AP đưa tin, 4 bệnh nhân đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, có tên mRNA-1273 tại Viện nghiên cứu y tế Kaiser Permanente ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ hôm 16/3. Vắc-xin này không thể gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, nhưng chứa một mã di truyền vô hại được sao chép từ virus gây bệnh.
Jennifer Haller (trái) đang nhận phát tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên hôm 16/3. Ảnh: AP |
Người đầu tiên tình nguyện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là Jennifer Haller, 43 tuổi, một bà mẹ 2 con cư trú ở Seattle. Nói về quyết định của mình, cô Haller mô tả đây là "cơ hội đáng kinh ngạc" để bản thân làm việc gì đó hữu ích cho cộng đồng.
Các nhà khoa học thế giới đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu, điều chế vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Tổ chứ Y tế thế giới (WHO) thống kê, hiện có hơn 20 doanh nghiệp, tổ chức và phòng thí nghiệm trên khắp toàn cầu đang tham gia vào quá trình này.
Theo BBC, cuộc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên người, do Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ tài trợ, đã bỏ qua một thủ tục kiểm tra thông thường nhằm đảm bảo chế phẩm có thể tạo ra phản ứng miễn dịch ở động vật. Tuy nhiên, Moderna Therapeutics, công ty công nghệ sinh học đứng sau thử nghiệm quả quyết, vắc-xin được tạo ra thông qua một quá trình thử nghiệm và kiểm nghiệm kỹ lưỡng.
Tiến sĩ John Tregoning, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London (Anh) khẳng định: "Vắc-xin này sử dụng công nghệ có sẵn. Vắc-xin được sản xuất theo tiêu chuẩn rất cao, sử dụng những thứ mà chúng tôi biết là an toàn cho mọi người và những người tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi rất chặt chẽ. Đúng, quá trình phát triển rất nhanh nhưng đây là một cuộc chạy đua chống virus, chứ không phải chống lẫn nhau của các nhà khoa học. Tất cả được thực hiện vì lợi ích của nhân loại".
Các vắc-xin thông thường, chẳng hạn như vắc-xin ngừa bệnh sởi được bào chế từ virus đã bị làm suy yếu hoặc tiêu diệt. Tuy nhiên, vắc-xin mRNA-1273 không ra đời từ virus gây dịch Covid-19. Thay vào đó, chế phẩm chứa một đoạn mã di truyền ngắn sao chép từ virus, do các nhà nghiên cứu tạo được trong phòng thí nghiệm. Nhóm sáng chế hy vọng, vắc-xin có thể giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể người sẵn sàng chống lại nhiễm trùng thực sự.
Những người tình nguyện đã được tiêm các liều vắc-xin thử nghiệm khác nhau. Mỗi người trong số họ sẽ nhận tổng cộng hai phát tiêm bắp cách nhau 28 ngày.
Các chuyên gia cho biết sẽ mất nhiều tháng để biết liệu vắc-xin nói trên hoặc các vắc-xin đang được phát triển khác có tác dụng hay không. Ngay cả khi các thử nghiệm an toàn ban đầu diễn ra tốt đẹp, thế giới nhiều khả năng vẫn phải chờ tới 18 tháng nữa mới chứng kiến vắc-xin ngừa Covid-19 chính thức trình làng.