- Với kiểu lách luật này ông Báu đã dễ dàng “qua mặt” hai cấp tòa khi cho rằng ông Báu nhập quốc tịch Mỹ nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC:

Bài trước chúng tôi đã thông tin về việc thành lập công ty “ma’ của Việt kiều Ted Nguyễn và chính vì sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng dẫn đến ông Việt kiều này có điều kiện để đòi phân chia tài sản.

Thế nhưng điều dư luận quan tâm nhất lại là ở hai cấp tòa đã xử vụ án này. Nói như phần trước đã trình bày điều không đáng để vụ kiện cáo này kéo dài nếu như tòa án tuân thủ đầy đủ những qui định của pháp luật.

Như một luật gia đã bình luận về vụ án: Án dân sự xử kiểu nào cũng được. Cái đau của dân chính là “xử kiểu nào cũng được”. Và xử kiểu nào cũng được ấy phải chăng nó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác không chỉ là trình độ của thẩm phán.

Nếu ai có điều kiện đọc hồ sơ vụ án và cách xét xử của tòa thì có thể dễ dàng nhận thấy đây không hẳn là trình độ. Bởi vì người có nhận thức bình thường, không mất trí thì cũng có thể phân định đúng sai trong vụ này, thế mà “ai cũng hiểu chỉ quý tòa không hiểu”.

Việc ông Ted Nguyễn thành lập công ty là hình thức lách luật để lừa tòa.

Ông không có hộ khẩu nơi đăng ký kinh doanh cũng không được chính quyền sở tại xác nhận công ty ở đó và thực chất ông chẳng kinh doanh gì. Với kiểu lách luật này ông Báu đã dễ dàng “qua mặt” hai cấp tòa khi cho rằng ông Báu nhập quốc tịch Mỹ nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam. Vì vậy đã áp dụng luật đất đai năm 2003 và 2005 để chấp nhận quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế bằng hiện vật và bỏ quên tình tiết ủy quyền của những người trong hàng thừa kế đang ở nước ngoài.

{keywords}
Đất được bán lại cho người khác ngay sau khi Tòa cho Ted Nguyễn quyền thừa kế và căn nhà của chủ mới đang mọc lên (Ảnh do gia đình cung cấp)

Về việc thừa kế tài sản, rõ ràng ông Ted Nguyễn không hội đủ điều kiện đẻ đòi thừa kế. Khối tài sản mà cụ Nguyễn Sáu qua đời khi không để lại di chúc. Thứ nhất ông Việt kiều đòi chia tài sản thì thời hiệu chia thừa kế của cụ đã hết qui định theo điều 1 của Nghị quyết số 1073/2004/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải quyết giao dịch dân sự thừa kế…trước ngày 1-7-1991 có yếu tố nước ngoài. Ông Báu cũng không nằm trong trường hợp qui định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Nhưng tòa án hai cấp vẫn chấp nhận để ông Ted Nguyễn được chia khối tài sản chung của Bố là ông Nguyễn Sáu.

Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa bỏ qua những tình tiết trên và cho rằng: Sau khi kết thúc thời hạn thừa kế 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.

Một điểm nữa là ông Báu không đủ yếu tố để thay mặt các anh chị em ở Mỹ để đòi chia đất. Theo Luật sư Phạm Quốc Thanh- Trưởng văn phòng Luật sư Quốc Thái - Đoàn Luật sư Hà Nội thì: “Trong vụ án này, các cấp tòa dường như ‘bỏ quên’ tình tiết những người ủy quyền cho nguyên đơn là Việt kiều Nguyễn Quý Báu không hề có đủ điều kiện để chia di sản thừa kế bằng hiện vật, bởi lẽ tất cả những người ủy quyền cho Việt kiều Báu đều đang ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ. Đây là một tình tiết cần được TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và là một trong những tình tiết quan trọng làm thay đổi hoàn toàn nội dung vụ việc”.

Một chi tiết mà không biết là cười hay khóc. Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận ngôi nhà từ đường là để thờ phụng cha mẹ thế mà Tòa lại gộp chung vào để chia và sau khi được chia thì ông Ted Nguyễn đã đập cả nhà từ đường để…bán. Không còn đạo lý nào nữa trong việc này xét cả trong việc phân chia của Tòa lẫn người con có hiếu là ông Ted nguyễn.

Chi tiết nữa cũng lạ lùng không kém chính lô đất hơn 239,2m2 mà ông Tâm và bà Bông được cho (hay mua – Nói như Bà Bông) đã có sổ đỏ từ trước khi bà Mùi còn sống thế mà Tòa cũng không tách riêng mà gộp lại thành khối tài sản chung của ông bà để chia thế mới lạ. Vì cho rằng bà Mùi (mẹ ông Tâm) không được quyền cho con đất đai. Và kết luận của Tòa trong phần phân chia hiện vật là: Ông Ted Nguyễn được sở hữu nhà từ đường, phần nhà trọ, các công trình trên đất và quyền sử dụng lô đất 462 m2 (nghĩa là tất cả số đất bà Mùi Ông Sáu để lại). Còn ông Tâm, bà Bông được Tòa “ưu ái” chia cho phần đất diện tích 239,2m2 là phần đất của mình đã có sổ đỏ từ trước.

Những điểm “lạ” và “trời ơi” ấy dẫn đến hành trình khiếu kiện kéo dài của gia đình ông Tâm bà Bông. Suốt hai năm trời chầu chực tại Thủ đô để kêu cứu cơ quan chức năng.

Và hai năm trời “ăn sương nằm gió” của bà Bông để có kết quả là Tòa án tối cao đã có Kháng nghị đối với bản án của hai cấp Tòa.

Ngày 24/7/2012 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đã có Quyết định kháng nghị số 313/2012/KN-DS “Kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2011/DSPT ngày 31/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quý Báu và bị đơn là ông Nguyễn Trung Tâm và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2010/DSST ngày 10/12/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm”.

Bản kháng nghị đã nêu bật những điểm sai trái trong kết luận của hai cấp Tòa, Bản Quyết định nêu rõ: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 20/2010/DSST ngày 10/12/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 10/9/2012, Cục Thi hành án dân sự Khánh Hòa có Thông báo số 1085 TB-THA về việc tạm đình chỉ thi hành án cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Ban Bạn Đọc