Ngày 25/12/2018, Văn phòng Chính phủ ban hành Báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018. Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể so với năm 2016 (59/163 quốc gia); chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 4 kỳ báo cáo (2012-2018) gần nhất (xếp hạng 100/193 quốc gia), nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới; chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với năm 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng thấp hơn mức trung bình của châu Á và ASEAN.

Báo cáo cho thấy: với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai Chính phủ điện tử trong năm qua đã phát huy được tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo và triển khai, nâng cao nhận thức của các cơ quan trong việc thực hiện, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và những chuyên gia Việt Nam giỏi trong nước và quốc tế. Những định hướng trong triển khai Chính phủ điện tử trong năm qua được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng và phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, các hệ thống nền tảng Chính phủ điện tử đã được nhìn nhận một cách tổng thể và đã triển khai hoặc tiến hành thử nghiệm một số hệ thống nền tảng. Các hệ thống triển khai đều đóng vai trò quan trọng trong hiện đại hóa các hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương cũng như nhận được sự ghi nhận của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin, với sự tham gia của 10 thành viên Chính phủ và Chủ tịch các Tập đoàn, Tổng công ty lớn về CNTT, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký và chỉ đạo việc thiết lập các Ban chỉ đạo tại bộ, ngành địa phương. Đến nay, đã có 37 Bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử do người đứng đầu bộ, ngành, địa phương làm Trưởng ban.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã ban hành Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động của Ủy ban 4 tháng cuối năm 2018 và đã họp phiên toàn thể lần thứ nhất tập trung vào việc cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Trong năm 2018, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được Chính phủ, Thủ tương Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc thiết lập, ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg (đã thẩm định xong và đang gửi ý kiến các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chính phủ điện tử còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử như: Dân cư, đất đai, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai Chính phủ điện tử. Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy được hiệu quả; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính khoa học, gây gánh nặng cho cán bộ công chức.

Ngân sách đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin gắn với cải cách hành chính vẫn còn hạn chế, cơ chế đầu tư tài chính chậm sửa đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nền hành chính, chưa đủ để tạo ra đòn bẩy nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, cũng như tăng chất lượng dịch vụ công.