Vỡ òa trong niềm vui nước mắt; trút đi gánh nặng đè trĩu tâm tư… là cảm giác của nhân thân chị Huyền, của hàng trăm chiến sỹ Công an Thủ đô và hàng trăm triệu độc giả khi kết quả giám định AND xác định nạn nhân trong vụ thẩn mỹ viện Cát Tường được đăng tải… Chính các giám định viên Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã gỡ nút thắt trong vụ án gây chấn động dư luận này. Và cũng chính họ đã và đang bằng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự đi gỡ những nút thắt đầy bí ẩn trong các vụ án.
1. Tôi đến gặp Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự vào một ngày cuối năm. Ông nói với tôi về công việc của những chiến sỹ kỹ thuật hình sự một cách say mê. Nhờ đó tôi hiểu thêm về công việc của những giám định viên các lĩnh vực: sinh học; dấu vết; ma túy; pháp lý…
Với hàng loạt trung tâm giám định pháp y chuyên ngành trực thuộc cùng đội ngũ giám định viên được đào tạo bài bản và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Viện khoa học hình sự đã có những đóng góp rất lớn trong phòng, chống tội phạm.
Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền tham quan Phòng KTHS Công an Nghệ An. |
Nếu cho rằng giám định viên là những người “đút chân gầm bàn” với những giấy tờ, ống nghiệm, kính hiển vi, máy móc… mới chỉ đúng một phần. Bởi ngoài phần tĩnh, công việc của họ cũng rất động. Giám định viên về ma túy, có khi còn làm trinh sát trong các vụ “đánh án” ma túy; giám định viên sinh học có mặt tại hiện trường các vụ án mạng; giám định viên cháy nổ đi tìm dấu vết ngay cả khi đám cháy vẫn còn nóng hầm hập…
Sơ qua như vậy để thấy, công việc của một chiến sỹ Kỹ thuật hình sự luôn thích ứng với sự phát triển đa dạng của xã hội, với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an. Để có những bản giám định và cũng chính là căn cứ pháp lý để kết tội hoặc trả lại sự thanh sạch cho ai đó, các anh đã làm công việc của mình với sự đam mê của người làm khoa học, với tinh thần nhân dân phục vụ của chiến sỹ Công an.
2. Khi tôi đến Trung tâm Giám định ma túy cũng là thời điểm các giám định viên đang làm việc hết công suất. Không có ngày nghỉ cuối tuần, không có kỳ nghỉ Tết dương lịch kéo dài 4 ngày… Bởi, họ đang chạy đua với thời gian để có những bản kết luận giám định hàm lượng ma túy nhằm giúp cơ quan tố tụng có căn cứ đấu tranh với bọn tội phạm ma túy.
Trung tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, trước đây mỗi năm đơn vị giám định khoảng 500 trường hợp. Nhưng từ tháng 9-2014 đến nay, số lượng giám định tăng đột biến. Bởi thế, cả con người lẫn máy móc đều chạy hết công suất.
Tốt nghiệp khoa Hóa Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), đồng chí Thuận đã trải qua thời kỳ học việc, rồi mới chính thức trở thành giám định viên. Công việc đặc thù, đòi hỏi tất cả giám định viên sự chuẩn xác của người làm khoa học. Anh cho biết, có những lúc gặp phải loại ma túy mới, giám định viên trăn trở rất nhiều.
Thông thường, khi đứng trước tang vật thu giữ, điều tra viên đều đặt câu hỏi: “Đây có phải là ma túy không?”. Giám định viên không chỉ trả lời câu hỏi này, mà còn phải có đáp án “đó là loại ma túy gì? Hàm lượng bao nhiêu?”. Trong trường hợp chất thu được không phải là ma túy, thì phải trả lời đó là chất gì. Với những loại ma túy truyền thống, những giám định viên lâu năm chỉ cần nhìn qua cũng biết loại gì. Nhưng với loại ma túy mới, nhất là những loại chưa có trong danh mục được Chính phủ quy định thì rất “khó nhằn”.
Khi đó, giám định viên phải đọc tài liệu, phải nghiên cứu về tình hình ma túy quốc tế, phải kết hợp với đồng nghiệp trong và ngoài nước rồi phân tích để đưa ra một cái chuẩn… Và qua rất nhiều khâu, nhiều sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành trong nước, quốc tế để có căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền đưa vào danh mục ma túy.
Những năm gần đây, ma túy tổng hợp được sản xuất, buôn bán, sử dụng khá phức tạp. Trên “thị trường” liên tục xuất hiện những loại ma túy tổng hợp mới. Và các “nhà sản xuất: trước khi tung ra “thị trường” sản phẩm mới thường thăm dò bằng cách cho thêm hoạt chất ma túy mới cùng với 3-4 loại cũ để cho ra thành phẩm.
