Chỉ trong khoảng 30 phút giao dịch đầu tiên sáng 1/4, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) của ông Dương Công Minh tiếp tục hút một lượng tiền lớn với khoảng 6 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá khoảng 130 tỷ đồng.
Đây là một phiên diễn biến tích cực hiếm thấy tiếp theo với cổ phiếu Sacombank.
Trong phiên 31/3, Sacombank ghi nhận gần 57 triệu cổ phiếu được giao dịch. Còn trong phiên liền trước đó, ngân hàng của ông Dương Công Minh ghi nhận giao dịch kỷ lục: 100 triệu cổ phiếu STB được chuyển nhượng chỉ trong một phiên.
Như vậy, có phiên giá trị giao dịch riêng cổ phiếu Sacombank đã lên tới 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm một tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán. Trước đó, STB cũng nghi nhận những phiên giao dịch thỏa thuận với trị lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Tính trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu STB đã tăng gấp khoảng 3 lần, từ mức 7.000 đồng/cp lên trên 21.000 đồng/cp như hiện tại.
Một cổ phiếu khác cũng hút dòng tiền mạnh là: Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển). Trong vài tuần qua, SHB ghi nhận hàng chục triệu cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên, trong đó có những lệnh mua giá trần với khối lượng lên tới 23 triệu cổ phiếu.
Với 4 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu SHB đã tăng thêm gần 40%.
Ông Dương Công Minh (trái) |
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu này trong 4 phiên gần đây cũng gây ấn tượng mạnh tới giới đầu tư, đặc biệt một phiên giao dịch với 80 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng trong tuần trước.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, SHB cũng có cú bứt phá ngoạn mục trong 2 phút với hàng triệu cổ phiếu được đặt mua ở mức giá cao chót vót, giúp cổ phiếu này tăng trần trong nháy mắt và trở thành động lực lớn kéo thị trường đi lên.
Không chỉ SHB của Bầu Hiển, cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank của bà trùm sân golf Nguyễn Thị Nga đã tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong nhóm ngân hàng trên sàn HOSE. Cổ phiếu này tăng kịch trần 6 phiên liên tiếp sau khi chào sàn trong tuần trước. Tổng cộng cổ phiếu SSB đã tăng 67%, từ mức giá tham chiếu 16.800 đồng/cp hôm chào sàn 24/3 lên mức 28.000 đồng/cp như hiện tại.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đã nổi sóng trong những phiên giao dịch gần đây, như LienVietPostBank tăng 3 phiên với khối lượng giao dịch đột biến, Techcombank và HDBank đều có 5 phiên tăng liên tiếp,…
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh và được đánh giá là động lực kéo thị trường chứng khoán chung đi lên. Nhiều mã được đánh giá còn dư địa tốt và giá còn hấp dẫn, có thể là bệ đỡ cho thị trường trong thời gian tới như Vietinbank, ACB, MBBank…
Các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nhà băng báo lãi lớn trong năm 2020 và dự báo tiếp tục lãi cao trong năm 2021.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cảnh báo về việc các ngân hàng phần lớn chưa ghi nhận thêm nợ xấu do dịch Covid-19, chưa phải trích lập dự phòng rủi ro, do đó những kết quả kém tươi sáng hơn chưa được phản ánh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index vượt lên trên ngưỡng 1.200 điểm.
Theo MBS, những nhịp rung lắc là không thể tránh khỏi. Nhìn chung, thị trường với sự dẫn dắt rất mạnh mẽ từ nhóm bluechip đang cho thấy khả năng vượt qua kháng cự 1.200 điểm là rất cao. Thanh khoản trong 2 phiên tăng gần đây cũng rất tốt nếu đem so sánh với giai đoạn chỉ số sideway từ tháng 2 trở đi. Các mã vốn hóa lớn tích lũy dài thời gian qua đang nhập cuộc mạnh mẽ sẽ là yếu tố để thị trường trông đợi cho lần vượt cản này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số VN-Index tăng 5,08 điểm lên 1.191,44 điểm; HNX-Index tăng 5,42 điểm lên 286,67 điểm. Upcom-Index tăng 0,79 điểm lên 81,41 điểm. Thanh khoản đạt 19,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà