Ngày 15/3, chị Đỗ Thị Hoa (SN 1980, Thường Tín, Hà Nội) và chồng là anh Nguyễn Quang Khải (SN 1974) đưa con trai Nguyễn Hoàng Bách (SN 2009), sang Singapore để phẫu thuật mắt.
Ngày 28/3, kết thúc đợt điều trị, gia đình chị mua vé về vào ngày 30/3 nhưng bị hủy chuyến.
Chị Hoa cho biết: ‘Không ai muốn phải ra nước ngoài để chữa bệnh tật. Hai vợ chồng tôi là công nhân viên chức (chị Hoa công tác tại nhà máy bia, chồng làm ở một khách sạn), kinh tế không dư giả nhưng vì sức khỏe của con, chúng tôi không thể không đi’.
Theo chị Hoa, khi con trai được 20 tháng tuổi, chị phát hiện con có vấn đề về mắt. Từ đó đến nay, gia đình chị thường xuyên đưa con đi khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Tháng 7/2019, Bách bị bong toàn bộ võng mạc, các bác sĩ cho biết, em có thể bị mù vĩnh viễn một bên mắt.
Thương con, ‘còn nước còn tát’, vợ chồng chị Hoa lên mạng tìm kiếm thông tin. Anh chị quyết định cho con sang Singapore để chữa trị. Nhờ người quen tại đây kết nối với bệnh viện, trong thời gian ngắn, gia đình đã mua vé, làm hộ chiếu… để đưa Bách sang nước ngoài thực hiện phẫu thuật.
Gia đình chị đã từng ở Singapore 21 ngày để con được phẫu thuật. Sau phẫu thuật lần 1, bác sĩ hẹn 1 tháng, Hoàng Bách phải quay lại để tái khám. Tháng 2/2020, đến lịch con phải mổ lần 2 nhưng lo ngại trước dịch Covid-19 bùng phát, gia đình chị đã hoãn việc sang Singapore.
‘Chúng tôi đợi nắng ấm, tình hình dịch ổn định mới đưa con sang để phẫu thuật tiếp. Tuy nhiên đến tháng 3/2020, bác sĩ cho biết không thể để lâu hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến mắt của con. Chúng tôi bắt buộc phải sang Singapore’.
Ngày 15/3, hai vợ chồng chị cùng con lên máy bay. Ca mổ lần 2 tháo dịch của Hoàng Bách may mắn diễn ra thành công, ổn định. Gia đình chị đặt vé về vào ngày 30/3 nhưng bị hủy chuyến.
‘Ở lại đây, chi phí rất đắt đỏ, tốn kém. Mọi thứ đã vượt khỏi tầm tay của chúng tôi’, người phụ nữ này nói.
Chi phí ca mổ của Bách khoảng 8.000- 10.000 USD. Ngoài ra, kèm theo đó là chi phí ăn ở, sinh hoạt… Tuy nhiên lần mổ này rơi vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nên càng nhiều khó khăn.
Vợ chồng chị Hoa và con trai |
Bệnh viện cũ nơi Bách phẫu thuật lần 1 phải dành để chữa trị bệnh nhân nhiễm virus. Hoàng Bách phải mổ tại một bệnh viện đắt hơn, chi phí vì thế bị đội lên 5.000 USD. Vì chưa thể quay về nên gia đình chị cũng phải lo tiền để gia hạn visa.
‘Ngoài tiền ăn ở, chúng tôi phải mua thêm thuốc men, bông băng, nước muối sinh lý… để con vệ sinh mắt. Trải qua phẫu thuật, con cần được ăn thêm hoa quả, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng mới có thể hồi phục. Nên dù bố mẹ có ‘nhịn ăn nhịn mặc’ cũng phải đảm bảo cho con’, chị nói.
Theo chị Hoa, để chữa bệnh cho con, từ 2019 đến nay, gia đình đã phải chi 1 tỷ đồng. Trong đó, một phần do vợ chồng chị tích góp, phần còn lại vay mượn và nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, công ty.
Tuy nhiên, lần đi này, do sự cố phát sinh, phải lưu trú thêm ngày, tiền anh chị mang theo đã cạn. Vợ chồng chị Hoa vừa nhờ gia đình vay mượn thêm người nhà ở Việt Nam gửi sang 80 triệu đồng để trang trải những ngày ở nước người.
‘Đọc những bình luận chỉ trích việc sang Singapore chữa bệnh rồi để bị kẹt lại, chúng tôi buồn lắm. Không ai muốn con có bệnh, phải bỏ hết công việc ở nhà để sang nước ngoài cả.
