Hiện nay, theo nhiều đánh giá, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn những hạn chế, vướng mắc như sau: một số chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; thiếu các quy định hướng dẫn về phân bổ kinh phí cho các Bộ ngành, địa phương; trình tự thủ tục để doanh nghiệp nhỏ và vừa thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn bất cập; kinh phí bố trí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; còn tình trạng lúng túng trong việc cụ thể hóa các chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện, đặc thù của ngành, lĩnh vực, địa phương;... 

Theo Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương, để khắc phục những hạn chế, bất cập ở trên, đưa các quy định, chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương thực sự đi vào đời sống, phát huy hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hoàn thiện đầy đủ cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cả ở cấp trung ương và địa phương, trong đó:

Một là, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát, hoàn thiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ghi nhận các tổ chức đại diện doanh nghiệp như một chủ thể tích cực và năng động của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có thể độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong tiến hành hỗ trợ pháp lý.

dnn 16787847226771177013295.jpg
Những giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương. 

Hai là, kiến nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hoàn thiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực.

Ba là, kiến nghị Bộ Tài chính cần sủa đổi Thông tư hướng dẫn tài chính các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sửa đổi định mức tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội, các tổ chức xã hội cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, vụ việc, vướng mắc pháp lý theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Bốn là, kiến nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu có văn bản hướng dẫn tiêu chí công nhận tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện công nhận và công bố theo quy định.

Năm là, các Bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Sáu là, cần tăng cường nguồn lực cho các Bộ ngành, địa phương, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, vật chất để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Bảy là, cần phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là chức năng tham vấn và phản biện xã hội. Có cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia hỗ trợ công tác này… 

Tám là, bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nêu cao ý thức chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, hiệp hội và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. 

Tóm lại, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới cần phải đổi mới cách làm, điều chỉnh các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bám sát xu thế và bối cảnh mới, đồng thời cần có sự chung tay của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV