Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021.

UKVFTA có lợi ích cho cả hai phía 

Đánh giá về kết quả sau 2 năm tận dụng UKVFTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá, UKVFTA có lợi ích cho cả hai phía và cho thấy có một con số tích cực, tức là tăng trưởng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. 

Trong bối cảnh chúng ta đang có thặng dư thương mại với Vương quốc Anh thì việc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam có một số điểm tích cực. Thứ nhất là giúp cán cân thương mại cân bằng hơn; thứ hai là các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nhiều hơn các nguồn nguyên liệu, các công nghệ, các sản phẩm mà Vương quốc Anh có thế mạnh để giúp nâng cao năng lực sản xuất.

Hơn nữa, khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có thể nói đại đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… Điều này cho thấy, các doanh nghiệp cũng đã hướng đến thị trường Vương quốc Anh là một kênh để đa dạng thị trường.

Còn một điểm thú vị nữa khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh có thể thấy đây là một trong những thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng về nguồn nguyên liệu khá tốt. 

Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy có một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh về để đáp ứng quy tắc xuất xứ, điều đó rất tốt bởi nhập vải về sau đó cắt và may giúp chúng ta đạt được quy tắc xuất xứ và thậm chí là nâng cao được giá trị sản phẩm. 

Thị trường rất tiềm năng và đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam

Vương quốc Anh còn là một thị trường lớn, sức mua cao. Mặc dù hiện nay đang có những khó khăn nhất định nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng và đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt kết quả tích cực và thặng dư.

Tuy nhiên, đây là thị trường có tiêu chuẩn cao và quan hệ truyền thống với các nước thuộc địa; cạnh tranh với các nước thuộc địa. Ví dụ hiện nay Vương quốc Anh nhập khoảng tầm hơn 600.000 tấn gạo và đại đa số thị phần đến từ Ấn Độ, Pakistan bởi vì người Ấn Độ, Pakistan chiếm rất đông ở Vương quốc Anh nên có truyền thống làm ăn với các nước thuộc địa. Bây giờ để tham gia được vào chuỗi cung ứng hoặc chuỗi quan hệ làm ăn lâu đời đấy cũng là một thách thức.  

Góp bàn về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, thuận lợi đầu tiên là doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế với mức cắt giảm thuế lên đến trên 88% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thêm vào đó, tư duy mở rộng hiện nay của Vương quốc Anh. Bởi sau khi Brexit phải tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung. Trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung, họ sẽ hướng đến các thị trường có FTA, trong đó Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường Vương quốc Anh quan tâm.

“Ví dụ thời gian qua, nhu cầu của thị trường Anh đối với gạo Việt Nam tăng rất lớn so với thời điểm chúng ta chưa có UKVFTA. Như vậy, rõ ràng nhà nhập khẩu Anh hướng đến Việt Nam nhờ UKVFTA để đa dạng nguồn cung” – ông Ngô Chung Khanh phân tích.

Vương quốc Anh còn được biết đến là một thị trường lớn, sức mua cao. Mặc dù hiện nay đang có những khó khăn nhất định nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng và đặc biệt xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh đạt kết quả tích cực và thặng dư chúng ta có với Vương quốc Anh so với các thị trường khác cũng là một trong những điểm sáng.

Hồng Nhì, Diệu Bình, Mỹ Hòa