Tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023. Luật này đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, phù hợp và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành với mục đích góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Để Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 phát huy tối đa vai trò và giá trị của mình của mình, đồng thời, để pháp luật phòng, chống rửa tiền có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhóm tác giả ThS. Trần Linh Huân, Lê Thị Châu Giang Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi như sau:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền
Trên cơ sở Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, cần ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn cụ thể thi hành các quy định của pháp luật, đồng thời rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật không còn phù hợp.
Ngoài ra, cần thực hiện đánh giá hiệu quả thực thi của Luật hằng năm để biết được mức độ ảnh hưởng và hiệu quả thực hiện của Luật trong cuộc sống, đảm bảo các quy định về hoạt động phòng chống, rửa tiền luôn cập nhật và nhận diện trong thực tiễn. Trên thực tế, dưới sự phát triển của môi trường số, số lượng tội phạm rửa tiền ngày càng nhiều, tinh vi hơn do có sự hỗ trợ từ công nghệ, quy mô xuyên quốc gia nên rất khó khăn, phức tạp trong việc truy tìm và xử lí triệt để các hành vi rửa tiền.
Chính vì thế, Nhà nước cần chủ động tăng cường ngoại giao, hợp tác quốc tế về hoạt động phòng, chống rửa tiền, có mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa với các quốc gia khác trên thế giới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lí các tội phạm rửa tiền. Đồng thời, chúng ta cũng nên tham gia kí kết các điều ước quốc tế và các tổ chức về phòng, chống rửa tiền để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống rửa tiền trên toàn cầu, đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường tài chính thế giới, bảo vệ an ninh hòa bình của nhân loại.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc tuân theo pháp luật của chủ thể trong hoạt động phòng, chống rửa tiền
Việc thực hiện các hoạt động này thường xuyên sẽ giúp chúng ta kịp thời phát hiện những hành vi đáng ngờ, có thể là nguồn gốc, mầm mống cho hành vi rửa tiền sau này, đồng thời, cũng hỗ trợ kịp thời cho các chủ thể trong trường hợp họ gặp những khó khăn trong công tác phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, điều tra tài chính của các ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức phi tài chính,... để đảm bảo sự an toàn, minh bạch của hệ thống tiền tệ.
Các chủ thể là tổ chức cần giám sát chặt chẽ, kiểm tra nội bộ, đề ra những biện pháp thiết thực nhằm nâng cao ý thức của mỗi cá nhân trong tổ chức, bởi lẽ hành vi rửa tiền có thể được thực hiện bởi người thứ ba là nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính,... hoặc biết nhưng không báo cáo, tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến phòng, chống rửa tiền như NHNN (trực tiếp là Cục Phòng, chống rửa tiền - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống rửa tiền.
Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên nhà nước trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên sâu, đào tạo ra một đội ngũ có năng lực.
Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân thì trước tiên, các cán bộ, công chức, viên chức phải là những người tuân thủ nghiêm pháp luật để nêu gương cho người dân, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, tổ chức cùng tham gia vào công cuộc phòng, chống rửa tiền. Đấu tranh phòng, chống rửa tiền không phải là nhiệm vụ riêng lẻ của một cá nhân, một tổ chức hay chỉ riêng của Nhà nước mà là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ toàn dân, các bộ, ngành và mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, có rất nhiều người không biết, không hiểu rửa tiền là gì và tác động xấu của hành vi này đối với sự an toàn của nền kinh tế và an ninh xã hội. Do đó, chúng ta cần phải phổ cập kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho người dân, giúp mọi người hiểu rõ tác hại, rủi ro của rửa tiền, tài trợ khủng bố, vũ khí hủy diệt...; khuyến khích người dân tố giác tội phạm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời, xử lí nghiêm các hành vi rửa tiền để răn đe, giáo dục nhằm phòng, chống rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật. Khi có sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, công cuộc phòng, chống rửa tiền sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao.
Xét cho cùng, hoạt động phòng, chống rửa tiền được tăng cường sẽ thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, qua đó giảm thiểu các hoạt động tội phạm, gian lận thuế, tham nhũng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo lập môi trường xã hội an toàn, tạo điều kiện cho hội nhập, hợp tác quốc tế.
Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội, có như thế, công cuộc phòng, chống rửa tiền mới đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo sự minh bạch và toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu, bảo vệ hòa bình an ninh thế giới.