Hàng loạt ngôi nhà cổ ở các tỉnh vùng ĐBSCL đang bị lãng quên và ngày càng xuống cấp trầm trọng.
TIN BÀI KHÁC

Lý Nhã Kỳ và những nỗi “oan” phải thanh minh
Bà trùm ma túy bắn súng 2 tay như điệp viên

Ngôn ngữ thô tục: Tân Tây Du Ký bị ngừng chiếu

Kiều nữ Việt và mốt... chồng già

Khám phá chiến đấu cơ trên tàu sân bay TQ


Hàng loạt ngôi nhà cổ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang đậm những nét hoa văn tinh xảo, có giá trị văn hóa lịch sử hết sức quý báu đang bị lãng quên và ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Nhà cổ mất dần

Trên địa bàn TP.Cần Thơ hiện có trên 70 ngôi nhà cổ, trong số đó chỉ có duy nhất nhà cổ “Vườn lan Bình Thủy” được Nhà nước công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp Quốc gia vào năm 2009. Nhưng từ lúc được công nhận là di tích cấp quốc gia, ngôi nhà này vẫn chưa được trùng tu, sửa chữa nên các vách tường, ngói, trần… hiện đang dần xuống cấp.

Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ dãy cổng rào bằng bê tông và khung sắt thiết kế theo kiểu dinh thự Pháp hiện đang gỉ sét, đổ nát... ở mức báo động. Đi kèm theo đó là một số đoạn tường rào và khung sắt có nhiều tiết tấu hoa văn xưa đã bị mất và biến dạng do chính bàn tay con người. Nhiều quán xá, dịch vụ ăn uống được dựng lên tạm bợ xung quanh khuôn viên ngôi nhà, khiến mất đi nét hoài cổ, trang nghiêm của một công trình di tích cấp quốc gia.

Nhà cổ “Vườn lan Bình Thủy” đang ngày một xuống cấp.
Chính vì chưa có giải pháp bảo tồn căn cơ nên hàng loạt ngôi nhà cổ trên địa bàn Cần Thơ hiện nay sắp sửa biến dạng từ nhà cổ thành… nhà cũ. Nằm cách nhà cổ “Vườn lan Bình Thủy” không xa là dãy nhà cổ của anh em họ La. Ngôi nhà này, từ lâu đã được các cơ quan, ban, ngành TP.Cần Thơ “cách tân” sử dụng làm Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Hiện bệnh viện này trông hết sức nhếch nhác. Phần lớn các mái ngói, cổng, cửa ra vào đều đã được sửa chữa, không còn thể hiện được những đường nét cổ kính như thuở xưa…

Còn trong nội ô TP.Cần Thơ, một khu nhà cổ rộng lớn nhiều gian có khuôn viên vuông vức nằm trên đường Phan Đình Phùng từ lâu đã trở thành chốn “pháp đình” để xử án, bây giờ thì nó được dùng làm quán cà phê…

Không chỉ riêng gì ở Cần Thơ nhiều ngôi nhà cổ ở các tỉnh miền Tây hiện đang bị “biến tướng”, cách tân sử dụng để buôn bán, làm quán nhậu, quán cà phê… Như nhà cổ Đại Điền (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), hiện trông rất thê thảm. Mái nhà bị dột nhiều nơi, vách, cột nhà, đòn tay, kèo… đều bị mối mọt gây hại làm mất đi những đường nét chạm trổ tinh xảo của nghệ nhân xưa. Còn ở Tiền Giang, khoảng 250/350 căn nhà cổ đang trong tình trạng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào!

Khó lòng gìn giữ

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hoanh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Nhà cổ ĐBSCL là vốn quý, đặc trưng độc đáo của vùng sông nước châu thổ Cửu Long. Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng mua bán sườn nhà cổ. Đó là chưa kể nhiều nhà cổ bị mất đi theo thời gian hoặc do một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch, chủ nhà muốn thay đổi theo kiến trúc hiện đại hoặc cải tạo theo kiểu nửa Tây, nửa ta.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ĐBSCL hiện có khoảng hơn 1.000 căn nhà cổ. Trong đó tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang với 350 căn, Vĩnh Long 87 căn, Đồng Tháp 79 căn, TP.Cần Thơ 72 căn, Long An 69 căn, Trà Vinh 50 căn...
Bà Trần Ngọc Nga - Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.Cần Thơ, cho biết: “Phần lớn những ngôi nhà cổ hiện nay trên địa bàn đều do người dân chủ sở hữu, tự quản lý. Chúng tôi chỉ biết động viên, thuyết phục người dân để bảo quản, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của người xưa để lại”.

Bài học từ việc bảo tồn khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) là: Muốn bảo vệ nhà cổ, chính quyền phải “xắn tay” đầu tư tiền của và mời các chuyên gia vào cuộc để tư vấn cho chủ nhân của các ngôi nhà. Còn như thực trạng đang diễn ra ở ĐBSCL, di sản quý báu này chưa hề được chính quyền địa phương lên kế hoạch đầu tư bảo tồn mà chỉ phó mặc cho người dân toàn quyền “hành xử” thì tương lai nhà cổ sẽ vĩnh viễn biến mất.

(Theo Dân Việt)