- Theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, khi cán mốc thời gian này, Việt Nam sẽ cố gắng có ít nhất 4 trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những nỗ lực đầu tư xây mới một số mô hình ĐH đẳng cấp bậc cao cho thấy, Việt Nam sẵn sàng đi vay nhiều triệu USD để "xốc" lại chất lượng giáo dục ĐH.

TIN BÀI KHÁC


Học sinh tham gia buổi tư vấn du học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong 4 trường ĐH được xây dựng theo mô hình ĐH công lập, phi lợi nhuận, chất lượng cao, có Trường ĐH Việt - Đức hiện đã đi vào hoạt động tại TP.HCM với đối tác chính là CHLB Đức. Trường thứ hai là ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội với đối tác chiến lược là Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam.

Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị tiếp hai đề án thành lập hai trường ĐH trình độ quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ với đối tác chiến lược sẽ là ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ, đồng thời sẽ lựa chọn tiếp các đối tác nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Nga...

190 triệu USD xây ĐH Việt - Pháp

Mới nhất, cùng với các hội thảo về phát triển do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, trong đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc tới "điểm nghẽn nguồn nhân lực", ban giám đốc của ngân hàng này cũng thông qua khoản tiền vay 190 triệu USD để xây dựng Việt NamTrường ĐH Khoa học – Công nghệ Hà Nội.

Khoản cho vay trên được ADB kết hợp từ 2 nguồn vốn: 170 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (OCR), và 20 triệu USD từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Khoản vay từ nguồn vốn OCR có thời hạn là 26 năm, trong đó có 6 năm ân hạn, với mức lãi suất như quy định trong cơ chế cho vay LIBOR. Khoản hỗ trợ từ nguồn vốn ADF có thời hạn là 32 năm, với 8 năm ân hạn và có mức lãi suất 2,02%.

Theo ADB, bên cạnh việc hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho 5.000 sinh viên theo dự kiến, dự án sẽ thiết lập các hệ thống quản lý và quản trị điều hành hiện đại cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ cấp cao. Dự án cũng thiết lập các trung tâm nhằm thúc đẩy các chương trình và công trình nghiên cứu chất lượng cao, giúp kết nối những nhóm công nghiệp này với khu vực tư nhân. Những chương trình này sẽ tạo ra một mô hình có thể sao chép lại tại các trường ĐH khác trong tương lai.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ bổ sung cho chương trình tài trợ này của ADB thông qua một khoảng hỗ trợ trị giá 100 triệu Euro trong hơn vòng 10 năm nhằm phát triển trường ĐH này. Phần vốn đối ứng từ phía Chính phủ Việt Nam là 23 triệu USD. Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ bổ sung với chương trình tài trợ này của ADB thông qua một khoảng hỗ trợ trị giá 100 triệu euro trong hơn vòng 10 năm nhằm phát triển trường ĐH này. Phần vốn đối ứng từ phía Chính phủ Việt Nam là 23 triệu USD.

Khai giảng khoá đầu tiên vào năm học 2010 - 2011, trường ĐH này bước đầu xét tuyển các thí sinh thi tuyển toàn quốc, với mức điểm 'nhỉnh' hơn sàn đại học.

180 triệu USD dựng ĐH Việt - Đức

Trường ĐH quốc tế công lập đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng trên diện tích 50 ha tại tỉnh Bình Dương với số vốn vay của Ngân hàng thế giới là 180 triệu USD, do phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Khoản vay phục vụ dự án thực hiện theo hình thức tín dụng ưu đãi với thời hạn vay 35 năm, trong đó có 10 ân hạn lãi suất 0%.

Khoản tín dụng trên nhằm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và khuôn khổ chính sách.

Theo giới thiệu, trường dự kiến có quy mô 5.000 sinh viên, trong đó 50% là đào tạo sau đại học. Các ngành nghề đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, khoa học sức khỏe, quản lý kinh doanh và các ngành là thế mạnh của Đức như: Kỹ thuật điện và công nghệ thông tin; kỹ thuật xây dựng dân dụng; công nghệ sinh học; kinh tế và kỹ thuật công nghiệp; kỹ thuật cơ khí và chế biến; khoa học máy tính và khoa học tự nhiên.