Sau một thời gian thấy “thị trường” chấp nhận, chúng mới sản xuất đơn chất hàng loạt. Thế nên, khi nhận được trưng cầu giám định những loại ma túy mới, các giám định viên phải xác định rõ thành phần và chứng minh được, đây là việc làm có mục đích chứ không phải vô tình.
Vụ Dương Kim Dũng, ở Hải Phòng sản xuất ma túy tổng hợp được cơ quan Công an bắt giữ cho thấy, “nhà sản xuất” “quyền” rất to bởi đã quyết định: loại ma túy, hàm lượng ma túy và cả số lượng chất độn trong thành phẩm. Dũng nhập lậu ma túy tổng hợp từ nước ngoài về rồi dùng công nghệ hô biến từ một thành năm viên.
Để biến từ một thành năm đương nhiên phải có chất độn để trong lượng mỗi viên không thay đổi. Còn hàm lượng ma túy trong mỗi viên dẫu có thay đổi thì dân chơi chẳng thể nào biết được chính xác mà việc này phải nhờ đến các giám định viên. Siêu lợi nhuận của các “nhà buôn” cái chết trắng từ đó mà ra.
Giám định viên cháy nổ tác nghiệp tại vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương. |
Giám định viên ma túy không chỉ là người xác định được từng loại ma túy, hàm lượng, định lượng mà đôi khi chính họ còn phác họa nên quá trình sản xuất ma túy. Còn nhớ năm 2010, cơ quan điều tra phá một vụ án sản xuất ma túy tổng hợp quy mô lớn ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ tài liệu, mẫu tiền chất thu được tại hiện trường và thành phẩm, cơ quan giám định đã dựng lên phương pháp sản xuất. Đây là việc rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc giúp cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy đấu tranh với nạn sản xuất, buôn bán ma túy tổng hợp.
Cũng vì say nghề, vì đặc thù công việc mà đôi khi giám định viên ma túy cũng bị …say ma túy. Điển hình phải kể đến lần các anh tham gia khám phá kho tàng trữ 200 bánh heroin của Tàng Keangnam. Dù đeo găng tay, khẩu trang nhưng mùi ma túy, bụi ma túy vẫn thâm nhập vào cơ thể khiến giám định viên bị chóng mặt, váng đầu, đắng miệng. Mặc dù đôi khi bị những cơn say bất đắc dĩ nhưng hơn ai hết, chính các giám định viên biết tác hại của ma túy đối với hệ thần kinh, với sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Những bản kết quả giám định là căn cứ kết tội trong các vụ án buôn bán ma túy của các anh góp phần không nhỏ trong việc đấu tranh cũng như bài trừ tệ nạn ma túy.
3. Tôi vừa bước vào phòng thì Thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó giám đốc trung tâm Giám định pháp lý cho biết, anh vừa đi Hải Phòng về. Hóa ra, anh tham gia khám nghiệm vụ khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng. Cũng chính anh là người đã nỗ lực để tìm ra nguyên nhân cháy một cách chính xác trong thời gian ngắn nhất có thể.
“Họ hàng, gia quyến có nguyện vọng, sau khi tổ chức lễ tang sẽ đưa vong về. Nếu tôi không kết thúc sớm việc giám định, thì mong muốn đưa vong linh cả gia đình xấu số này về chính ngôi nhà của họ sẽ không thực hiện được”, anh Nội cho biết.
Tìm dấu vết để xác định nguyên nhân gây cháy trong các vụ lửa đã thiêu trụi mọi thứ quả là khó như…giám định cháy. Thế mà các anh vẫn phải tìm ra “hạt vàng” trong đống tro tàn để tìm nguyên nhân gây cháy. Ví như vụ cháy ở Hải Phòng rạng sáng 29-12-2014, khi giám định viên đưa ra kết luận về nguyên nhân gây cháy đã loại trừ được nghi vấn gia đình này bị sát hại. Việc này không chỉ giúp cơ quan Công an trong việc điều tra mà còn ổn định dư luận, trấn an thân nhân của những người xấu số.
4. Tìm hiểu công việc của các chiến sỹ Kỹ thuật hình sự, tôi thấy rất thú vị. Là những người trực tiếp giải mã các vụ án, chẳng thế mà các anh đều rất yêu và hứng thú với công việc này. Tình yêu nghề, lòng tự trọng nghề nghiệp chính là động lực khiến các anh luôn vượt qua “chướng ngại vật”. Chính các anh đã góp phần tạo nên những chiến công của lực lượng Công an khi thực hiện sứ mệnh đem lại sự yên bình cho nhân dân.
(Theo Công an nhân dân Xuân Ất Mùi)