Những huyền thoại thời chiến lần lượt ra đi. Những anh hùng của thời đổi mới cũng lần lượt ra đi. Điều mất mát lớn lao nhất của cộng đồng, không dừng lại ở sự vắng mặt của những con người, những cá nhân có công trạng trong những giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó, mà là sự khủng hoảng những biểu tượng các giá trị tốt đẹp, bền vững, có tính hướng đạo.

Dòng người đổ về Hà Nội, Quảng Bình trong những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến một sự kiện khác, cách đây tròn năm năm, đó là đám tang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày ấy, người dân khắp nơi cũng đổ về Sài Gòn với một tâm trạng thành kính như vậy. Trong dòng nước mắt đau thương mất mát, có cả sự hàm ơn, sự xác tín vào những giá trị mà nhân cách người đã khuất đem lại cho cộng đồng.

Có lẽ, cách tưởng niệm âm thầm mà cảm nhận sự mất mát đau đớn nhất là giới trí thức. Khi đây là thành phần nhận thức rõ nhất nguyên lý tác động của sự hiện diện những cá nhân kiệt xuất, sự nêu gương của những biểu tượng anh hùng nhân dân thực thụ lên một xã hội đang đứng trước sự đảo lộn các giá trị. Khi đây cũng chính là thành phần nhận ra rằng, những giá trị, lý tưởng tốt đẹp về quốc dân đang mai một dần trong cuộc khủng hoảng lớn “có tính hệ thống”. Khi đây cũng là thành phần nhận ra sâu sắc nhất cái khoảng trống vắng, hoang mang trong tâm thức xã hội đang lớn dần, vì những huyền thoại sống trong đời thực đã không còn hiện hữu.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Và cũng chính họ, giới trí thức, nhìn thấy được một toàn cảnh đáng ngại: xã hội chưa kịp sinh ra những chân dung lớn của thời bình trong khi các biểu tượng làm nên tầm vóc dân tộc, đất nước của thời chiến đã bỏ chúng ta ra đi.

Sau những ngày quốc tang Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người ta nói nhiều đến công trạng của ông trong việc cởi mở, đón nhận và tập hợp trí thức không phân biệt lý lịch, để cùng lo cho công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế trong những tháng năm đầu của thời bình và đổi mới. Trong những ngày này, nhiều trí thức trong ngành giáo dục, khoa học cũng nhắc lại câu chuyện trong những năm tháng cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với họ trăn trở ưu tư về phát triển đội ngũ trí thức làm khoa học, nhìn thấy chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc gia, lên tiếng đấu tranh vì một nền giáo dục lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của đất nước...

Những câu chuyện đó thường được kể lại với những đoạn kết có gì đó chưa thật trọn vẹn, hay có khi, là kèm theo sự nuối tiếc, băn khoăn. Chúng vẫn được kể lại như những lời nhắc nhở, thức tỉnh đầy thống thiết về trách nhiệm của những đầy tớ nhân dân về sự an nguy đất nước, sinh mệnh dân tộc trong một cuộc thế mới, đầy vận hội nhưng cũng lắm thử thách.

Đừng để những khoảng trống mãi là những khoảng trống.

Nguyễn Vĩnh Nguyên (Theo SGTT)