Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc rà soát báo cáo tổng quan về hiện trạng, đề xuất ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cấp bách giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Sở cũng đề xuất những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP.

{keywords}
Kẹt xe tại TP.HCM ngày càng trầm trọng do hạ tầng thiếu đồng bộ

Theo Sở GTVT TP, thời gian qua, TP đã tập trung, nỗ lực hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển mạnh mẽ của TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung.

Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông thành phố vẫn chưa được đầu tư đầy đủ theo quy hoạch.

Cụ thể, đến nay, TP chỉ mới hoàn thành 2/5 đường cao tốc (TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), đang xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Về đường vành đai 2 đã đầu tư được 54,6/64,1km, vành đai 3, 4 chưa được đầu tư theo quy hoạch. Quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 22, quốc lộ 13 chưa được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch...

Về đường sắt, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026.

Theo Sở GTVT TP, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021- 2030 nhu cầu vốn khoảng 970.654 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần 533.529 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố 218.239 tỷ đồng, vốn khác gồm TW, ODA, PPP... là 315.290 tỷ đồng) và giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

TP xác định giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên tập trung hoàn thành các dự án đã cân đối được nguồn vốn, trong đó có các công trình quan trọng như: Dự án nút giao thông An Phú, dự án mở rộng quốc lộ 50, đường Trần Quốc Hoàn, 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, Metro số 1; cơ bản hoàn thành tuyến metro số 2 (hoàn thành năm 2026). 

Huy động nguồn vốn ưu tiên đầu tư các dự án: Vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; dự án cầu đường Nguyễn Khoái.  

Nhu cầu vốn Ngân sách TP đầu tư các dự án trên khoảng 72.640,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP cũng ưu tiên thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với đường vành đai 4, đường trên cao số 1 và số 5, cầu Thủ Thiêm 4, Cầu Cần Giờ và các cầu kết nối bán đảo Thanh Đa, Xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình. Nhu cầu vốn khoảng 61.232 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn chuẩn bị đầu tư cần bố trí trước mắt khoảng 70,8 tỷ đồng. 

{keywords}
Cầu Thủ Thiêm 2 hợp long hồi đầu tháng 10/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2022

Theo Sở GTVT, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách TP.HCM đã được thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.

Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP đề xuất cơ chế, chính sách điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 (từ 18 % lên 23 %) để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận TP.HCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại với lãi suất 0%, dư nợ của việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chỉ của ngân sách TP.

Chấp thuận UBND TP tổ chức quy hoạch đấu hai bên tuyến, đầu tư các tuyến đường nhánh, tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để làm nguồn lực triển khai thực hiện dự án và trả nợ vốn vay Chính phủ hoặc thanh toán trái phiếu chính quyền địa phương.

Chấp thuận phân cấp, ủy quyền cho UBND TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP  để rút ngắn thời gian, tạo điều kiện khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyền, vùng phụ cận.

Tuấn Kiệt

Có giải pháp trúng, mạnh, nhanh TP.HCM sẽ tăng tốc phát triển từ 2022

Có giải pháp trúng, mạnh, nhanh TP.HCM sẽ tăng tốc phát triển từ 2022

Đoàn tàu kinh tế của TP.HCM sau 4 tháng đại dịch vẫn còn nguyên đầu tàu và các toa xe, hệ thống đường ray còn nguyên, lái tàu và các trưởng toa còn nguyên, nhân viên phục vụ còn 94% (6% đã về quê), chỉ thiếu dầu diesel để chạy.