Trong vô vàn những món ăn đến từ mọi miền hay các quốc gia khác, người Sài Gòn vẫn để dành riêng cho mình những món ăn không bao giờ chán.
Cơm tấm
Cơm tấm trải dài khắp đất nước và khi đến Sài Gòn, trở thành nét văn hóa riêng trong ẩm thực Sài Gòn và được bán ở mọi con đường hay hẻm lớn nhỏ, từ nhà hàng đến những hàng quán tạm bợ.
Cơm tấm là sự kết hợp hài hòa giữa những hạt cơm nhỏ, màu trắng, miếng sườn (cốt lếch) nướng cháy cạnh, bì thơm giòn hay trứng chưng béo mềm, trứng ốp la béo ngậy. Các nguyên liệu trên cũng là yếu tố để người ta phân biệt hàng bán cơm tấm với các hàng quán khác.
Tại Sài Gòn có nhiều tiệm cơm tấm nổi tiếng như cơm tấm Cali, cơm tấm Ba Ghiền,cơm tấm Kiều Giang, cơm tấm Thuận Kiều… song thường mỗi người “thủ” cho mình một hàng cơm tấm riêng để thỉnh thoảng tạt vào thưởng thức.
Ốc
Người Sài Gòn cực kỳ thích ốc. Điều này được chứng minh qua những con đường ốc ở Thành Thái (Q.10), Vĩnh Khánh (Q.4), khu bờ kè…cũng như tình trạng thực khách đi ăn thường xuyên chầu chực để “săn” một chỗ ngồi ở những quán ốc được đánh giá là ngon.
Các món ốc quen thuộc của người Sài Gòn thường là ốc móng tay, óc hương, ốc nhung, sò long, sò huyết, sò điệp, hàu… song gần đây vùng đất này đã du nhập thêm một số loại vốn là đặc sản “khó săn” ngay tại địa phương như ốc giấm, ốc vú nàng, ốc ngựa…
Cũng như cơm tấm, mỗi thực khách chọn cho mình một quán ốc riêng, song mật độ ghé thăm quán ốc quen thường có sự giãn cách khá rộng, và thường xuyên được bổ sung những quán ốc khác bởi một lý do bất thành văn là “quán ốc nào thưởng thức quá 3 lần/ tháng đều mất ngon”.
Hủ tíu
Sài gòn có nhiều loại hủ tíu như hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang, hủ tíu bò viên, hủ tíu Tàu… và một món hủ tíu ngày trước được coi như nét duyên riêng của vùng đất này: hủ tíu gõ.
Về quy tắc thông thường, mỗi tô hủ tíu bao gồm 3 phần: hủ tíu, nước dùng, thịt. Và cách nhận biết mỗi loại tùy thuộc vào màu sắc, hình dáng, vị của hủ tíu hay các phụ liệu trong phần thịt. Song quen thuộc nhất với người Sài Gòn là hủ tíu Nam Vang, được gia nhập từ Campuchia nhưng được chế biến theo phong vị Hoa.
Các quán hủ tíu Nam Vang nổi tiếng ở Sài Gòn và gần xa: Nhân Quán, Hủ tiếu Kỳ Đồng, Hủ tiếu Hồng Phát, Hủ tiếu Võ Văn Tần…
Phở
Phở tại Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung được chia làm 3 phong vị là phở Bắc, phở Huế (ở miền Trung) và phở Sài Gòn (ở miền Nam) và cách nhận biết thường nhờ vào mùi vị hay kích thước của cọng phở. Vì dụ, phở miền Bắc có vị mặn còn miền Nam có vị ngọt. Bánh phở ở miền Nam nhỏ hơn ở miền Bắc.
