Khi được hỏi, phần lớn các doanh nhân thành công đều không sợ thất bại. Thất bại là điều không thể tránh khỏi nhưng đó không phải là điểm kết thúc của con đường khởi nghiệp viên đang đi. Startup có thể gặp thất bại nhiều lần, nhưng không được chùn bước.

Brian Rich, quản lý đối tác tại Catalyst Investor cho biết, khía cạnh quan trọng nhất của mối quan hệ giữa sáng lập viên và nhà đầu tư là sự minh bạch. Nếu khởi nghiệp có cảm giác rằng doanh nghiệp đang đi sai hướng, cần phải xem xét và trình bày với cố vấn và nhà đầu tư. Phát hiện vấn đề và chủ động giải quyết là cách tốt nhất để tránh thất bại.

Những điều sau đây có thể là dấu hiệu không tốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp mà khởi nghiệp viên nên biết.

Không còn niềm đam mê

Matt Mickiewicz, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Hired.com có chia sẻ rằng: "Nếu anh không hoàn toàn thích những gì mình làm, hay không có một ngọn lửa trong người thì đó là thời gian lãng phí. Anh không thể mang niềm đam mê giả tạo khi bán sản phẩm cho khách hàng hoặc lãnh đạo người khác trong thời gian dài. Mỗi doanh nghiệp cần và xứng đáng có một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thành công.”

Khi nói đến sáng lập và khởi nghiệp một doanh nghiệp, khởi nghiệp viên sẽ phải làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần người bình thường. Niềm đam mê không thể đem ra đo lường, vì thế khởi nghiệp viên phải tự hỏi bản thân lý do làm công việc hiện tại và tìm động lực để hoàn thành tốt công việc đó.

Tuy nhiên, đôi lúc khởi nghiệp viên cảm thấy chán nản, không còn nhiều đam mê như trước khi bắt đầu công việc. Đây là điều thực sự nguy hiểm đối với doanh nghiệp. Đối với những thời điểm này, khởi nghiệp viên cần hít thở sâu và suy nghĩ thật kỹ. Có thể doanh nghiệp đang vướng mắc vào những khó khăn chưa thể giải quyết được. Hãy tìm cách giải quyết những vấn đề đó hoặc thay đổi một chút về tư duy trong việc quản lý có thể sẽ đem lại những chiều hướng tích cực mới.

Không nhận được sự quan tâm của khách hàng

Khi một doanh nghiệp không nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng vào sản phẩm và dịch vụ của mình, chắc chắn khởi nghiệp viên sẽ sử dụng tất cả các phương pháp có thể để cải thiện tình hình bao gồm marketing, tinh chỉnh lại sản phẩm, chăm sóc khách hàng v.v..Tuy nhiên, số lượng khách hàng quan tâm vẫn không tăng lên và doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng.

Thực tế, không ai yêu thích sản phẩm hơn chính sáng lập viên, vì vậy, hãy làm cho tất cả mọi người đều thấy yêu thích sản phẩm của mình. Trước hết hãy nghiên cứu thật kỹ về thị trường và về đối thủ, xem xét quãng thời gian từ khi thành lập đến khi bắt đầu phát triển của đối thủ nhằm xây dựng cho mình một lộ trình thích hợp.

Không thể giữ chân người tài

Việc nhân viên chuyển đến, chuyển đi khỏi một doanh nghiệp là điều bình thường, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp để tuột mất những người tài năng thì đó là vấn đề rất lớn. Điều đó chứng tỏ khởi nghiệp viên không thể thuyết phục và chứng minh tính đúng đắn của con đường mình đang đi với những nhân viên xuất sắc.

Nói đến việc chảy máu nguồn nhân lực, có hai lý do chính: Thứ nhất là xung quanh cá nhân đó không đủ những người có cùng khả năng để phát triển kỹ năng bản thân và dự án. Thứ hai, ban lãnh đạo không tạo đủ động lực giúp người đó làm việc, có thể là vì quan điểm trong công việc khác nhau, hoặc các vấn đề về lương thưởng.

Hiểu rõ hai lý do trên, khởi nghiệp viên nên chủ động tiếp xúc với từng cá nhân xuất sắc, cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc và thuyết phục họ tiếp tục làm việc cho công ty.

Đánh giá sai về thị trường.

Thông thường, khởi nghiệp viên quyết định thành lập doanh nghiệp sau khi đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường. Nhưng khi doanh nghiệp hoạt động, khởi nghiệp viên và thậm chí cả nhà đầu tư mới nhận ra rằng đã đánh giá sai về thị trường. Khi đó, có thể doanh nghiệp bị đối thủ bỏ xa và cần tìm một lối thoát ra khỏi thị trường.

Trong trường hợp này, cần phải thay đổi chiến thuật.Có thể tìm một công ty, tập đoàn lớn hứng thú với doanh nghiệp của khởi nghiệp viên và thuyết phục họ mua lại. Đây là điều không dễ dàng gì nhưng nếu khởi nghiệp viên đã dùng hết cách xoay xở mà không giúp doanh nghiệp cải thiện được tình hình thì đó là giải pháp cuối cùng đáng để cân nhắc.