Ông H.T, Hiệu trưởng Trường THPT ở TP.HCM, cho hay mấy năm gần đây trường ông không có học sinh đi tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật. Lý do đơn giản là nếu sản phẩm do học sinh tự làm và đi dự thi thì rớt từ vòng gửi xe. Nếu để thầy cô hay nhà trường hỗ trợ thì tốn kém và không thực chất. Bởi thực chất người nghĩ đề tài là giáo viên, người nghiên cứu cũng là giáo viên và thậm chí trường còn nhờ chuyên gia rất tốn kém.

Ông T cho rằng để được dự thi cấp quốc gia, những sản phẩm trước hết phải vượt qua vòng thi các cấp trường, tỉnh/thành phố. Chính sự “hiếu thắng” này mà một số trường, giáo viên và cả phụ huynh học sinh sẽ đổ nhiều công sức, tiền bạc. Đặc biệt, khi Bộ GD-ĐT quy định những học sinh đoạt giải cuộc thi ở cấp quốc gia sẽ được tuyển thẳng hoặc thưởng điểm vào đại học thì ai cũng mong sản phẩm của mình chiến thắng.

“Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông là một sân chơi nhưng vì “giá trị” đã khiến cuộc thi bị biến tướng. Tác phẩm của học sinh nhưng thực sự đứng sau là một ê kíp. Cuộc thi trở thành cuộc chạy đua của học sinh, giáo viên và nhà trường”- ông T nói.

{keywords}
Đề tài đạt giải Nhất năm 2021 gây xôn xao

Ông T, đặt câu hỏi, nếu Bộ không đưa ra hình thức tuyển thẳng đại học thì cuộc thi có tồn tại không?

Và giá trị thực chất ở đây là gì bởi có những phương trình từ A qua B, một tiến sĩ phải mất vài năm mới tìm ra được nhưng học sinh chỉ mất vài tháng. Thực tế có “thần kỳ” như vậy không?

Học sinh vô tội

Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng cuộc thi Khoa học kỹ thuật tổ chức với mục đích khuyến khích các em nghiên cứu khoa học kĩ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống và xem là hoạt động góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực - phẩm chất của học sinh thì không sai.

Vấn đề mẫu chốt ở đây là phải xác định sản phẩm có phải do chính các em tìm tòi, nghiên cứu hay không bởi “nghe” những đề tài như chữa ung thư, đột quỵ… ai cũng hết hồn.

Ông Sơn cho rằng, không phủ nhận có những học sinh giỏi và làm được những việc khá tốt, nhưng những đề tài cao siêu là không có thực tế.

“Trước hết phải xác định học sinh là người vô tội vì các em không biết gì. Lỗi là ở người lớn mà cụ thể ở đây là giáo viên, hiệu trưởng, phụ huynh thậm chí cả lãnh đạo cao hơn” - ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, vì thí sinh đoạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học nên một số phụ huynh đã nhờ vả, luyện cho các con đoạt giải.

Theo ông Dũng, nhiều trường phổ thông nhờ giảng viên đại học làm “giúp” nên học sinh chỉ học thuộc và đi thi. Nhiều đề tài lớn lao như điều trị ung thư, đột qụy… là copy. Bởi phải có những phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thì mới làm được.

Không thể phủ nhận yếu tố tích cực

PGS Đỗ Văn Dũng đánh giá, cuộc thi nào cũng có mặt trái, mặt phải. Với cuộc thi Khoa học kỹ thuật, trường có chính sách, giải pháp hỗ trợ bằng cách tổ chức các CLB kỹ thuật ở các trường THPT phổ thông, trường chuyên để các em có nền tảng, tham gia nghiên cứu, từ đó ươm mầm cho học sinh say mê khoa học kỹ thuật, khi lên đại học chọn đúng huớng đi để tiếp tục.

“Chúng tôi là trường đầu tiên tổ chức trại hè sáng tạo kỹ thuật cho học sinh phổ thông. Trong 2 tuần tổ chức trường chúng tôi sẽ “nuôi” miễn phí và hướng dẫn những tính toán, lý thuyết cơ bản. Sau đó, các em trình bày ý tưởng, hội đồng chấm và sinh viên của trường sẽ hỗ trợ các em thực hiện để ra sản phẩm thật. Qua trại hè năm 2019, chúng tôi thống kê có khoảng 40% học sinh đoạt giải là những sản phẩm thật”- ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng dù cuộc thi có "cái này cái nọ" nhưng có những em đam mê thực sự. Bằng chứng là có nhiều em trưởng thành từ cuộc thi, trở thành sinh viên của trường và có những sản phẩm rất tốt.

“Không thể phủ nhận yếu tố tích cực của cuộc thi là tạo niềm đam mê, tập cho các em bắt đầu nghiên cứu. Ở phổ thông cơ sở vật chất không có nên đây là hình thức tập và ngay cả ở bậc thạc sĩ cũng là tập, vậy thì có gì là sai”- ông Dũng nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng cuộc thi là không sai. Các trường ĐH tuyển thẳng học sinh đoạt giải cũng không sai. Bên cạnh mặt trái cuộc thi cũng có những mặt được, chứng tỏ có ươm mầm nghiên cứu cho tương lai. Vì vậy không thể vì những tiêu cực nhỏ mà xóa bỏ. Vấn đề là làm sao để bớt tiêu cực, khuyến khích các em có ý tưởng táo bạo và tự thân.

Ông Phạm Thái Sơn cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, bởi cuộc thi về bản chất rất đáng hoan nghênh. Các học sinh đạt giải trong cuộc thi rất đáng được hoan nghênh nếu như chính các em đã làm và đi thi. Do vậy, hãy để cuộc chơi này cho chính học sinh sáng tạo ra những điều mà học sinh mong muốn.

"Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển thẳng những thí sinh đoạt giải vì nhắm tới những thí sinh có yêu thích khoa học và thể hiện sự yêu thích thông qua tính sẵn sàng, tìm hiểu nghiên cứu những cái mới.

Dù vậy nhà trường cũng rất cân nhắc khi tuyển những học sinh này và tìm hiểu kỹ đề tài các em đã nộp hồ sơ. Nhà trường được quyền xem xét kỹ đề tài quyết định nhận hay không nhận thí sinh đoạt giải. Khi xem xét, về đam mê nếu đúng thì trường sẽ quyết định, còn về nội dung trường sẽ nhờ chuyên gia thẩm định để quyết định có tuyển hay không. Nếu không phù hợp trường có thể từ chối chứ không nhất thiết học sinh đoạt giải là phải nhận".

PGS Nguyễn Hoài Thắng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

 Lê Huyền

Nghiên cứu khoa học: Trình độ học sinh phổ thông ngang Tiến sĩ?

Nghiên cứu khoa học: Trình độ học sinh phổ thông ngang Tiến sĩ?

Những đề tài mà học sinh phổ thông nghiên cứu như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều trị ung thư…có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, thậm chí là dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ hay cấp quốc gia.