Trước đây, chỉ có phở bò chín với đầy đủ "chín-bắp-nạm-gầu", về sau, thực khách chấp nhận cả phở tái, phở gà. Thậm chí có một số quán còn thử nghiệm với phở vịt, ngan… nhưng hầu như không thành công. Các quán phở được nhiều người biết đến tại Sài Gòn như Phở Đệ Nhất, Phở 5 sao, phở 24, phở Lê, phở Hòa, phở 99…
Bún
Có thể kể hơn 20 loại bún mà người Sài Gòn có thể thưởng thức, song quen thuộc nhất phải kể đến bún bò Huế, bún mộc, bún giò, bún riêu, bún thịt nướng, bún mắm… Mỗi loại bún đều có cách chế biến riêng, nguyên liệu riêng song đều khiến người Sài Thành mê mẩn. Một trong những yếu tố không nhỏ để các món gắn với từ bún là tiện, lợi, dễ ăn, dễ tiêu.
Một số quán bún nên ghé của Sài Gòn là bún thịt nướng bà Tám, bún mọc Thanh Mai, bún bò Huế Bà Dạng, bún Tùng Lâm.
Lẩu
Là món nhiều rau, ít béo và mang tính cộng đồng cao, lẩu luôn là món được lựa chọn cho những buổi đi ăn sau giờ làm hay trong những cuộc gặp mặt bạn bè cũng như luôn có mặt trong thực đơn tiệc.
Lẩu có nhiều loại, lẩu mắm, lẩu cá (kèo, cá diêu hồng, cá lóc), lẩu hải sản, lẩu Thái, lẩu nấm, lẩu bò, lẩu dê… mỗi loại lẩu có hương, vị khác nhau song đều mang đến những trải nghiệm thú vị về cái ngọt mềm của cá/thịt, cái giòn của rau hay vị đậm đà của nước dùng.
Bánh xèo
Ở Sài Gòn thường thấy hai loại bánh xèo. Một loại được đổ bằng chảo và có bán kính hơn một gang tay (bánh xèo miền Nam), một loại được đổ bằng khuôn và có thể nằm lọt trong lòng bàn tay (bánh xèo miền Trung).
Tuy khác về kích thước, thậm chí là nguyên phụ liệu (bánh xèo miền Nam phong phú hơn), song cách thưởng thức hai loại bánh này tương tự nhau. Đó là đều cuốn chung với rau sống, bánh tráng mỏng và chấm cùng nước mắm nhạt.
Ngoài các cửa hàng, hay các hàng quán dựng tạm, một số thương hiệu để bạn thưởng thức là chuỗi cửa hàng bánh xèo Ăn Là Ghiền (ngon nhất là ở đường Sương Nguyệt Ánh), bánh xèo Mười Xiềm hay bánh xèo ở Cô Ba Vũng Tàu. Có điều giá cả các nơi này nhỉnh hơn nhiều so với các hàng quán khác, song nhờ thế, chất lượng cũng vượt trội hơn.
Thịt bò
Những món ăn từ thịt bò từ nướng, nhúng lẩu, gỏi, xào, tái... đều được nhiều người chọn cho thực đơn của mình, đông đúc nhất là tại các quán lẩu bò, bò beefsteak, bò Tùng Xẻo, bê thui. Ngoài nguyên nhân nhiều đạm, đặc trưng không có chất béo của loại thịt này luôn được các quý cô đánh giá cao trong việc giữ gìn vóc dáng. Các quán bò quen thuộc như bò Ngân Nga, Hỏa Diệm Sơn, Nam Sơn...
Chè
Từ số lượng các xe chè rong ruổi trên mọi con phố, các quán chè có tiếng hay mức độ làm ăn được của hàng loạt các loại chè ngoại (Hoa, Nhật, Mỹ, Thái, Campuchia) có thể thấy đây là món “khoái khẩu” của hầu hết người Sài Gòn từ trẻ đến già, học sinh, hay công chức.
Ngoài các loại chè đơn sắc và truyền thống như chè đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ... hay những món chè rất miền Nam như chè Bà Ba, chè chuối... đừng quên thưởng thức vị cream béo ngậy trong chè Mỹ, vị béo mềm trong chè Nhật, sầu riêng thơm lừng trong chè Thái hay cái tơi mềm của món num-à-pơi (chè bí, Campuchia).
(Theo Zing)