Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi là bầu Kiên), Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh là 3 đại gia ngân hàng khét tiếng một thời. Cả 3 nhân vật tầm cỡ này lần lượt bị khởi tố trước sự ngỡ ngàng của không ít người.
Bầu Kiên và Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm tù
Sự kiện bầu Kiên bị bắt rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới giờ. Lúc đó, vào chiều tối 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép".
Dường như ai cũng bất ngờ và không thể tin nổi người đàn ông quyền lực thuộc hàng nổi danh trong giới tài chính ngân hàng và bóng đá Việt Nam lại có ngày "ngã ngựa", vướng vòng lao lý.
Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, Phó chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội…
Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Nguyễn Đức Kiên đã bị toà tuyên án 30 năm tù, trong đó 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm 6 tháng tù về tội "Trốn thuế", áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vòng 5 năm.
Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.
Hồi cuối tháng 7/2014, thông tin ông Phạm Công Danh Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng bị bắt vì hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng lại một lần nữa khiến cả thị trường sửng sốt.
Ảnh: Thời báo tài chính. |
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Trước thời điểm bị bắt hơn 1 tháng, ông Phạm Công Danh vẫn nói về những kế hoạch chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 50 năm hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh và gói tín dụng liên kết 50.000 tỉ đồng về đề án phát triển ngành vật liệu xây dựng theo mô hình tập trung: Sàn giao dịch vật liệu xây dựng và Thiên Thanh với vai trò là nhà tổ chức, Ngân hàng Xây dựng với vai trò là đơn vị cung cấp tín dụng.
Mới đây, ngày 9/9, sau gần hai tháng xét xử sơ thẩm và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh (52 tuổi) mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù.
HĐXX nhận định, hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định ông Danh cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến đến hoạt động tín dụng, quản lý kinh tế của nhà nước. Đây là vụ án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Sắp xét xử vụ án Hà Văn Thắm và 16 đồng phạm
Vụ Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm xảy ra tại Oceanbank và một số đơn vị liên quan là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I/2017.
Trước đó, ngày 21/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố Vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Oceanbank) về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
Đây được xem là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tiếp tay của nhiều đối tượng trong toàn hệ thống OceanBank, gây thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của ngân hàng, Nhà nước, tác động xấu đến tình hình kinh tế của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính - tiền tệ tại Oceanbank, Hà Văn Thắm có nhiều vi phạm dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…
Không những vậy, ngoài việc gây thiệt hại nghiêm trọng tại OceanBank, Hà Văn Thắm còn liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cụ thể là cuộc chuyển giao cổ phần từ nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn) và ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - bị cáo vừa bị tuyên án 30 năm tù hôm 9/9).
Trong vụ án này, ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
(Theo InfoNet)