Ý nghĩa và nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau.

Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

{keywords}
Ảnh: Tô Hưng Giang

Cách trừ sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ở Việt Nam ta, ngày này mỗi nơi có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng.  Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác.

Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…

Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và diệt sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…

Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để diệt sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt.

Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ

Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm:

-Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.

-Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...Tuy nhiên mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.

-Xôi, chè, bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).

Theo nghệ nhân ẩm thực ưu tú quốc gia Phạm Thị Ánh Tuyết, trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Hà Nội xưa thường có thêm bánh trôi, bánh chay (hai món ăn có vị mát, tính hàn nhằm làm giảm bớt cái nóng của thời tiết mùa hè).

Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ nào?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, từ tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Bởi lẽ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.

Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam:

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

- Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ)

Tín chủ chúng con là:……………………………………………

Ngụ tại:………………………………………………………….

Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an.

Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Một số lưu ý truyền miệng trong dân gian về ngày Tết Đoan Ngọ:

-Vứt giày dép lộn xộn: Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà”, nghĩa là tà khí. Trong ngày thường và đặc biệt là ngày Tết Đoan Ngọ, để giày dép không đúng, vứt lộn xộn dễ chiêu dụ tà khí.

-Tránh để rơi tiền: Rơi tiền bạc hay ví trong Tết Đoan Ngọ chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận ắt đi xuống. Khi đi du lịch vào ngày này, dù xa hay gần, bạn cũng cần lưu ý giữ tiền bạc cẩn thận.  

-Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái: Trong ngày Tết Đoan Ngọ, nếu đi du lịch hoặc đi xa và có ý định mua đồ lưu niệm thì nên tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa để tránh rước thêm tà về.

-Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ: Theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, không nên ở trong những phòng bài trí các đồ vật mang tính chất tôn giáo như tranh, tượng phật, thánh… Bởi tác dụng chính của những vật phẩm này là trấn áp tà khí, chứng tỏ phòng ốc đó có vấn đề.

- Tránh dừng chân ở nơi âm u: Nếu xuất hành trong ngày này nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.

'Một số lưu ý kể trên chỉ mang tính chất tham khảo, lưu truyền trong dân gian theo lối truyền miệng. Các gia đình không thực hiện theo, tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống đời thường', ông Hùng Vĩ nói.

Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

 Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là một trong những ngày Tết truyền thống ở Việt Nam. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và sum vầy sau thời gian dài đi làm ăn xa.

Diệu Bình (tổng hợp)