Kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt mặc dù ngày 20/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất, giữ nguyên mức lãi suất cao nhất trong 22 năm.
Vì vậy, kinh tế toàn cầu nhìn chung phục hồi chậm. Áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy của dịch Covid -19 vẫn còn hiện hữu.
Hơn nữa, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực. Chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục tác động tới doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, rơi vào suy thoái như kinh tế Trung Quốc phục hồi chưa bền vững.
Bên cạnh đó, áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia. Từ đó, xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Rủi ro hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp cũng gia tăng. Tình trạng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ, hạn hán diễn biến khó lường, phạm vi rộng, ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia, khu vực. Phương châm phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới với lý do môi trường…
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá.
Từ đó, kéo theo các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn.
Thị trường xuất khẩu trong nước đang bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao. Áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động nhận định tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng.
Chính phủ cũng đã linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).
Từ đó, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi với tăng trưởng GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát nhờ các giải pháp đồng bộ như ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Những giải pháp tích cực, đồng bộ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là cho sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu nên sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có những tín hiệu tích cực trong những tháng gần đây.