– Để tồn tại, giang hồ ở lãnh địa máu buộc phải chém giết lẫn nhau. Thủ phủ đá đỏ đã từng chứng kiến những trận huyết chiến kinh hoàng giữa đại ngàn.

Tử chiến ở đồi hoa cỏ may

Mới là đầu tháng 6, ấy vậy mà gió Lào đã hầm hập thổi, quất thẳng vào mặt nóng ran. May mắn, chúng tôi được Đại tá Thái Doãn Hiệu – Trưởng công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) dẫn đi thăm lại những địa danh gắn liền với những thăm trầm của viên đá đỏ một thời.

Từ ngã ba săng lẻ, rẽ theo quốc lộ 48, chạy thêm mấy chục km nữa là đến đồi hoa cỏ may, đồi Tỷ và đồi Triệu – những cái tên không hề lạ lẫm đối với những người đi đào đá đỏ.

Chẳng ai có thể hiểu, vì sao người ta lại đặt tên những quả đồi như vậy. Chỉ biết, từ khi dòng người đổ xô về Quỳ Châu khai thác đá đỏ, thì những cái tên đó cũng được khai sinh. Và, những địa danh đó, từng là nơi diễn ra nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu. Máu chảy xuống suối. Máu thấm vào cả những viên đá đỏ vẫn trốn sâu trong lòng đất. Đồi hoa cỏ may, chính là nơi xảy ra những trận tử chiến đầu tiên trong thời kỳ đế chế đá đỏ.

Đại tá Thái Doãn Hiệu, trưởng công an huyện Quỳ Châu kể lại những trận chiến giữa các băng nhóm giang hồ. (Ảnh: H.Sang)


Đại tá Hiệu bảo rằng, khởi nguồn của thời kỳ đá đỏ, người ta chủ yếu khai thác ở đồi hoa cỏ may. Gọi là đồi, nhưng thực ra, nó chỉ là một thung lũng bạt ngàn hoa cỏ may nằm tiếp giáp giữa xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) và huyện Quỳ Châu.

Đồi hoa cỏ may cũng chính là nơi mà các băng đảng, bè phái thường dùng làm chỗ lui quân trong thời kỳ hoàng kim của đá đỏ. Là nơi mà các tay giang hồ cộm cán hay tụ tập về đây sau mỗi lần ra tay siết cò, hay lỡ tay lấy đi một mạng người.

Vì thế, những năm mở đầu cho thời kỳ đá đỏ, địa danh này cực kỳ phức tạp. Cũng chính vì thế, cách nơi đây không xa, một chốt chặn của lực lượng công an Nghệ Tĩnh được lập để dễ dàng kiểm soát địa bàn.

Cuối năm 1990, lúc bấy giờ, người dân chủ yếu tập trung về đồi hoa cỏ may để đào đá đỏ. Lúc này, địa bàn này chủ yếu là do người bản địa tự khai thác. Dân tứ xứ đổ về gần như không thể men chân đến nơi này. Nếu có, thì chỉ được phép khai thác ở những địa điểm mà được coi là rất ít đá đỏ.

Nơi đây, ngày xưa là "phố sung sướng" với đầy đủ tệ nạn xã hội. Cùng với cơn sốt đá đỏ, các tệ nạn như ma túy, mại dâm cũng theo chân phu đá đỏ về nơi đây. (Ảnh: Q.Huy)


Rất nhiều tên du đãng tập trun lực lượng để gây dựng thanh thế, đem quân đi chiếm lĩnh các hầm khai thác. Nhưng rốt cuộc, tất cả đều bị một băng nhóm của dân bản địa đánh bật bãi.

Không chịu thua, các băng nhóm buộc phải “hạ sơn”, nhờ đàn anh tên Sơn “cụt” ra tay giúp đỡ. Sau một chầu nhậu sương sương, Sơn cụt tặc lưỡi đồng ý.

Chập tối, Sơn cụt dẫn khoảng 20 người, đột nhập vào cứ điểm bất khả xâm phạm của người dân bản địa. Biết tiếng Sơn cụt đã lâu, nên dân Yên Hợp đành để nhóm của y khai thác.

Trong khi Sơn cụt đang nằm trong lán hút thuốc phiện thì đàn em hớt hải chạy đến, thông báo tình hình: “quân mình vừa đào được một vỉa có rất nhiều đá, dân bản địa kéo đến cướp hầm”. Cay cú vì bị hớt tay trên, Sơn cụt nhổ toẹt bãi nước miếng, cởi phăng chiếc áo, với con dao lê rồi chạy nhanh ra hầm.

Không kịp để cho Sơn kịp ra tay, nhóm dân bản địa rút chốt 2 quả lựu đạn, ném thẳng vào hội của Sơn. Sơn vội lăn mình xuống đồi, nằm rạp xuống để tránh sức ép của 2 quả lựu đạn.

Lúc ngửa mặt nhìn lên, Sơn đã thấy 2 đồng bọn của y bi chết tức tưởi, máu me bê bết. Một số người nữa bị thương nặng.

Như một con mãnh thú bị thương, Sơn rút dao vùng dậy, nhằm thẳng tên vừa ném lựu đạn chém tới tấp. Tên cầm đầu nhóm dân bản địa quằn quại đổ rạp xuống.

