Tình thầy trò đong đầy

Năm 2011, khi được phân công về Yên Bái giảng dạy, tôi đã hình dung được rất nhiều gian khó đang chờ mình ở phía trước. 

Điều an ủi lớn nhất ở nơi khó khăn trăm bề cộng với thời tiết khắc nghiệt, đỉnh núi quanh năm mờ sương là tình người luôn đong đầy. Các em học trò rất hồn nhiên và đáng yêu, nhưng vì bố mẹ bận rộn vất vả nên các em chưa được quan tâm đầy đủ. 

Nhiều gia đình không muốn cho con đi học để ở nhà trông em, làm nương phụ bố mẹ. Để các em được đến trường, chúng tôi phải chia nhau đến từng nhà vận động, ghé thăm mỗi ngày để vừa nhắc nhở, vừa chia sẻ cùng những khó khăn của các gia đình. 

Lớp học miền cao sĩ số rất ít, độ tuổi và trình độ lại không đồng đều. Càng dạy, chúng tôi càng gặp nhiều học sinh yếu, mất căn bản về kiến thức. 

Thế là lớp dạy phụ đạo buổi tối rèn viết chữ, khả năng tính toán, tập đọc cho học sinh yếu, tiếp thu bài chậm ra đời. Thầy cô góp sức, nhà trường tạo điều kiện về phòng học và ánh sáng. 

Thấm thoắt, chúng tôi đã duy trì dạy phụ đạo buổi tối được hơn 3 năm nay, trung bình mỗi thầy cô dạy khoảng 3 buổi tối/tuần. Nhờ vậy mà những buổi dạy chính khóa các em tiếp thu bài rất nhanh, theo kịp các bạn trong lớp. 

Các em học trò rất hồn nhiên và đáng yêu

Những ánh sao đêm

Cứ đến khoảng 6 giờ tối là lúc hàng chục em học sinh bắt đầu í ới gọi nhau đội đèn pin, cắp sách đến lớp. Trong đêm thanh vắng của núi rừng, trong ngôi trường nhỏ bé ánh đèn lại hắt ra từ cửa sổ các lớp học. Hình ảnh các thầy cô cầm tay nắn nót cho các em những chữ cái đầu tiên đã thắp lên biết bao hy vọng, mơ ước cho tương lai tươi sáng.

Có những buổi tối mùa đông, mưa phùn rả rích, trời rất lạnh, học sinh của chúng tôi vẫn kiên trì đến lớp, ngồi nhẫn nại làm từng bài toán, luyện từng nét chữ, khiến người đứng lớp như tôi không khỏi xốn xang, hạnh phúc. 

Cố gắng tận dụng những buổi tối, chúng tôi hướng dẫn lại cho các em bài tập toán đơn giản, đặt câu, viết đoạn ngắn, thậm chí dạy cả cách đánh vần cho học sinh bị mất căn bản.

Thi thoảng, các thầy cô lại góp chút tiền lương xuống khu chợ phiên mua chút quà cho các em. Chỉ có ít bánh kẹo đơn sơ nhưng các em rất phấn khởi, tinh thần học tập bọn trẻ lên cao hẳn.  

Tôi nhớ mãi trường hợp của một cậu học trò vốn rất nhút nhát, sức học tương đối chậm. Cậu bé có vẻ ngoài đen nhẻm, hay mở to mắt rụt rè nhìn mọi người ấy đã tham dự lớp học phụ đạo của tôi suốt vài tháng, nhưng không thấy tiến bộ nên nản lòng định nghỉ. 

Dù đã nhờ các em ở cùng bản trong “nhóm quen” động viên đến trường, nhưng cậu bé vẫn không có ý định tiếp tục học. 

Tôi quyết định tới nhà gặp em. Cuối buổi học, tôi men theo con đường mòn quanh co đến nhà cậu bé. Nhà em nằm dưới chân núi. Bố mẹ em là người đồng bào miền núi nên không để ý việc đến trường của con mình. 

Nói chuyện với phụ huynh xong, tôi nán lại hỏi han em: “Sao con không đến lớp phụ đạo?”. 

Em lắc đầu: “Bố mẹ không cho, bảo về trông em. Con học yếu nên sắp tới sẽ nghỉ luôn”.

"Nếu không đến trường, sau này con sẽ không có hiểu biết, chẳng thể tìm việc ở thành phố như mong muốn. Con đã từng vẽ một bức tranh về giấc mơ được làm việc ở Hà Nội nộp cho cô vào tháng trước. Con có nhớ không?".

Cậu bé rưng rưng nước mắt không đáp. 

Thương trò, tôi quay lại cố gắng thuyết phục bố mẹ em. Cuối cùng, họ cũng nhận ra muốn thay đổi cuộc sống quẩn quanh trước mắt, phải cho con cái học tập. Cậu bé đã được quay lại trường, tiếp tục kiên nhẫn đến lớp phụ đạo cùng các bạn. Cuối năm học ấy, cậu bé lên lớp 5. 

Từ câu chuyện của cậu học trò người đồng bào, cá nhân tôi nhận ra việc, với học sinh yếu không chỉ có mỗi nhiệm vụ truyền đạt tri thức, mà cần thực sự gần gũi, chia sẻ động viên và thấu hiểu.

Cũng bởi, xét cho cùng mục đích giáo dục học sinh, vẫn là tạo dựng tương lai phía trước cho các em. 

Trần Thiên Nhất

Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Có học sinh dốt thật không?", mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả.

Địa chỉ email của chúng tôi: bangiaoduc@vietnamnet.vn

Xin chân thành cảm ơn!