Huyện biên giới Tuy Đức có hơn 17.000 hộ dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44%. Đây là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông và 74 huyện nghèo của cả nước. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hơn 85% số hộ dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đầu năm 2024 còn 18,78%.
Các địa phương tại huyện Tuy Đức vừa kết thúc quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024. Điểm nhấn đặc biệt trong đợt rà soát này là ở xã Quảng Tâm, có tới 90 hộ viết đơn xin tự nguyện ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo, để nhường lại sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, Nhà nước, cho các hộ khó khăn hơn. Đáng nói, trong số này có không ít cụ già hơn 90 tuổi.
Những người cao tuổi nêu gương sáng
Đầu năm 2024, toàn xã Quảng Tâm còn 211 hộ nghèo, 265 hộ cận nghèo. Trong đó, cụ Nguyễn Thị Thêm, ở thôn 1, là người nghèo nhiều tuổi nhất xã. Trong câu chuyện với đoàn cán bộ xã giữa tháng 11, cụ bà liên tục nhắc lại nguyện vọng xin thoát nghèo.
Cụ bà gần 100 tuổi chia sẻ, một mình bà phải nuôi 7 người con sau khi chồng mất sớm. Công việc làm thuê chưa bao giờ đủ chi phí để các con có cơm ăn đầy đủ. Cả gia đình phải ăn sắn, ăn khoai qua ngày. Cái nghèo mãi đeo bám.
Hiện gia đình cụ Thêm đang nhận trợ cấp hàng tháng là 360.000 đồng và có một con bò giống làm vốn sinh kế. Hai năm nay, do gặp vấn đề về xương khớp, cụ Thêm hạn chế đi lại, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, trí nhớ tốt. Cụ bảo, gần 100 tuổi rồi, nguyện vọng lớn nhất là được thoát nghèo, "bởi nghèo mãi thì xấu hổ lắm”.
Con trai cụ chia sẻ, khi biết UBND xã Quảng Tâm tiến hành rà soát, đánh giá hộ nghèo trong năm, cụ Thêm đã động viên con cháu làm đơn để xin thoát nghèo. Do không thể cầm bút, cụ đọc cho con cháu ghi nguyện vọng của mình, sau đó điểm chỉ ở phía cuối lá đơn. Trước khi đơn được gửi đi, ngày nào cụ cũng nhắn con, cháu phải gửi sớm để được thoát nghèo vào cuối năm nay.
Cũng ở tuổi ngoài 90, cùng thôn với cụ Thêm là cụ bà Trần Thị Thật (91 tuổi). Cụ Thật cũng nhờ con cháu viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2024.
Ở xã Kon Đào, huyện Đăk Tô (Kon Tum), câu chuyện của những người cao tuổi xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại sự quan tâm của Nhà nước cho những hộ còn khó khăn khác, đã truyền cảm hứng cho nhiều người.
Mấy năm trước, vợ chồng cụ Nguyễn Tánh (thôn 1) thuộc diện hộ nghèo của xã, mỗi tháng cặp vợ chồng ngoài 80 tuổi này đều nhận được trợ cấp của địa phương, được cấp thẻ BHYT đỡ chi phí thuốc men hàng tháng. Vợ chồng cụ dành dụm, chắt bóp, kết hợp với lao động để nuôi 6 người con ăn học. Đến nay các con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, gia đình còn tự xây dựng được căn nhà cấp 4 kiên cố mà không chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng cụ Tánh kiên quyết xin thoát nghèo.
"Mình có nhà, có chỗ ngủ, nắng mưa không lo, ăn uống đủ bữa, như vậy đã là may mắn hơn nhiều người rồi! Xin được nhường sự quan tâm này đến cho những gia đình khó khăn hơn", cụ Tánh lạc quan nói về "động cơ" xin thoát nghèo. Đồng thời, cụ cũng muốn làm gương cho con cháu, cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên trong cuộc sống.
Tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, vợ chồng ông Tống Văn Nhiên và bà Trần Thị Thoa là một trong những hộ đầu tiên ở thôn 4 làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ông Nhiên năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhận thấy gia đình đã vượt qua giai đoạn vất vả nên đã làm đơn xin thoát nghèo.
Đầu năm 2023, xã Dliê Yang có 121 hộ nghèo và 107 hộ cận nghèo, đến cuối năm đã có 30 hộ thoát nghèo và 35 hộ thoát cận nghèo. Đặc biệt trong đó có 8 hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo. Năm 2024, xã có thêm 4 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong tổng số 12 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ bày tỏ tâm nguyện thoát nghèo là trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân nên viết đơn xin nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ khác đang gặp hoàn cảnh cơ cực hơn.
Không thể là gánh nặng của Nhà nước, địa phương
Trong 90 hộ dân viết đơn xin thoát khỏi diện nghèo năm 2024 của xã Quảng Tâm có 15 hộ nghèo, 75 hộ cận nghèo. Nhiều gia đình trong số này đang nhận sự hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Gia đình chị Vũ Thị Thêm, thôn 5, là một ví dụ. Năm ngoái, nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, địa phương xem xét, đưa gia đình vào diện hộ nghèo, đồng nghĩa với việc hộ này được nhận nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng 2 năm thuộc diện hộ nghèo của xã, bản thân chị Thêm tự cảm nhận đã vô tình trở thành “gánh nặng” cho địa phương.
Do đó, khi sức khỏe tốt hơn, vườn rẫy bắt đầu cho thu nhập, chị chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Cùng đó, chị cũng nhường sự hỗ trợ bò giống cho một hộ dân khác. Để phát triển kinh tế, chị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào vườn sản xuất của gia đình.
Trong khi vẫn còn những hộ dù đủ điều kiện thoát nghèo không muốn ra khỏi danh sách nghèo; một số hộ không đủ điều kiện để xếp loại hộ nghèo nhưng lại muốn trở thành hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách, thì tại không ít bon làng, xã khó khăn ở Tây Nguyên, hàng trăm lá đơn "tự nguyện xin thoát nghèo" đã được gửi tới chính quyền địa phương, trong đó không ít lá đơn của người cao tuổi.
Không chỉ nêu cao tinh thần "tuổi cao gương sáng", họ còn cho thấy bản lĩnh và lòng dũng cảm khi vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng. Bởi ra khỏi diện hộ nghèo sẽ không còn được thụ hưởng những lợi ích từ chính sách ưu đãi. Không ít người thời điểm làm đơn chưa hẳn đã hết nghèo nhưng vẫn viết đơn để có động lực thoát nghèo và cho các hộ khác trong noi theo.
Viết đơn xin thoát nghèo, không hẳn vì cuộc sống của người dân đã quá khá giả, mà bà con Tây Nguyên đã có ý thức chủ động vươn lên, quyết tâm không an phận mãi với đói nghèo bởi với họ "mang danh mãi là hộ nghèo thì xấu hổ lắm". Cùng với đó, bà con cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng, đến những hộ thực sự khó khăn hơn...