Chúng tôi cũng không muốn đi đông để tốn kém nhưng cuộc phẫu thuật rất quan trọng. Một người phải chăm sóc con (mỗi ngày Bách phải nhỏ 5, 6 loại thuốc, có loại cách 1 tiếng/lần, có loại cách 2 tiếng/lần; vệ sinh mắt …). Người còn lại phải lo cơm nước, thủ tục bệnh viện’, chị nói thêm.
Hiện, trong thời gian vợ chồng chị và con trai sang Singapore, ở nhà con trai 5 tuổi của anh chị phải gửi ông bà chăm sóc.
‘Ngày bố mẹ đi, con trai bảo: ‘Con chỉ cho mẹ đi 2 ngày thôi đấy’. Cháu bé quá, có biết 2 ngày là thế nào đâu. Nay chúng tôi chưa về được, mỗi lần gọi điện, con lại hỏi: ‘Sao 2 ngày của mẹ lâu thế?’, chị Hoa bật khóc.
Gia đình chị Bùi Thị Kim Giang (Lâm Đồng) cũng có người đang bị bệnh phải ở lại Singapore. Bố chồng chị là ông Nguyễn Tri Hùng (64 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Đức (58 tuổi) sang bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) điều trị bệnh ung thư phổi cho ông Hùng từ ngày 9/2 đến ngày 24/3 thì xong việc. Nhưng vì tình hình dịch bệnh, chuyến bay đã mua vé ngày 25/3 của ông bà bị huỷ.
Chị Giang chia sẻ, khi gia đình quyết định cho bố chị sang nước ngoài chữa bệnh là cũng xác định sẽ tốn kém tiền bạc. Vì thế, việc bị mắc kẹt thêm nửa tháng, phát sinh các chi phí ăn ở, sinh hoạt gia đình vẫn cố gắng chi trả được. Nhưng vấn đề mà gia đình lo ngại hơn là ông bà đã cao tuổi. ‘Trong quá trình sinh hoạt ở bên đó, cũng có lúc bà phải ra ngoài mua đồ ăn, nhu yếu phẩm. Nếu chẳng may ông bà bị nhiễm bệnh thì tình hình sẽ rất căng thẳng’.
‘Hơn nữa, ông vừa mới xạ trị xong, đang rất yếu. Bác sĩ dặn về nhà bồi dưỡng cho ông ăn uống nhưng đồ ăn bên đó lại không hợp khẩu vị. Ông không ăn được nhiều. Chưa kể, ông bà không biết tiếng Anh nên sinh hoạt có nhiều bất tiện’.
Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Giang là gia đình anh Dương Văn Long (Bắc Ninh). Anh Long và mẹ đưa bố anh là ông Dương Văn Năm (63 tuổi) sang Singapore điều trị bệnh ung thư vòm họng từ ngày 5/2.
Sau 7 tuần chữa trị, đến ngày 28/3, ông Năm đã hoàn thành đợt điều trị. Nhưng vì các chuyến bay bị hoãn nên 3 người nhà anh phải ‘ăn đợi nằm chờ’ ở khách sạn hơn 10 ngày nay.
Anh Long cho biết, hiện tại ở cùng khách sạn với anh có khoảng hơn 100 người Việt sang chữa trị, đã hoàn thành điều trị nhưng chưa được về.
'Sức khoẻ bố tôi hiện tạm ổn nhưng có những người khó khăn hơn vì đã hết hạn lưu trú, nếu không về sẽ bị phạt’ – anh Long nói.
Chị Ngô Thị Thu Lý (Hà Nội) - một trong số những người đến Singapore điều trị bệnh và đang kẹt tại đây cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Singapore đã phát động chương trình kêu gọi người Việt đang có việc làm ổn định cùng nhau hỗ trợ những người bị mắc kẹt.
Cụ thể, nhóm kêu gọi hỗ trợ chỗ ở, quyên góp tiền hỗ trợ vé máy bay cho những hoàn cảnh khó khăn, cung cấp suất ăn…
257 công dân Việt bị kẹt ở Singapore vì Covid-19: Đồng bào đùm bọc ngày khốn khó
Nhiều lao động người Việt bị mất việc, cắt thẻ trong số 257 công dân Việt bị kẹt ở Singapore rơi vào cảnh không chỗ ở, có thể bị phạt tù đã được cộng đồng người Việt ở đây hỗ trợ lúc khó khăn, chờ ngày hồi hương.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo