Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thực phẩm có thể là trung gian đưa tác nhân gây ngộ độc vào cơ thể. Ngoài ra, thực phẩm không an toàn còn gây ra hơn 200 loại bệnh khác nhau. 

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân vào cấp cứu do ngộ độc thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất. Bác sĩ Nguyên cho biết ba nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm:

- Nhóm vi sinh vật, các độc tố của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ngộ độc. Trong đó, ngộ độc do vi sinh vật là phổ biến nhất như E. coli, thương hàn, tả. Độc tố do tụ cầu, hải sản nhiễm vi khuẩn. Tại Việt Nam, khí hậu nhiệt đới càng tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển nhiều hơn. TS Nguyên cho biết, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nếu vào mùa hè, những ngày thời tiết nóng, số ca ngộ độc thực phẩm sẽ tăng lên. 

Việc điều trị đối với các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm do nhóm vi sinh vật thường đơn giản, đa phần bệnh nhân sẽ sớm ổn định. Riêng bệnh nhân ngộ độc do vi khuẩn Salmonella có nguy cơ diễn biến nặng.

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

- Ngộ độc thực phẩm còn do hóa chất. Bác sĩ Nguyên thông tin, ngộ độc hóa chất trước đây gặp nhiều hơn. Hàng triệu hóa chất có thể gây ngộ độc do nhiễm vào thực phẩm từ khâu trồng trọt, chế biến đến bảo quản.  

- Ngộ độc thực phẩm do các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, đặc biệt ở các loại hải sản. Bác sĩ Nguyên hay gặp nhất là ngộ độc con so biển, cá nóc, nấm tự nhiên, bạch tuộc vòng xanh.

Các dấu hiệu liên quan tới ngộ độc thực phẩm do ăn uống có thể xuất hiện từ vài giờ tới vài ngày: 

- Có hai người trở lên có triệu chứng tương tự nhau khi cùng ăn thực phẩm nghi ngờ. 

- Nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, mất nước, môi khô, mỏi mệt, dấu hiệu nhiễm trùng dẫn tới sốt, mẩn. 

- Trường hợp nặng cảnh báo tình trạng nguy hiểm: Bệnh nhân rối loạn cảm giác, tê bì giảm cảm giác, nóng - lạnh, yếu cơ chân tay, cứng cơ, nhìn mờ, co giật, hôn mê, đau ngực, loạn nhịp tim, mạch không đều, tiểu ít. Những đối tượng dễ trở nặng như người già, trẻ nhỏ, miễn dịch suy giảm.

Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật có thể điều trị theo dõi tại nhà như cho người bệnh uống orezol, nước khoáng. Trường hợp trong nhà không có orezol, bạn có thể sử dụng nước canh thay thế.  

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh không nên cho người bệnh uống quá nhiều nước lọc để tránh bị rối loạn chất điện giải trong máu. Tránh các thức ăn vị chua, thực phẩm dễ kích ứng dạ dày như chuối, đồ xôi nếp, thực phẩm quá ngọt.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, nôn nhiều, tiêu chảy mất nước nhiều, đau bụng nhiều, mệt nhiều, hoặc có các biểu hiện mà không phải do tiêu hóa, mất nước hay nhiễm trùng như tê bì, yếu cơ, liệt cơ, mờ mắt, đau đầu nhiều, lơ mơ, lẫn lộn, co giật, hôn mê, đau ngực, tiểu ít,… phải nhanh chóng tới cơ sở y tế.

Trường hợp co giật không nên đưa vật cứng vào miệng mà chỉ cho bệnh nhân nằm nghiêng an toàn, sẵn sàng hỗ trợ hô hấp nếu có biểu hiện tím tái. Bệnh nhân nôn ói nên nằm nghiêng để tránh sặc dịch nôn vào phổi.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm cuối nămĐể phân biệt hai loại rượu này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, khi uống rượu pha methanol có vị hơi ngọt, chứ không đắng như rượu thông thường.