Thấy chủ soái bị Sơn chém trọng thương, tất cả người dân Yên Hợp vội cầm xà beng và mã tấu đuổi theo Sơn, nhằm thẳng đầu mà phang. Thế yếu, Sơn hô anh em rút quân để kiếm thêm viện binh.

Thoát khỏi vòng vây, Sơn vội tập hợp nhanh lực lượng, quyết ăn thua đến cùng bằng một trận huyết chiến. Gần 100 người, là giang hồ tứ xứ, quy tụ dưới trướng của Sơn nhanh chóng có mặt để đi đòi món nợ bằng máu. Mệnh lệnh mà Sơn đưa ra lúc này là: cứ thấy ai là người dân Yên Hợp đang tập trung ở đồi Hoa cỏ may là chém hết, không tha một ai.

Chập tối, một chiếc xe tải chở gần 100 người nhằm đồi Hoa cỏ may thẳng tiến. Sơn cụt đi trên chiếc Min, cởi truồng, tay cầm mã tấu dẫn đầu đoàn.

Lực lượng công an ngày đó đã rất vất vả mới dẹp yên được trận tử chiến này. Hàng chục cán bộ chiến sỹ đã được huy động đến, vừa trấn an dân, vừa dùng lời lẽ thuyết phục để không xảy ra một trận quyết chiến mà chắc chắn rằng, nếu nó xảy ra, số người thương vong sẽ không thể nào đếm được.

Sau vụ điều hơn 100 quân đến để tiêu diệt người dân bản địa bất thành, tên tuổi của Sơn ngày càng nổi như cồn. Các tên cầm đầu ở bản địa cuối cùng cũng quy thuận dưới trướng của đại ca Sơn. Sơn trở thành thủ lĩnh, cai quản khu vực đồi Hoa cỏ may, sống ngập trong khói thuốc phiện và đĩ điếm.

Đá đỏ thấm máu

Thời kỳ hỗn mang đó, không chỉ các băng đảng giang hồ mới thanh toán nhau để tranh giành lãnh địa, mà chính những người dân khai thác cũng từng đâm chém nhau để tranh giành đá đỏ. Đá đỏ thời ấy thấm không biết bao nhiêu máu của người lao động nghèo khổ. Bởi thế, có người từng xa xót khi gọi màu của đá Rubi là: màu máu.

Những người đào đá đỏ thời đấy, chắc không ai quên được cuộc hỗn chiến giữa người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với dân Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn) ở đồi Tỷ.

Lần đó, trong khi đang khoét hầm ếch để tìm đá đỏ, người dân Nghĩa Minh bất ngờ phát hiện thấy một vỉa lớn, khả năng có rất nhiều đá đỏ. Thông tin nhanh chóng ngấm ngầm được thông báo ngay cho “bưởng trưởng”.
 

Con đường dẫn vào đồi Tỷ. Ngày đó, lực lượng công an đã phải chốt chặn con đường này để ngăn không cho phu đá vào. (Ảnh: H.Sang)


Cách đó mấy mét, có một hội dân Yên Hợp cũng đang khoét hàm ếch. Chẳng hiểu thế nào, thông tin người dân Nghĩa Minh tìm được vỉa đá lớn nhanh chóng đến tai tên bưởng trưởng, cầm đầu toán người Yên Hợp. Ngay lập tức, bưởng trưởng ra lệnh cho anh em khoét thông sang hầm của dân Nghĩa Minh để tranh giành, phân chia mỏ đá.

Lúc này, dưới hầm sâu, 3 người dân Nghĩa Minh đang thoăn thoắt chuyển lên trên những bì đất để đi đãi thì phát hiện mấy người dân Yên Hợp từ hầm bên kia mò sang. Sau một hồi cãi vã, dân Yên Hợp cầm xà beng, táng thẳng. Không kịp chống trả, 2 người dân Nghĩa Minh bị đánh vỡ đầu, chết ngay tại chỗ.

Nghe tin quân mình bị giết dưới hầm, bưởng trưởng vội huy động anh em với mã tấu, xà beng chống trả quyết liệt. Một trận hỗn chiến xẩy ra ngay trên miệng hầm. Đất đá từ trên đổ ầm ầm, che hết cả miệng hầm. Lần đó, phải đến ngày hôm sau, người ta mới bới đất đưa xác người dân Nghĩa Minh để đi chôn cất.

Đêm hôm đó, cả một chiếc xe bán tải chở la liệt người bị thương tiến thẳng đến Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn để cấp cứu.

•    Hoàng Sang -  Quốc Huy

Kỳ tới: Sau một thời gian trành giành ngôi soái ở tử huyệt Quỳ Châu, cuối cùng, giang hồ "lãnh địa máu" cũng tìm ra cho mình một ngôi vương mới với cái tên Vi Văn Phong, thường gọi là Phong 'trọc'. Thế “tam quốc” bị phá vỡ, Vi Văn Phong đứng lên thống nhất “thiên hạ”...

Bài 1: 'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến
Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của 'đế chế đá đỏ'...

Bài 2: Cơn khát Ruby ở 'lãnh địa máu'
Một đế chế mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: đế chế đá đỏ - đế chế của những trận huyết chiến kinh hoàng, đế chế của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó, chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby và màu máu.