Cua mặt trăng

Cua mặt trăng là loài hải sản cực hiếm, đứng thứ 3 trong bộ nhà cua về độ hiếm. Loài cua này phân bố ở Ấn Độ Dương và bờ biển phía tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cua mặt trăng thường xuất hiện ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Phú Quốc), đảo Lý Sơn,...

Trên lưng cua mặt trăng có nhiều hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi. Vì thế, người dân đặt tên là cua mặt trăng. Loại cua này có thể đạt trọng lượng tới 1kg.

Cua mặt trăng (Ảnh: Người Đưa Tin)

Loại cua này có thịt thơm ngon nhất vào kỳ trăng mọc. Điều này hoàn toàn trái ngược với các loại cua khác, thịt thường xốp trong thời kỳ này. Cua mặt trăng được xếp vào loại cua thượng hạng “đệ nhất cua” bởi thịt cua ngọt đậm đà, vừa thơm lại săn chắc.

Vì ngoại hình bắt mắt và chất lượng thịt thơm ngon nên loài cua này được giới sành ăn ưa chuộng. Trước đây, cua mặt trước có khá nhiều nhưng càng ngày càng trở nên khan hiếm, ai muốn mua phải đặt trước mới có hàng. Trên thị trường, cua mặt trăng có giá tới 500.000-600.000 đồng/kg.

Cua đá

Cua đá là đặc sản nứa tiếng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Loại cua này có hình dáng như cua thường nhưng sống trên núi, uống nước sương, ăn lá cây có vị thuốc bắc, chỉ đến mùa sinh sản mới xuống biển đẻ trứng, nên được gọi là cua đá.

Cua đá Lý Sơn (Ảnh: Người Đưa Tin)

Cua lớn có trọng lượng đến 300-400 gram/con, cua nhỏ thì trọng lượng cỡ 100g/con, mai và các chân màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Khi chế biến, cua chuyển sang màu gạch. Vỏ cua khá dày và cứng, thịt cua chắc và thơm. Loại cua này chứa đầy gạch, nếu không quen ăn, thực khách có thể bị “say” gạch. Gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc bắc, hơi đắng nhưng rất rất béo và thơm nồng mùi thảo dược. 

Cua đá là đặc sản hiếm, được bảo tồn nghiêm ngặt. Sau khi đánh bắt, cua đá ở Cù Lao Chàm phải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường.

Loại cua này có thời điểm giá còn đắt hơn cả cua huỳnh đế vì chúng ngày càng trở nên quý hiếm. Tại nhà hàng, cua đá có giá tới 2 triệu đồng/kg.

Cua dừa 

Cua dừa loài động vật chân khớp lớn nhất thế giới được phát hiện trên các hòn đảo của Ấn Độ Dương và một phần ở Thái Bình Dương. Dù được sinh trưởng dưới nước nhưng khi phát triển, cua dừa lại thích sống trên cạn nên chúng phát triển cơ quan hô hấp bằng phổi, khiến mang cua thoái hoá, mất đi khả năng thở dưới biển, trở thành loại cua cực kỳ sợ nước.

Cua dừa biết leo cây (Ảnh: Pháp Luật và Bạn Đọc)

Cua dừa thường ký cư ở gốc dừa và thân dừa. Chúng ăn tạp từ rác đến các loại lõi cây non, gốc cây, thậm chí là cả xác chết của cá, chuột, chim...

Đây là loại cua có kích cỡ lớn (2-4 kg/con). Cua dừa có phần đầu ngực lớn, gồm 10 chân và sở hữu bộ càng nặng nề được xem như áo giáp. Nhờ sở hữu các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc nên cua dừa có thể leo lên tận ngọn dừa, bổ toạc lớp vỏ để ăn phần cơm dừa bên trong.

Dù có vẻ ngoài khiến nhiều người sợ hãi nhưng cua dừa lại là đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng. Thịt cua dừa có vị như tôm hùm, rất săn chắc và ngọt. Giá cua dừa khoảng 500.000 đồng/kg.

Cua da

Cua da là đặc sản của đất Yên Dũng (Bắc Giang). Theo lý giải của người dân huyện Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua da vì chúng có lớp da trên càng. Chân cua da dài, 2 càng có lớp lông giống như rêu bám vào... 

Cua da hấp bia (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Về hình thức, cua da gần giống cua đồng nhưng kích thước và trọng lượng tối đa lớn gấp 3-4 lần (trung bình 0,8-2 lạng/con). Mùa cua da chỉ kéo dài từ tháng 9-11 âm lịch. 

Trước kia, loại cua này rất nhiều và giá bán chỉ 120.000-180.000 đồng/kg. Song vài năm gần đây, do môi trường sống thay đổi cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng nên cua ít dần. Do đó, giá cũng tăng cao lên 400.000-500.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, nhiều nhà hàng bán giá tới cả triệu đồng/kg.

Cua xe tăng

Cua xe tăng là một loài cua cạn khổng lồ thuộc họ cua cạn Geocarcinidae. Đây là loài cua cạn to nhất Việt Nam và bán đảo Đông Dương.

Cua xe tăng (Ảnh: Dân Việt)

Tại Việt Nam, rừng ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi duy nhất cua xe tăng sinh sống. Khi trưởng thành, loài cua này có mai dài hơn 10 cm, trọng lượng lên tới 1 kg.

Cua có 2 càng to chắc khỏe và có vẻ như không tương xứng với thân (càng phải to, càng trái nhỏ) đủ sức cắn xé lá và ăn các loài động vật. Sở dĩ cua có tên xe tăng là vì khi bò, nó có hình dáng trông giống như cỗ xe tăng đang di chuyển. Một điều đặc biệt của loài cua này là khi gãy càng chúng vẫn có thể tự mọc lại. Hiện cua xe tăng nằm trong danh sách cần bảo tồn nên không được khai thác.

Cua vang

Ngoài cua xe tăng, cua mặt trăng, ở Côn Đảo còn có một loại cua khá ngon nữa, đó là cua vang.

Cua vang có hình dáng và kích thước giống cua đồng, trọng lượng khoảng 10-20 gram/con, càng nhỏ. Cua có màu tím nâu giống như màu rượu vang nên gọi là cua vang. 

Cua vang Côn Đảo (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)

Loại cua này thường đào hang và sống ở các triền núi. Chúng thường xuất hiện vào ban đêm trong những cơn mưa. Người dân nơi đây săn bắt chúng bằng tay.

Thịt cua vang ngon, ngọt như cua đồng. Giá của cua vang Côn Đảo khá rẻ, chừng 35.000 đồng/kg.

Cua 'thiết giáp'

Cua "thiết giáp" là đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên. Chúng sống tập trung ở lưu vực những con suối đá chạy dọc những thung lũng xen kẽ các quả đồi. Cua có vỏ cứng, bản tính hung dữ nên được đặt tên là cua “thiết giáp”, phải những tay săn cua có nghề mới bắt được.

Những năm gần đây, do khí hậu thay đổi và tình trạng dùng điện săn bắt thủy sản tràn lan khiến cho lượng cua "thiết giáp" bị suy giảm rõ rệt.

Giá mỗi kg cua "thiết giáp" lên tới vài trăm nghìn đồng. So với cua biển hoặc cua đá ở những vùng khác, cua đá “thiết giáp” có thịt rắn chắc và thơm ngon hơn.

Cua 'thiết giáp' (Ảnh: Báo Giao thông)

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)