Năm ngoái, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 -CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là mô hình mang tính đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn NTM. 

Với quan điểm hướng về cơ sở, lấy thôn, làng làm thước đo sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 13/2/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU (Chỉ thị số 12) về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong xây dựng làng NTM tại các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nội dung Chỉ thị số 12 dựa trên cơ sở lồng ghép 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và điều chỉnh một số tiêu chí để phù hợp với điều kiện thực tế của vùng đồng bào DTTS. Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 760/UBND-NL; Sở NN&PTNT cũng có Công văn số 945/SNNPTNT-VPNTM về việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng NTM trong đồng bào DTTS. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương đã tích cực rà soát thực trạng, có phương án xây dựng khu dân cư, lộ trình, giải pháp lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với các chương trình, dự án khác.

W-Nongthonmoi.png

Trong 5 năm, các địa phương đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 24 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 153 tỷ đồng; vốn tín dụng 43,5 tỷ đồng.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng NTM trong làng đồng bào DTTS đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Theo đó, người dân đã hiến 400.830 m2 đất ở, đất vườn và tham gia 96.411 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ; chủ động di dời chuồng trại, đào hố rác, trồng cây xanh...

Từng là những ngôi làng khó khăn nhất tỉnh, nhờ sự quan tâm của cấp trên, đến nay, các làng DTTS của những huyện này đã thay da đổi thịt, cảnh quan nông thôn trở nên khang trang, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Đến nay, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM. Để góp phần vào thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2761/KH-UBND, ngày 4-12-2019 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, làng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới xây dựng NTM giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch được triển khai thực hiện trên phạm vi 41 thôn, làng của 6 xã biên giới. Kết quả trong 2 năm triển khai thực hiện, có 15/41 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 12/15 thôn, làng đạt chuẩn NTM thuộc trong danh sách 110 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM của tỉnh giai đoạn 2018-2022.