Khóa đầu tiên khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9/2008 theo hình thức xét tuyển từ kết quả thi ĐH của các thí sinh và một số tiêu chuẩn khác.

 Mùa tuyển sinh đại học 2011 ĐH Việt-Đức tuyển sinh cho 3 ngành bậc đại học: Kỹ thuật Điện và Công nghệ thông tin (trọng tâm Điện tử & Viễn thông), Quản trị Tài chính, Hệ thống Thông tin Kinh doanh.

Đề nghị hỗ trợ 100 triệu USD mở ĐH Việt-Anh

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ Anh xem xét khoản hỗ trợ từ 50-100 triệu USD trong thời gian 5-10 năm đầu để thực hiện dự án thành lập trường ĐH công lập Việt - Anh. Dự kiến, trường thành lập trên cơ sở nâng cấp ĐH Đà Nẵng, sẽ là một trong những trường ĐH đạt chuẩn quốc tế.

Số tiền này chủ yếu để chi trả cho các giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý từ các trường Đại học Anh sang làm việc tại trường Đại học công lập Việt-Anh và một phần cho việc trang bị, nâng cấp phòng thí nghiệm, thư viện của trường.

Chiều 1/9/2010, tại cuộc gặp với Đại sứ Vương quốc Anh Mark Kent, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Anh tại Việt Nam gửi đến Bộ GD-ĐT bản điều khoản tham chiếu cho tư vấn quốc tế về thiết kế dự án trường. Bộ sẽ có ý kiến kết luận trước khi triển khai việc tư vấn.Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ gửi tới Hội đồng Anh bản báo cáo khả thi về ĐH Đà Nẵng để Hội đồng Anh tham khảo.

100 triệu USD cho ĐH Mỹ - Thái Bình Dương


Khác với các trường ĐH trên, không nằm trong vốn vay các ngân hàng quốc tế, vào tháng 9/2010, Trường ĐH Mỹ - Thái Bình Dương (APU) với 100% vốn nước ngoài đã khởi công tại Đà Nẵng.

Trường ĐH APU được xây dựng trên diện tích hơn 300.000m2 với tổng kinh phí 100 triệu USD, do Tập đoàn  phát triển giáo dục APU đầu tư, trong đó giai đoạn 1 được đầu tư 21 triệu USD.

Công trình được xây dựng theo mô hình một làng ĐH đô thị hiện đại với nhiều khu như học tập và nghiên cứu, du lịch và văn hóa, nội trú và khu thể thao theo tiêu chuẩn của Mỹ. Thời gian xây dựng dự án dự kiến trong vòng ba năm, giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động từ tháng 5/2011.

Trường ĐH Mỹ - Thái Bình Dương trực thuộc hệ thống giáo dục, được Bộ GD-ĐT công nhận, là trường ĐH Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Trường cung cấp chương trình 4 năm đại học đại cương và giảng dạy các khóa học nhằm nâng cao kỹ năng cơ bản về tư duy lý luận. Tất cả các khóa học sẽ được cung cấp trong quan hệ đối tác với Đại học Central Washington.

Theo lộ trình phát triển giáo dục của Bộ GD-ĐT đến năm 2012 củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ, mời ít nhất 50% giảng viên quốc tế, triển khai các hoạt động đào tạo khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế

Năm 2016 hoàn thành trang bị cơ sở vật chất, thành lập các trung tâm xuất sắc, đào tạo ĐH và SĐH với quy mô 4000 sinh viên thu hút 5% sinh viên quốc tế, mời 40% giảng viên quốc tế, 30% giảng viên có bằng tiến sĩ hoặc tương đương, có một số công trình công bố trên tạp chí có uy tín.

Đến 2020, mở rộng mối quan hệ với các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, đào tạo ĐH, SĐH với quy mô 5000 sinh viên trong đó tỷ lệ  ĐH và SĐH là 1:1; thu hút 10% sinh viên quốc tế, mời 30% giảng viên quốc tế, 50% giảng viên có bằng PhD hoặc tương đương, mỗi cán bộ khoa học có ít nhất 2 công trình công bố trên tạp chí có uy tín


  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)