Đáp lại, Malenkov chỉ định Beria làm phó thứ nhất cho mình kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Vị trí Bí thư thứ nhất được dành cho N. Khrushev, người mà Beria xem chỉ ở tầm cỡ nhóm hai. Như vậy, ý đồ của Beria là tập trung quyền điều hành đất nước vào bộ máy chính phủ và giảm vai trò của ban chấp hành trung ương.
Cỗ xe cải cách bắt đầu chạy. Nhưng nó chỉ vận hành được trên dưới 100 ngày, đến 26/6/1953. Lavrentiy Beria khôn ngoan và đầy kinh nghiệm đã quá coi thường Khrushev, và đây là một trong những lý do khiến ông ta sụp đổ. Khrushev lần lượt gặp các ủy viên Đoàn Chủ tịch (Bộ Chính trị) và thuyết phục họ rằng, nếu không loại bỏ Beria thì chính Beria sẽ trừ khử họ.
Lavrentiy Beria |
Tuy nhiên, để bắt giữ êm thấm Beria thì việc triệu tập hội nghị đoàn chủ tịch hoặc hội nghị trung ương để “cho thôi giữ chức” là không ổn. Chỉ còn cách giăng bẫy. Nhưng Beria là bậc thầy trong những việc như thế, nên phải tìm cách nâng quá trình giăng bẫy thành nghệ thuật.
Vận may đã đến khi Beria được phái sang CHDC Đức giúp nước này ổn định tình hình đang trở nên căng thẳng, do những hoạt động chống chính phủ gia tăng ở Đông Berlin. Luôn cẩn thận và hay nghi ngờ, nhưng lần này Beria lại không hề đánh hơi thấy mối nguy hiểm đang đến.
Trong khi Beria đang ở Berlin thì ở nhà mọi công việc chuẩn bị đã được tiến hành. Một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn được tổ chức. Sư đoàn bộ binh cơ giới Syberia được điều về Moscow, nhiều tướng lĩnh quan trọng được triệu tập. 9h sáng 25/6/1953, Bộ trưởng Quốc phòng N. Bulganin phổ biến cho Tư lệnh quân khu thủ đô Moskalenko kế hoạch bắt giữ Beria và yêu cầu ông này tiến hành mọi công tác chuẩn bị.
Sáng 26/6, Beria trở về Moscow. Từ sân bay, chiếc xe sang trọng đón Beria lướt nhẹ dọc phố phường Moscow rồi tiến về cổng Kremlin. Trước sự ngạc nhiên của trùm an ninh, người ra đón ông là Mikoyan giải thích rằng các uỷ viên đoàn chủ tịch đã có mặt, chờ nghe Beria tường trình kết quả chuyến đi. Không một chút nghi ngờ, ông ta bước vào phòng họp.
Cũng trong sáng 26/6, tại phòng họp của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Malenkov với sự có mặt của Molotov, Bulganin, Suslov, Breznhev.., Khrushev giao nhiệm vụ cho Nguyên soái Zhukov cùng một số sĩ quan, tướng lĩnh vào phòng họp bắt giữ Beria theo hiệu lệnh. Việc vô hiệu hoá đội bảo vệ của Beria được giao cho Serov (sau này là Chủ tịch KGB).
Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Trong khi phiên họp đoàn chủ tịch đang diễn ra, thì một tiếng chuông vang lên. Nhóm tướng lĩnh do Nguyên soái Zhukov đứng đầu tiến vào phòng họp. Malenkov hướng về phía Zhukov đề nghị bắt giữ Beria. Zhukov tiến đến chỗ Beria và tuyên bố trùm an ninh đã bị bắt.
Beria chưa kịp đứng dậy thì Zhukov đã bẻ quặt tay ông ta ra sau lưng và xốc nách kéo dậy. Beria không mang theo vũ khí. Trong cặp của ông ta chỉ có tờ giấy viết mấy chữ: “Báo động, báo động, báo động”. Rất có thể, trong quá trình hội nghị Beria đã cảm thấy sự nguy hiểm đang đến gần và viết những dòng chữ này để chuyển ra ngoài cho đội bảo vệ.
Sẩm tối, Beria được đưa về giam tại boong-ke của quân khu thủ đô. Đầu tháng 7, Beria bị đưa ra khỏi trung ương và khai trừ khỏi Đảng; đầu tháng 8, bị bãi miễn tư cách đại biểu Xô-viết Tối cao Liên Xô; bị cách chức Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Nội vụ, tước bỏ mọi danh hiệu và phần thưởng.
Ngày 16/12/1953, dưới sự chủ trì của Nguyên soái Konev, phiên tòa xử Beria và đồng phạm được bắt đầu. Không lâu sau, toà đặc biệt của Toà án Tối cao Liên Xô kết án Beria cùng 6 đồng phạm với hình phạt cao nhất: xử bắn, tịch thu toàn bộ tài sản, tước bỏ mọi phần thưởng và cấp bậc quân hàm. Bản án được thi hành ngay trong ngày 23/12/1953.
Nguyên Phong
Hai mặt sáng tối của cuộc đời một trùm an ninh Liên Xô
Ngày 7/12/1938, Lavrentiy Pavlovich Beria được chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô (gồm cả KGB danh tiếng sau này).
Vũ khí bí mật giúp Liên Xô nhanh chóng thành cường quốc
Lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin từng đưa ra một khẳng định nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản bằng chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”.