- Áp lực từ gia đình, giáo viên đã khiến những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn suốt ngày quay cuồng với điểm số, danh hiệu.
Ảnh minh họa: GDVN |
‘Sẽ chết nếu không được 10’
Một học trò lớp 4 than vãn trước kỳ thi cuối năm: “Nếu không được điểm 10, con chỉ có nước chết!”. Sở dĩ cô bé suốt ngày ám ảnh về điểm số một phần là do lỗi từ bố mẹ. Năm ngoái, em tham gia một kỳ thi gì đó và chỉ được giải Ba. Mẹ em nói với em: “Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ thức trắng đêm, không chợp mặt nổi”. Sự thất vọng mà chị thể hiện ra mặt với con khiến tâm lý cô bé lúc nào nặng nề, chỉ chăm chăm giành điểm cao.
Mặc dù, bố mẹ cô bé này luôn thừa nhận rằng con mình tiếp thu chậm, không thông minh nhưng lại tuyệt đối không chấp nhận con đạt điểm dưới 10.
Báo Dân Trí cũng kể thêm một câu chuyện khác về một cậu bé học tiểu học bỏ ăn uống, đòi tự vẫn vì bị điểm 8 thi học kỳ. Cậu bé 8 tuổi này chia sẻ rằng em cảm thấy “nhục nhã và xấu hổ, không dám nhìn mặt ai”.
Một bà mẹ kể về trường hợp của cô con gái học lớp 5 và đứa cháu học lớp 4. Đứa cháu học lớp 4 rồi nhưng viết chữ vẫn còn sai chính tả, bảo sửa thì cậu khăng khăng không sửa vì “cô giáo bảo viết thế”, cộng trừ vẫn còn nhầm lẫn nhưng 4 năm liền đều đạt học sinh giỏi. Khi chị cho thử một phép toán đơn giản thì cậu mất nửa giờ mới giải xong.
Cậu bé kể rằng cứ sắp đến kỳ thi là cô giáo cho cả lớp học thuộc lòng những bài toán, bài văn sẽ nằm trong đề thi. Kết quả là hầu hết cả lớp đều được điểm 9, 10 rất dễ dàng. Những em nào chưa đạt 9, 10 sẽ được thi đi thi lại cho tới khi đạt điểm giỏi mới thôi.
Trong khi con gái chị thì nằm trong tốp 4 học sinh trung bình của lớp có 43 em. Vì trong lúc ôn thi, chị yêu cầu con ôn cả những dạng bài khác không phải cô giao.
Chị Thanh (Hà Đông) cũng chia sẻ chuyện học của cô cháu gái năm nay học lớp 10. Do mẹ là giáo viên, được luyện từ nhỏ nên cháu gái chị hầu như chỉ biết đến vị trí đứng đầu lớp. Đến khi lên cấp 3, học trường chuyên, lớp chọn, cô bé tụt xuống số 2, 3 của lớp. Cô bé khó chịu ra mặt với việc tụt hạng này và ngày đêm vùi đầu vào sách vở, mặc dù trước kia cô bé đã thuộc dạng “mọt sách”.
Chia sẻ về chuyện điểm số, danh hiệu, một bà mẹ từng là giáo viên ở Việt Nam, giờ sang định cư ở Đức, có con đang học tiểu học nhận xét, giáo dục Việt Nam và Đức khác biệt rất rõ ràng.
Nếu như trẻ Việt Nam đến trường với áp lực của bố mẹ, của thầy cô, của cả những người lớn khác nữa, thì trẻ ở Đức đến trường một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không có áp lực, vì người Đức quan niệm: mỗi bé đều có năng khiếu riêng, không nhất thiết cứ phải học trên sách vở cho giỏi.
“Thậm chí như ở Việt Nam, điểm đánh giá đó cũng không hoàn toàn thực chất. Nói chung, do quan niệm sai lệch của người lớn (phụ huynh, nhà giáo và dư luận xã hội)” – bà mẹ này khẳng định.
Sẽ thay đổi cách đánh giá
Trao đổi với trang Infonet, bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học cho rằng hiện tượng nhiều học sinh giỏi trong một lớp chỉ là hiện tượng cá biệt ở một số lớp, trường, khu vực nào đó, chứ không phổ quát trên toàn quốc.
Bà cho biết hiện có rất nhiều trường có tỷ lệ học sinh yếu, học sinh trung bình cao và Bộ đang phải tìm cách để giảm số học sinh yếu kém cho nơi đó, chứ không phải nơi nào cũng nhiều học sinh giỏi như vậy.
Theo bà Thắm, năm học 2013-2014, Bộ vẫn có văn bản khuyến khích các trường không chấm điểm hàng ngày với học sinh lớp 1, nhưng cuối kỳ vẫn kiểm tra lấy điểm để đánh giá. Nếu chấm điểm giữa kỳ, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình và học sinh, không chê trách và so sánh giữa các học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bà Thắm nói thêm rằng sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh, sẽ không xếp loại giỏi, khá, trung bình nữa mà sẽ có 2 mức là hoàn thành và không hoàn thành. “Bộ đang soạn thảo và có thể áp dụng vào những năm học sau. Đây là phương pháp đổi mới căn bản toàn diện về đánh giá học sinh”.
- Nguyễn Thảo