- Trong khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Công ty CP Xi măng Đô Lương đang “từng bước” bàn giao lại dự án cho nhà đầu tư mới, thì hàng chục hộ dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương đang phải sống khốn khổ vì “vướng” vào diện giải tỏa.

Dân bỏ…nhà chạy lấy người

Ông Thái Ngô Quang, Chi hội trưởng Cựu chiến binh xóm Đô Sơn bức xúc: “Các hộ dân Đô Sơn, trong đó có nhiều gia đình ông già bà lão neo đơn, cựu chiến binh đã phải sống khốn khổ trong 6 năm qua”.

Theo chân ông Quang, phóng viên VietNamNet đã có cuộc khảo sát gần 20 hộ dân ở xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn và ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân phải sống thấp thỏm dưới những căn nhà tàn sắp sụp.

Căn nhà xuống cấp nghiêm trọng của ông Thái Ngô Ngụ (86 tuổi, bố ông Thái Ngô Quang). Ông Ngụ đã phải chuyển đi nơi khác ở vì sợ nhà sập

 

Cụ ông Thái Ngô Ngụ (86 tuổi,bố ông Quang) trước nay sống dưới căn nhà gỗ 2 gian ọp ẹp. Vừa qua do căn nhà quá xuống cấp, ông Ngụ đã phải chạy qua nhà con trai kế bên để ở.

“Trước đây anh em chúng tôi dự định tu sửa lại nhà cho bố nhưng chưa kịp thì dự án xây dựng nhà máy xi măng Đô Lương triển khai, căn nhà bố tôi thuộc diện giải tỏa và ông đã ký vào biên bản cấm cơi nới, xây dựng nhà cửa và công trình dân sự của ban đền bù giải phóng mặt bằng.

Vài năm qua, căn nhà xuông cấp nghiêm trọng, mùa mưa chúng tôi phải căng bạt lên mái ngói để che nhưng nước vẫn xuống, gạch gỗ mục vỡ thỉnh thoảng lại rơi xuống rất nguy hiểm nhưng chúng tôi không giám tu sửa.

Vừa rồi sợ căn nhà có nguy cơ đổ sụp xuống nên chúng tôi đã đưa bố đi, dù ông không muốn rời bỏ nơi này” – ông Thái Ngô Quang bức xúc nói.

Người dân Bài Sơn phải dùng bạt căng lên mái ngói để chống nước xuống

Kế bên nhà ông Ngụ là căn nhà gỗ 2 gian tồi tàn của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ba (81 tuổi). Ông Ba bước đi đã lom khom, chỉ tay lên nóc nhà giọng run run: “Các chú cứ nhìn đi, căn nhà ni dựng cách đây gần 70 năm rồi. Hai thân già ni cứ sống với nó để xem ngày nào thì nó sụp!”.

Đầu năm 2012, lo sợ cho tính mạng của hai ông bà, Chi hội cựu chiến binh xóm Đô Sơn đã viết “đơn đặc biệt” để xin phép đảo lại mái ngói, dùng dây, cọc gỗ giằng lại căn nhà cho đỡ “xiêu vẹo”.

Trong những trường hợp “bi hài” còn phải kể đến gia đình anh Trần Văn Hà (xóm 2, Bài Sơn). Năm 2007, vợ chồng anh Hà xoay tiền để xây căn nhà 2 gian.

Tuy nhiên, khi “công trình” vừa thi công được nửa chừng thì ban giải phóng mặt bằng của xã đã đến tiến hành đo đạc và yêu cầu gia đình ký vào biên bản giữ nguyên hiện trạng căn nhà chờ ngày giải tỏa.

Tuy nhiên gia đình anh Hà đã chờ tới 6 năm mà chẳng thấy đơn vị nào về giải tỏa, 1 xu tiền đền bù cũng chưa được nhận. Trong khi đó, căn nhà xây dở cũng phải “đắp chiếu” ngần ấy năm.

Vợ anh Hà, chị Thái Thị Thu bức xúc: “Họ bảo giữ nguyên hiện trạng thì chúng tôi chỉ biết chấp hành và đành mua tre, mua bạt về che tạm căn nhà. Thế nhưng 6 năm qua gia đình tôi đã phải sống trong căn nhà “thiếu đầu thiếu đuôi”, vừa rồi máy gian chuồng bò của gia đình cũng đổ sụp rồi. Chúng tôi còn phải sống thế này bao lâu nữa?”.

Xã, huyện cũng bức xúc

Câu hỏi đó của chị Thái Thị Hà nói riêng và của người dân Bài Sơn nói chung chắc sẽ rất khó trả lời đối với chính quyền địa phương. Bởi vì họ cũng có những “nỗi khổ” riêng.

Ông Nguyễn Hữu Ba (81 tuổi) trong căn nhà xiêu vẹo

Ông Thái Đình Lợi, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn trong buổi tiếp phóng viên cũng bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng xây dựng nhà máy. Ông cho biết: “Toàn xã có 54 hộ thuộc diện đền bù giải tỏa nhưng chỉ mới có 19 hộ được giải quyết để di dân.

Mỗi khi người dân có bức xúc thì họ lại kêu xã đầu tiên, và chúng tôi vì đứng mũi chịu sào nên lại phải đi các cấp để phản ánh, kiến nghị. Chúng tôi cũng muốn trả lời dứt khoát với người dân nhưng không thể.

Còn nhớ ngay trong mùa mưa đầu tiên, đất đai từ khu vực san lấp đã tràn xuống hộ ông bà Tâm Chính ở phía dưới làm đổ tường, tràn vào nhà. May mà không ai bị thương. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, hiện tại hộ dân này vẫn thuộc diện chưa được giải tỏa”.

Căn nhà “vô chủ” rệu rã ở xóm Đô Sơn, chủ nhân là bà Trần Thị Quế (82 tuổi) đã tìm đến nhà con rể để ở

 

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo huyện Đô Lương cho rằng đã có văn bản chỉ đạo xã cho phép người dân được tu sửa nhà cửa trong “những trường hợp đặc biệt”.

Ông Võ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Quan điểm của huyện là phải đảm bảo an toàn cho người dân, nên gia đình nào có nhà cửa hư hỏng cần sửa chữa nếu làm đơn xin phép sẽ được chấp nhận”.

Trước những bức xúc của người dân, ông Ngọc cho biết sẽ “chỉ đạo kiểm tra xử lý ngay”.

“Dự án xây dựng nhà máy xi măng Đô Lương đã bị trì hoãn quá lâu, nay cũng chưa biết khi nào sẽ nối lại. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì chúng tôi sẽ phải có kế hoạch để đảm bảo an toàn cho người dân. Còn về tiến độ triển khai dự án sắp tới thì chúng tôi đành chịu vì không thuộc thẩm quyền huyện” – ông Ngọc nói.

Cao Nam – Duy Tuấn