Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ chính là sức mạnh, tài sản vô hình của mỗi quốc gia.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là với thế hệ trẻ kiều bào.

Đây chính là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, các cộng đồng với nhau. Chính vì vậy, việc giữ gìn, nuôi dưỡng và phát triển tiếng Việt là điều cần thiết, rất quan trọng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là với thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

W-tap-huaasd-tieng-viet-2.jpg
Một buổi tập huấn cho các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. 

Nhiều năm qua, đã có nhiều cô giáo không chuyên vẫn thầm lặng "gieo chữ" đưa tiếng Việt đến với thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài, thậm chí các cô còn dạy cho cả người bản địa, người nước ngoài vì họ thích tiếng Việt Nam.

Chị Viengkeo Douangchaleun (40 tuổi) là một doanh nhân người Lào gốc Việt. Từ sự đau đáu với việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các con cũng như các bạn trẻ gốc Việt sinh ra ở Lào, chị đã xin phép chùa Phật Tích và Hội người Việt Nam ở Thủ đô Vientiane để mở các lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại chùa.

Lớp học không chỉ trở nên nổi tiếng trong cộng đồng con em kiều bào mà còn thu hút cả những người Lào yêu thích tiếng Việt hoặc muốn học để chuẩn bị đi Việt Nam du học, làm việc.

Vì không có nghiệp vụ sư phạm nên ban đầu chị Huyền tự tìm hiểu các kỹ năng dạy tiếng Việt trên mạng. Nhờ sự trợ giúp của một vài người bạn, chị đã có thể mua các giáo trình trực tuyến để nghiên cứu và áp dụng vào lớp học.

Sau một thời gian, lớp học được Đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane quan tâm hỗ trợ các giáo trình chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng gửi tặng lớp học rất nhiều sách học tiếng Việt.

Với học viên là người Lào, chị thường dạy đánh vần, đọc và phân tích ý nghĩa của những đoạn văn miêu tả về nhiều địa danh nổi tiếng và nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Với học viên là con em kiều bào, chị giới thiệu về lịch sử của đất nước bằng cách lồng ghép vào các bài học, bài giảng qua những trang sử hay bài ca, tiếng hát.

“Tiếng Việt bao gồm cả tiếng nói và chữ viết là di sản văn hóa, lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định, những năm vừa qua phong trào dạy và học trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Lào, đã lan tỏa rộng khắp, tạo ra được sự kết nối giữa mọi người, mọi thế hệ và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Là học viên của khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, chia sẻ về cơ duyên để bà tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm Việt ngữ Âu Cơ ở Mỹ, bà Lê Thị Thanh Tùng, 67 tuổi, kiều bào đang sinh sống tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ), cho biết: Trước khi sang Mỹ, bà từng là giáo viên. Năm tháng sống xa quê hương, bà Tùng đã tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm Việt ngữ Âu Cơ.

Tại đây, bà không chỉ dạy tiếng Việt cho con em trong các gia đình người Việt mà còn có nhiều học trò là người Mỹ. Bà phụ trách các lớp mẫu giáo, giúp các em nhỏ phát âm và làm quen dấu câu bằng các bài hát. Khi về hưu, bà duy trì các lớp dạy kèm cho trẻ em lớp 6 và 7, coi đó không chỉ là công việc mà là trách nhiệm của người con xa quê, gìn giữ phát huy và truyền lại nét đẹp của tiếng Việt cho thế hệ trẻ sau này. 

Cũng giống như bà Lê Thị Thanh Tùng, cô Trần Thị Hồng Hạnh, kiều bào tại Đài Loan, bày tỏ: “Giữ gìn tiếng Việt chính là giữ gìn hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc. Yêu tiếng Việt chính là yêu văn hóa Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam. 

Tại Đài Loan, chúng tôi có những lớp học hoàn toàn miễn phí, các giáo viên cũng có những người không chuyên về sư phạm nhưng với tình yêu Tổ quốc và mong muốn đóng góp vào công cuộc bảo tồn Tiếng Việt, mọi người đều tình nguyện dạy với tất cả tâm huyết của mình. Chúng tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức mình hoàn thành trọng trách này”. 

Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chia sẻ: “Văn hóa và ngôn ngữ là sợi dây thiêng liêng gắn kết bà con xa xứ với tổ tiên, dân tộc.

Đối với kiều bào trẻ thế hệ 2, 3, 4 - tương lai của cộng đồng người Việt ở nước ngoài - thì sợi dây này càng cần củng cố hơn nữa vì thực tế họ không thể gắn kết với quê hương như ông bà, cha mẹ.

Ngôn ngữ cũng góp phần thôi thúc tình yêu và mong muốn đóng góp cho quê hương. Đây là nền tảng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp giữa sức mạnh cộng đồng người Việt ở nước ngoài với nhân dân trong nước. Tôi có thể nói rằng tiếng nói và văn hóa dân tộc sẽ tạo nên vị thế của Việt Nam trên khắp các châu lục”.

Đồng bào và kiều bào ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đồng bào và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam, gắn bó với quê hương, đồng thời xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.

Văn Hùng và nhóm PV, BTV