Trong giới chính trị gốc Việt ở Mỹ, ông David Dương và em trai Victor Dương được coi là những người có ảnh hưởng bậc nhất.

Ông David Dương, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước ở TP.HCM, tên tiếng Việt là Dương Tử Trung. Cha ông là Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Cogido.

Sau khi định cư ở bang California cuối những năm 1970, gia đình David Dương làm việc chăm chỉ và rồi thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS) vào năm 1991, CBS cho biết.

Hiện tại ông David Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của CWS, công ty được xếp hạng 37 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ do tạp chí Waste Age bình chọn. Joel Corona, giám đốc điều hành hoạt động của công ty, khẳng định quy trình xử lý rác của David Dương góp phần bảo vệ môi trường.

Về Việt Nam, ông mở Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS, 100% vốn từ CWS) để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và được báo chí gọi là "Vua rác".

{keywords}

Ông David Dương (phải) trong buổi gây quỹ cho ông Andy Quách ứng cử thị trưởng thành phố Westminster, quận Cam, bang California. Ảnh: VOA.

Phất lên như diều

CWS và ông David Dương thường thắng các hợp đồng lớn. CWS gần như độc chiếm trong quá trình bỏ thầu để thu thập rác tái chế ở Oakland và San Jose.

Trước CWS, gia đình ông sở hữu một công ty sản xuất giấy tái chế. Nhưng công ty của nhà ông Dương mở ra được vài năm thì tới đầu những năm 1990, công ty nợ hơn 1 triệu USD. Gia đình ông bán công ty đó lại cho Norcal Waste Systems, một trong những công ty rác lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.

Năm 1992, ngay sau khi CWS ra đời, gia đình ông Dương gặp cơ hội lớn khi thành phố Oakland thúc đẩy chiến dịch tái chế rác mới. Khi đó, tái chế rác ở gia đình vẫn còn quá mới nên khi thành phố mời thầu, chỉ có ba công ty nộp thầu, trong đó có công ty nhà ông Dương là CWS.

Không có nhà thầu nào có đủ tài chính để làm cho cả TP nên hội đồng quyết định chia một phần ba gói thầu cho mỗi công ty. CWS khi đó quá nghèo nên phải cần khoản tiền vay 350.000 USD từ TP để mua xe tải rác.

Ông Dương sau khi thành đạt đã trở thành một trong những nhà đóng góp tài chính tranh cử lớn nhất ở Oakland. Ông Dương khi đó giải thích rằng “sẽ phải luôn làm việc với giới chính trị gia để mọi thứ đi đúng hướng”.

Tới năm 1998, gia đình ông Dương và các nhân viên của mình ở CWS đã đóng góp hơn 25.000 USD cho các chiến dịch tranh cử khác nhau ở hội đồng thành phố Oakland. Trong số những người nhận được tiền có những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các hợp đồng xử lý rác.

Cuối những năm 1990, cựu thị trưởng Elihu Harris và ông hội đồng Larry Reid giúp ông Dương trong cuộc đàm phán với nghiệp đoàn Longshoremen khi nghiệp đoàn này biểu tình chống CWS.

Reid sau này nói với tờ Oakland Tribune rằng ông can thiệp để giúp người bạn thân David Dương. “Tôi là cha nuôi của ba người con nuôi của David Dương,” ông Reid, người nhận 5.250 USD tiền tranh cử từ ông Dương vào năm 1998, nói. “Ông ấy giống như anh em với tôi. David giống như gia đình tôi vậy”, Reid bổ sung.

Hàng trăm nghìn USD cho phe Dân chủ

Năm 1994, khi đoàn công tác của một Phó chủ tịch UBND TP.HCM lần đầu tới San Francisco (Mỹ), David Dương là một trong những thương nhân Việt kiều đầu tiên tới gặp đoàn.

Trong thời điểm chưa bình thường hoá, việc gặp đoàn cán bộ từ Việt Nam qua có thể coi là hành động mạnh dạn ở California (Mỹ), nơi có đông người di cư. Với ông David Dương, xây dựng các mối quan hệ chính trị là điều luôn được doanh nhân này quan tâm tới. Anh em David Dương thường đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử ở California, đặc biệt là ở các thành phố như Oakland, San Jose...

