Qua hồi ức của bà Hoàng Minh Châu – người con thứ 6 của Đại tướng, thì ngay từ khi các con còn nhỏ, Đại tướng đã rất chú ý rèn dạy. Mặc dù rất bận công việc, nhưng ông vẫn dành thời gian phân công, giao việc cho các con rồi kiểm tra và nhắc nhở.
Giao việc nhà để rèn sự giản dị, khiêm tốn
Bà Hoàng Minh Châu nhớ lại: “Chị Nguyệt tôi vẫn kể chuyện vui ngày nhỏ được cha phân công cuốc một mảnh đất để chuẩn bị trồng rau. Khi chị vừa cuốc được một ít thì các bạn trong khu tới rủ đi bơi, thế là chị cuốc đất qua quít cho xong rồi đi bơi với các bạn. Chiều tối về, cha tôi gọi chị ra nhắc nhở rằng con làm dối để cha về phải cuốc đất lại. Cha nhẹ nhàng yêu cầu chị lần sau không được làm như vậy, khi đã nhận bất cứ việc gì thì phải cố gắng làm đến nơi đến chốn cho thật tốt, không được làm dối để người khác phải làm lại. Cha tôi ít nói, điều cha nhắc dù chỉ một lần, chúng tôi đều nhớ mãi”.
|
Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986) |
Đại tướng Hoàng Văn Thái rất thích tăng gia trồng trọt. Ông phân công các con tham gia cuốc đất, trồng rau và tưới rau, nhổ cỏ... Ông coi việc tăng gia không chỉ là để cải thiện sinh hoạt gia đình, rèn luyện sức khỏe mà quan trọng hơn còn là để xây dựng ý thức yêu lao động, biết trọng người lao động và biết quí mọi thành quả của lao động. “Chính từ những việc làm này, ông đã dạy chúng tôi một nếp sống giản dị, trung thực, cần kiệm, khiêm tốn, biết quí trọng của công” – bà Châu cho biết. “Ngoài trồng rau ăn, gia đình tôi cũng nuôi lợn, gà nữa. Hàng ngày, chúng tôi được phân công thái rau, nấu cám lợn, cho lợn gà ăn và quét rửa chuồng lợn. Làm nhiều, quen việc, dần dần chúng tôi không còn ngại khó, sợ bẩn”.
Nếu không có chiến tranh, ông mong muốn sẽ là một giám đốc nông trường. Yêu lao động, chăm sóc cây quả là một thú vui thường ngày của ông dù ở nhà hay tại chiến trường. |
Ông Hoàng Quốc Hùng, con trai của Đại tướng thì có một kỉ niệm mà ông mãi mãi không thể nào quên. “Chú Hoàng Văn Thiệm là em của cha do di chứng vết thương hồi kháng chiến chống Pháp bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn. Tôi nhớ đầu năm 1969, cha ra Bắc báo cáo tình hình cách mạng miền Nam cho Bộ Chính trị và Bác Hồ. Trên cho xe đón chú lên nơi ở của cha lúc đó tại Quảng Bá để anh em gặp nhau sau quãng thời gian dài xa cách. Khi xe tới, cửa vừa mở, có chú bảo vệ chìa lưng ra để cõng chú Thiệm. Cha liền đi nhanh tới và nói: “Cảm ơn các cậu, đây là việc riêng của anh em chúng tớ”, rồi cúi xuống cõng em mình. Chú Thiệm ngồi trên lưng cha, xúc động rớt nước mắt”.
Lời dạy từ những lá thư
Sống ở Hà Nội cùng gia đình được 5 năm, tới tháng 10/1960, Đại tướng Hoàng Văn Thái (khi đó là Trung tướng) được cử đi học lớp quân sự cao cấp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đến tháng 11/1962.
Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân |
Tháng 3/1966, Đại tướng lại nhận nhiệm vụ vào Nam. Một thời gian sau thì phu nhân Đại tướng cũng đi B. Các con ông tuy phải sống xa cha mẹ nhưng luôn nhận được sự động viên an ủi rất nhiều bởi tình thương yêu đùm bọc của các cô, chú, bác cũng như sự gần gũi thân thiết, cảm thông của bạn bè trong Khu.
Ở chiến trường rất bận, nhưng ông thường xuyên viết thư cho các con, lúc thì viết chung rồi mọi người truyền nhau đọc, lúc thì ông viết riêng cho từng con vì điều kiện chiến tranh mỗi đứa học ở một nơi.
Cha và con |
Tết năm 1967, ông động viên các con: “Ở nước ngoài, trên hậu phương lớn chắc các con nhớ Tổ quốc lắm, nhớ gia đình lắm phải không? Đúng, người ta ai cũng có gia đình và Tổ quốc. Không đâu yêu quí và đẹp bằng đất nước thân yêu của mình… Lúc này Đảng và Tổ quốc đang cần các con học tập, trau dồi đạo đức cách mạng để trở nên những thanh niên có đức có tài, mai ngày đem tuổi thanh xuân với nghị lực mạnh mẽ của mình ra xây dựng đất nước…” (thư tháng 3/1967).
