jong-un đồng thời tiến hành điều chỉnh nhân sự và chính sách phát triển kinh tế. Nội bộ Triều Tiên cơ bản ổn định nhưng vẫn chứa đựng yếu tố khó lường; tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Tại Pháp, François Hollande của đảng Xã hội đã lật đổ tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy sau một chiến dịch tranh cử giương cao ngọn cờ dân túy, chống lý thuyết thắt lưng buộc bụng.
Ông Hollande chủ trương kích thích tăng trưởng kinh tế thay vì “khắc khổ” để giải quyết khó khăn tại Pháp cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sau nhiều tháng nhậm chức và bắt tay vào công việc, Hollande - giống như nhiều nhà hoạch định chính sách khác của châu Âu - nhận thấy rằng, làm khó hơn nói rất nhiều.
Thái An