Theo số liệu của Center for Responsive Politics (chuyên theo dõi các hoạt động đóng góp bầu cử), riêng trong năm 2015, ông David Dương đã góp 65.000 USD cho phe Dân chủ và một loạt các cuộc chạy đua chính trị khác nhau. Tương tự, từ 2008 tới đầu 2013, David Dương đóng góp khoảng 150.000 USD cho Obama và đảng Dân chủ.

Ở các thành phố thuộc bang California, David Dương đặc biệt nổi tiếng với khả năng gây quỹ cho các chính trị gia nhờ mối quan hệ sâu với cộng đồng người Hoa.

Trang Little Saigon Inside từng miêu tả một cuộc vận động gây quỹ cho dân biểu Van Tran hồi năm 2010. Trong 2 giờ, anh em David Dương đã gây quỹ hơn 42.000 USD cho ông Van Tran, người chạy đua chiếc ghế Hạ viện với nữ nghị sĩ Loretta Sanchez.

{keywords}

Các quyên góp cho chính giới của ông David Dương trong năm 2015.

Bê bối hợp đồng rác ở San Jose

CWS là một tâm điểm trong vụ cựu thị trưởng San Jose Ron Gonzales hồi đầu những năm 2000. Thị trưởng Gonzales khi đó bị cáo buộc là đẩy cao giá hợp đồng mua bán rác để đổi lại nhận tiền ủng hộ tranh cử từ công ty xử lý rác Norcal (đối tác của ông Dương) và CWS.

Khi vụ bê bối được đưa ra năm 2004, hồ sơ truy tố cáo buộc thị trưởng Gonzales che giấu việc ông biết nghiệp đoàn Teamster sẽ tốn nhiều chi phí hơn khiến thành phố phải trả thêm 11,25 triệu USD. Ông bị cáo buộc là lừa dối dân chúng khi phê chuẩn việc này (có lợi cho Norcal và CWS). Toà án hạt Santa Clara cũng truy tố Norcal và một trợ lý của ông thị trưởng.

Ông Dương được gọi ra là nhân chứng chống lại ông Gonzales và công ty Norcal – hành động bị nhiều báo chí địa phương chỉ trích vì ông Dương có “mâu thuẫn lợi ích” trong vụ việc.

{keywords}

Ông David Dương giới thiệu Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với ông Lê Thành Ân, thời điểm đó là Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM. Ảnh: VWS.

Hoạt động 'thiếu hiệu quả', chất lượng thấp

Đầu năm nay, trên Mercury News, cây bút Scott Herohold nhắc lại vụ bê bối này và chỉ trích hoạt động tái chế rác của CWS ở San Jose là “thiếu hiệu quả” và cho rằng người dân TP không nên tiếp tục dùng dịch vụ của CWS.

Tư vấn của chính quyền thành phố San Jose cũng kết luận thiết bị của CWS đã cũ kỹ và thiếu công nhân. Sản phẩm tái chế mà CWS làm ra cũng bị coi là bẩn và chất lượng không cao. Đồng thời, vị này chỉ trích CWS đã không đầu tư đủ cho nhà máy Timothy Drive của mình.

“Việc bảo dưỡng cơ sở này rất thiếu”, Sloan nói. Theo ông, quy chuẩn cho các công trình này sẽ cần ít nhất từ 6-8 công nhân bảo dưỡng, riêng CWS chỉ có 1 công nhân trong ca, và hai công nhân vào các giờ thông thường.

CWS thì phản bác lại cho rằng vấn đề nằm ở rác của người dân không được phân loại chuẩn xác.

Bài báo cũng dẫn chỉ trích về cách vận hành của CWS khi công ty này gửi ít nhất 3.600 thông báo không thu gom rác mỗi tháng (về cơ bản là từ chối thu gom rác của người dân). Các công ty khác thường chỉ có khoảng 11 thông báo từ chối như vậy.

Cũng theo Mercury News, CWS đang đối mặt với án phạt từ 500.000-600.000 USD trong năm nay do không đạt được mục tiêu tái chế thoả thuận với thành phố.

Tháng 12/2006, CWS từng bị cơ quan môi trường liên bang EPA yêu cầu chấm dứt hoạt động rò rỉ nước gây ô nhiễm vùng vịnh ở San Francisco.

(Theo Zing)