Chẳng nhẽ cứ nghèo mãi

Từ Đông Hà, thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị, theo quốc lộ 9 đến với Hướng Lập - xã nghèo nhất huyện Hướng Hóa, nơi tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 47% dân số.

Ở địa phương có cột mốc biên giới với nước bạn Lào, phía bắc giáp Quảng Bình, Hướng Lập có 90% dân số là bà con dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn, khó tiệm cận với thế giới bên ngoài vì nhiều rào cản của núi rừng trùng điệp và tập tục văn hóa.

Vậy nhưng, bà con nơi đây không ngừng nỗ lực vươn lên để thoát đói, giảm nghèo. 

Bà Hồ Thị Chưng (48 tuổi, trú tại bản A Xóc - Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là một trong số những người phụ nữ như thế.

{keywords}
Bà Hồ Thị Chưng.

Từ ngày chồng mất, mấy mẹ con bà chỉ có một ngôi nhà sàn mái lợp fibro ximăng, quanh nhà thưng bằng gỗ tạp.

Các con còn nhỏ, nên mọi việc đều một tay bà quán xuyến. Vừa xong thủ tục chôn cất chồng, bà Chưng đã vác cuốc lên nương để lo miếng ăn cho các con. Cuộc sống khó khăn, như vậy, gia đình bà được địa phương tạo điều kiện cho vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Chăm chỉ làm là thế nhưng cuộc sống của mấy mẹ con bà suốt mấy năm qua cũng chằng khấm khá. Các con bà đã lớn để dựng vợ, gả chồng. Mặc dù vẫn phải thức khuya, dậy sớm mới đủ ăn nhưng bà Chưng vẫn quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo.

Bà tâm sự, “Tôi vẫn nghèo nhưng muốn xin ra hộ nghèo để nhường suất này cho người khó khăn hơn, những người có con đang ở tuổi ăn học để các cháu được đến trường".

Việc ra hộ nghèo sẽ khiến bà phải làm nhiều hơn để có khoảng 5 ngàn đồng chi trả tiền điện mỗi tháng. Những chính sách về vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ gạo vào mỗi dịp tết… cũng gần như không còn. Thế nhưng, bà vẫn kiên quyết xin ra bởi, “chẳng nhẽ cứ để mình nghèo mãi”.

Tại xã Hướng Lập, có hai người phụ nữ khác cũng xin thoát nghèo là chị Hồ Thị Lý (trú tại bản A Xóc - Cha Lỳ) và chị Hồ Thị Xoan (thôn Cù Bai). Chị Lý và chị Xoan cũng hoàn cảnh như bà Chưng, đều đơn thân, một mình nuôi con và suốt ngày bám rẫy trồng củ sắn, trồng lúa.

Chị Hồ Thị Lý chia sẻ, “tôi xin thoát nghèo vì muốn làm gương cho các chị em phụ nữ khác trong xã noi theo. Trước khi muốn thoát nghèo thì trước hết phải suy nghĩ làm thế nào để mà thoát nghèo. Bằng cách tích cực chăn nuôi gà, lợn, dê và tăng diện tích trồng trọt như trồng gừng, trồng sắn và ngô”.

Thoát nghèo từ thay đổi nhận thức

Để thoát nghèo, hơn 10 năm trước chính quyền địa phương đã hỗ trợ, bà Chưng cùng nhiều hộ dân tại đây trồng cây bời lời. Sau nhiều năm thực hiện, cây bời lời mang lại lợi nhuận cao, được báo chí và chính quyền địa phương xem là chìa khóa để thoát nghèo.

{keywords}
Nhiều hộ dân xã Hướng Lập được hỗ trợ để trồng cây bời lời.

Nói là có lợi nhuận nhưng cả Hướng Lập chỉ có khoảng 700 ha đất được phép trồng trọt, còn lại hơn 15.000 ha rừng phòng hộ và khu bảo tồn. Với đất canh tác ít, lợi nhuận từ cây bời lời mang lại cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống ngay tại thời điểm đó. Người dân cũng không dư giả gì.

Một thời gian ngắn, số hộ trồng bời lời ngày càng tăng, tại nhiều nơi, cây bời lời bắt đầu thu hoạch. Giá thành rớt thảm. Vỏ bời lời khô từ giá 25 ngàn đồng xuống còn 5 ngàn đồng mỗi cân.

Người dân nóng ruột vì thiếu đất trồng trọt, người dân chặt bỏ cây bời lời để trồng cây khác.

Để bắt đầu việc thoát nghèo, bà tiếp tục vay ngân hàng để trồng tràm. Tuy nhiên ở vùng đất sỏi đá này,  người trồng tràm mất khoảng 10 năm mới thu hoạch, bà Chưng cho biết có hai mục tiêu của bà gắn với rừng tràm này, đó là trả nợ ngân hàng và cưới vợ cho con.

Ông Hồ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho rằng, nếu như xác định hộ nghèo, chị Chưng vẫn là một trong những hộ nghèo nhất bản, gia đình khó khăn, nợ ngân hàng, nhà cửa rất nát. Nhưng với hành động chị xin ra hộ nghèo thì đáng được tuyên dương, là động lực để cho những hộ dân khác phấn đấu vượt nghèo.

“Người dân làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo khi họ đang thực sự nghèo, chúng tôi mừng vì họ đã thay đổi nhận thức nhưng cũng thấy xót lắm. Khi họ đã ý thức muốn tự thay đổi cuộc sống, chính quyền sẽ phương tiếp tục tìm tòi những sinh kế mới để đưa bà con thoát nghèo bền vững”, ông Sơn nói.

Có thể thấy, những hộ gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa là những tấm gương sáng của lòng tự trọng. Đó cũng là hành động đẹp thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng, với những hoàn cảnh thực sự khó khăn, thiếu thốn.

Hi vọng, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo sẽ ngày một nhiều lên, được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Góp phần loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi nghèo này.

Văn Thường
Ảnh: Thu Hà