Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 43/152 xã đạt chuẩn NTM, đạt 107,5% kế hoạch năm 2018 đề ra. Các xã NTM đạt bình quân 14 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến hết năm nay sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 50. Riêng TP. Buôn Ma Thuột được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh, NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM.

Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Đơn cử, một trong những dấu ấn nổi bật nhất trong xây dựng NTM tỉnh Đắk Lắk chính là thành quả trong tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, nhờ mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn Chương trình NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 109 dự án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và đang triển khai, có trên 60 HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bước đầu có hiệu quả.

{keywords}
Đường hoa xuất hiện ngày càng nhiều ở Đắk Lắk (ảnh: LAD)

Hay như, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ” để hưởng ứng phong trào xây dựng NTM.

Thời điểm bắt đầu triển khai, mô hình gặp không ít khó khăn do ở nông thôn, một số nơi hai bên vệ đường thường được bà con tận dụng trồng cỏ nuôi bò, trông bắp, trồng rau, trồng sả... để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Song, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tới bà con nhân dân, từ đó tác động đến nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ và có những hành động thiết thực hơn trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Đến nay, cả tỉnh đã có 102 con đường hoa được hình thành. Những con đường hoa đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ở những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước.

Theo đó, “Đường hoa phụ nữ” được đánh giálà một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, đồng thời tô điểm thêm cho bộ mặt nông thôn, góp phần giáo dục cho mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan thôn, xóm.

Tương tự, để đảm giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, năm 2017, chính quyền xã Cư M’ta (huyện M’Đrắk) đã chỉ đạo Công an xã triển khai xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại khu dân cư 4 thôn. Mô hình hoạt động mang tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải theo quy ước, hương ước của thôn.

Để mô hình đạt hiệu quả, Công an xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt chế độ giao ban hằng tuần, hằng tháng theo định kỳ về an ninh trật tự; duy trì hiệu quả hoạt động của 4 tổ tự quản về an ninh trật tự; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn.

Từ khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đi vào hoạt động, tinh thần cảnh giác của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tại 4 thôn đã được nâng lên rõ rệt, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Mô hình này hiện đang được nhân rộng ra nhiều địa phương tại Đắk Lắk.

Ngoài những mô hình sáng tạo trên, trong xây dựng NTM tỉnh Đắk Lắk còn có các phong trào khác như: “Giỏ rác đồng ruộng”, “xây dựng gia đình 5 sạch 3 không”, phong trao “Tuyến đường tự quản” hay “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”…

Thành quả của những phong trào trên đã giúp nhận thức của người dân nông thôn Đắk Lắk thay đổi, thu nhập được nâng cao, góp phần làm cho bức tranh nông thôn tỉnh ngày thêm giàu đẹp.

Bài: Nguyễn Hoài Linh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV