Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (áp dụng đối với xe ô tô, xe chuyên dùng) … là những giấy tờ mà chủ xe thường mang theo. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ quên Giấy chứng nhận Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Chủ xe cơ giới.

Vì sao là bảo hiểm bắt buộc?

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo luật định và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ.

{keywords}
Bùng nổ xe máy và ý thức tham gia giao thông chưa cao là những nguyên nhân khiến số lượng tai nạn giao thông không ngừng tăng lên

Để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, ngoài việc tuyên tuyền để người dân nhận thức và tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đầy đủ, Chính phủ cũng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Nếu không mang theo Giấy chứng nhận hoặc giấy không còn hiệu lực, chủ xe máy sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; chủ xe ô tô sẽ bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Mức bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng/người/vụ

Mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện nay chỉ ở mức 60.000 đồng/năm đối với xe máy và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ô tô tùy theo mục đích sử dụng xe. Mức phí không cao và sản phẩm có thể được mua dễ dàng tại các công ty bảo hiểm, mua trực tuyến hoặc ở các đại lý ô tô, xe máy…, vì vậy nếu chưa có các chủ xe cần tham gia ngay từ hôm nay để luôn an tâm vì được bảo vệ trước các rủi ro không lường trước có thể xảy ra.

Thực tế cho thấy có nhiều vụ tai nạn xảy ra, người gây tai nạn bỏ chạy hoặc không có đủ tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân, khiến họ vừa chịu cảnh đau khổ vì mất người thân lại càng thêm túng quẫn do mất đi trụ cột gia đình.Nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS theo quy định thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là nơi giúp xóa đi một phần những khó khăn trên.

{keywords}
 Ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (thứ hai từ phải sang), trao hỗ trợ nhân đạo cho đại diện gia đình một nạn nhân tai nạn giao thông tại Hải Dương.

Theo quy định khi xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm có thể sẽ bồi thường cho chủ xe phần trách nhiệm dân sự này với mức trách nhiệm lên đến 100 triệu đồng/1 người/vụ.

Doanh nghiệp bảo hiểm chung tay hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông

Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/ 1 người. Quy định này đã hỗ trợ phần nào khó khăn về mặt tài chính cho chủ xe cũng như gia đình nạn nhân, chứng minh được tính ưu việt của chính sách trong thời gian qua.

{keywords}
 Bà Hoàng Thị Yên, Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trao hỗ trợ nhân đạo cho một gia đình nạn nhân ở Đồng Tháp

Các trường hợp sẽ được hỗ trợ nhân đạo khi công an không xác định được xe cơ giới gây tai nạn; xe gây tai nạn không tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; và xe gây tai nạn tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường vì bị loại trừ bảo hiểm theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy, lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe...

Khi nạn nhân tử vong trong tai nạn giao thông rơi vào những trường hợp được hỗ trợ nêu trên và có Kết luận của công an giải quyết tai nạn, người thân của nạn nhân có thể gọi đến đường dây nóng theo số 024 3941 2063 hoặc 0967235155 hoặc website: www.iav.vn (Chuyên mục Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới) để được hỗ trợ.

Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới do Chính phủ quy định trên cơ sở yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới phải đóng góp hàng năm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được Bộ Tài chính giao quản lý kể từ năm 2009.

Minh Phương