Gia đình tướng Hoàng Văn Thái năm 1960 Hàng trên từ phải sang: Hoàng Quốc Trinh, Hoàng Minh Tuyết, Hoàng Minh Nguyệt, Hoàng Minh Châu Hàng dưới từ phải: Hoàng Quốc Hùng, Tướng Hoàng Văn Thái , Bà Đàm Thị Loan, Hoàng Minh Phượng |
Ông luôn thấu hiểu nỗi lòng của con cái: “Các con ạ, muốn trưởng thành, trước hết phải bồi dưỡng và rèn luyện cho mình có lý tưởng. Có lý tưởng rồi, còn phải coi việc phấn đấu cho lý tưởng là điều cao quí nhất, là hạnh phúc lớn nhất. Ngoài ra trong cuộc sống, phấn đấu có quan điểm và xây dựng đúng về tình bạn, tình đồng chí...”. Ông luôn tỏ ra tin tưởng, dù: “Các con tuổi đang còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong xã hội, trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ rèn luyện dần cho các con, nhưng các con phải tự rèn luyện mình có một cuộc sống có lý tưởng, lý tưởng của những thanh niên của thế hệ Hồ Chí Minh, của một người dân nước Việt Nam anh hùng. Ba tin ở các con lắm” (thư tháng 8/1967).
Ông viết thư đều và luôn yêu cầu các con viết ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình để ông hiểu và kịp thời uốn nắn. Ông thường nói: “Cha tuy không có nhiều thời gian, nhưng lúc nào có thể là cha viết, mỗi ngày viết một ít, khi có người đi là cha có thể gửi được thư dài, các con cũng nên làm như vậy để cha con mình luôn hiểu nhau và thấy gần nhau hơn”.
|
Trung tướng Hoàng Văn Thái (người ngồi giữa) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, năm 1967 |
Hè năm 1968, Hoàng Minh Châu tốt nghiệp lớp 10 Trường Nguyễn Văn Trỗi. Ông viết thư động viên: “Chắc khi nhận được thư này, con đã thi xong rồi đấy nhỉ?... Ba tin rằng con Ba không buồn vì ba mẹ đi vắng cả…Cũng có lúc nghĩ khi các con về không có ai ở nhà trong lúc các bạn khác có cha mẹ rồi có thể các con tủi thân, nhưng ba mẹ lại nghĩ chắc các con đã lớn, biết suy nghĩ, nên dù có nghĩ gì cũng để trong lòng và sẽ phấn đấu. Không những thế các con còn thấy tự hào vì ba mẹ mình đang trên tiền tuyến lớn, đang ngày đêm vì sự nghiệp chống Mỹ giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và các con lại càng thấy vui trong lòng, càng thấy mình phải làm gì đây, phải cố gắng thế nào đây cho vui lòng và xứng là con của ba mẹ…”.
|
Hình ảnh về tình yêu đẹp mà giản dị của một vị tướng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt tại miền Nam! |
“Cha cũng luôn dặn chúng tôi phải rèn cho mình tinh thần tự lập tự cường tức là tự mình biết phấn đấu, không ỷ lại, phải tự cố gắng học tập, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, phẩm hạnh” – bà Châu xúc động chia sẻ.
Nhiều lúc ông cũng tâm sự: “Các con yêu quí! Nhiều đêm không ngủ được, Ba rất nhớ các con, nhớ những ngày gia đình đoàn tụ, những buổi Ba con ta cùng lao động, sinh hoạt, cả những lúc các con còn nhỏ dại chưa biết nghe lời và những khi các con chăm chỉ học tập, cùng nhau vui đùa…” (thư tháng 6/1968).
Ông luôn lắng nghe và động viên góp ý cho các con: “Trong thơ con có viết một số điểm tự phê bình như thế là tốt. Nhưng chú ý đừng bi quan về khuyết điểm mà cái chính là biết để kiên quyết sửa chữa. Con chưa có kinh nghiệm nhiều trong cuộc sống, đó là điều tất nhiên. Nhưng trong cuộc sống và chiến đấu con sẽ dày dạn trưởng thành lên. Đó cũng là quy luật. Nhưng không phải tự nhiên nó tiến bộ mà phải có sự cố gắng của bản thân, con biết làm điều này ba mẹ rất vui lòng...” (thư tháng 10/1969).
Là người sống rất tình cảm và trọng nghĩa tình, đại tướng luôn nhắc các con viết thư cho ông bà ngoại (ông bà nội đã mất cả). Ông căn dặn: “Các con uống nước phải nhớ nguồn, bất kỳ đi xa mấy cũng phải nhớ đến ông bà sinh ra cha mẹ mình. Ông bà bây giờ già, ở nhà một mình, thỉnh thoảng các con viết thư thăm hỏi thì ông bà sẽ vui mừng, khỏe mạnh…”.
Năm 1971, khi bà Châu đang đi thực tập ở bệnh viện, đại tướng viết thư động viên con gái: “Con học đa khoa à, sau này con có định đi sâu vào chuyên khoa nào không? Ba tin tưởng con sẽ trở thành thầy thuốc giỏi, đúng như lời Bác Hồ dậy “Lương y như từ mẫu”. Do đó con vừa phải giỏi chuyên môn lại vừa phải rèn luyện đức tính kiên trì nhẫn nại, tinh thần phục vụ tận tụy…” (thư tháng 11/1971).
“Thư Cha viết cho chúng tôi lúc nào cũng vui, lúc nào cũng đầy tình cảm và sự tin tưởng, động viên chúng tôi cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để sau này cống hiến được nhiều cho Tổ quốc” - bà Hoàng Minh Châu chia sẻ.
|
Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên, năm 1975 |
“Ông không bao giờ nói về bản thân, về công việc cũng như các trọng trách ông giữ. Trong thư ông chỉ kể về gương chiến đấu của các bạn cùng lứa chúng tôi, không được đi học như chúng tôi nhưng chiến đấu rất dũng cảm và chỉ viết: “Gần đây các con nghe đài báo thấy quân ta ở miền Nam đánh thắng Mỹ dồn dập, trong đó có một phần rất nhỏ của Ba đóng góp tham gia đấy””...
Ngân Anh (lược thuật)- Ảnh tư liệu