Dường như có một điều đáng quan ngại là trong khi quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào các dân tộc, đôi khi chúng ta lại can thiệp quá sâu vào sự tiếp nối văn hóa truyền thống của người dân.
Với ý nghĩa xã hội, hàng trăm năm nay lễ hội đã trở thành thời điểm để cộng đồng cùng hướng tới những điều thiêng liêng, tham dự những trò vui truyền thống. Vì thế mỗi khi tết đến xuân về, việc tham dự một hay nhiều lễ hội hầu như đã trở thành nhu cầu của mỗi người.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sự "lên ngôi" của lễ hội lại đưa tới không ít điều đáng e ngại. Bởi trong khi tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tôn vinh người có công với dân với nước..., thì một số người trong chúng ta lại cố gắng đi tìm may rủi từ "thế giới linh thiêng".
Ngày của niềm vui
Năm nọ, tôi lên Lào Cai dự hội Roóng Poọc - xuống đồng, của người Giáy ở Tả Van.
Hồi ấy, đường từ Sa Pa vào Tả Van còn rất xấu, đã quanh co gập ghềnh lại hẹp, chỉ vừa đủ một lối cho xe Uaz đi qua. Tới gần trưa, từ trong bản nhìn sang khu ruộng bên kia suối đang ẩn hiện trong sương, tôi hỏi bác trưởng bản: "Bác à, sương mù nhiều thế kia thì tổ chức hội sao được?". Bác trả lời: "11 giờ là sương tan, năm nào cũng thế mà".
Nghe bác nói vậy, tôi liền bước thấp bước cao đi trong sương mù ra nơi làm lễ. Hóa ra trong màn sương dày đặc, công việc chuẩn bị lễ hội vẫn rất hối hả. Trên gò đất gần giữa cánh đồng, mấy ông cụ khăn áo chỉnh tề, đang sắm sửa mâm cúng trời đất.
Cách đó không xa, cánh thanh niên hì hục dựng cây đu. Lại có mấy người dựng cây tre có gắn vòng tròn dán giấy ở trên đỉnh để ném còn. Rồi người lúi húi đóng cọc, chăng dây quây một khu đất bằng làm nơi chơi trò "bịt mắt bắt dê"...
Riêng cây nêu vẫn để trên mặt đất, gốc cây đặt bên một chiếc hố to. Đó là một cây tre ít khi gặp, vì nó không những thẳng tắp mà còn vừa to, vừa dài khác thường. Theo bác trưởng bản, người trong bản phải chọn cây tre rất cẩn thận, đến ngày lễ thì chặt về. Bác bảo tôi: "Nếu muốn trong năm gặp may mắn, lúc dựng cây nêu, anh ra làm cùng mọi người".
Các hiện tượng trên, thoạt nghe có thể là bình thường, song từ góc nhìn toàn cảnh và bản chất, sẽ nhận ra sự chuyển dịch văn hóa tự phát với những hình thức khác nhau. |
Và thật kỳ lạ, khoảng 11 giờ trưa thì hửng nắng, trời quang đãng. Từ ngoài bãi nhìn vào bản, thấy khói đang bốc lên trên mỗi nóc nhà. Trong đó, các bà các chị đang cặm cụi nấu nướng, để khi mọi người trở về là mâm rượu có thể bày ra.
Từ đó đến 12 giờ trưa, là khoảng thời gian mọi người hoàn tất các công việc trước khi làm lễ. Đi quanh mâm cúng có gà luộc, xôi nhiều màu, thủ lợn, trứng luộc cùng vô số vật phẩm xanh đỏ.
Anh bạn nghiên cứu về dân tộc học chỉ cho tôi từng món đồ cúng, giảng giải về code văn hóa mà mỗi vật phẩm chuyển tải. Đúng 12 giờ trưa, trong khi các già bản bắt đầu làm lễ thì cây nêu ngày hội cũng bắt đầu được dựng lên. Hàng trăm người xúm xít hò reo, tôi cũng chen vào cho vui.
|
Ảnh minh họa |
Rồi chẳng mấy chốc, cả khu ruộng bậc thang đã đông nghịt những người là người, sự hồ hởi hiện rõ trên mỗi gương mặt. Tiếng hò reo vang khắp nơi. Qua các bộ trang phục mới tinh và đẹp mắt, có thể thấy đến ngày hội không chỉ có người Giáy, mà có cả người Mông, người Dao...
Nghe già bản bảo, chỉ đến khi vòng tròn giấy trên đỉnh cây tre của trò chơi ném còn bị xuyên thủng thì điều cầu mong trong ngày Roóng Poọc mới trọn vẹn. Nên với những người đầu tiên, ai cũng cố tung còn cho thật chính xác.
Cây đu cao thu hút cánh thanh niên, khăn áo sặc sỡ tung bay trong gió. Đám trẻ hò hét ầm ĩ quanh trò "bịt mắt bắt dê". Con dê to, vừa kêu be be, vừa chạy. Người đuổi theo, mắt buộc khăn đỏ, thỉnh thoảng loạng choạng ngã uỵch vì đất trơn hoặc vồ hụt. Từ chỗ này tới chỗ khác, tôi nhận ra đây thật sự là một ngày vui.
Đến lễ hội, mọi người thành tâm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe vẹn đầy, thỏa sức vui chơi. Ở đó không có sự vụ lợi.
Từ đó đến nay, có đôi lần tôi trở lại Tả Van, nhưng không đúng ngày Roóng Poọc nên không được chung niềm vui ngày hội với những người dân miền núi hồn hậu.
Tuy nhiên, khi thấy quảng bá rằng, khi đến Tả Van "du khách sẽ được thưởng thức một số món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc do người Giáy chế biến như: Cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà, xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn.... Được hòa mình trong không khí lễ hội, các trò chơi dân gian của người Giáy như lễ Nào Cống, Roóng Poọc (xuống đồng), ném còn, đánh yến,... và cùng tham gia các tour du lịch bản làng" thì tôi thấy ái ngại.
Tự hỏi: Liệu những điều tôi biết về cuộc sống của người Tả Van và ngày Roóng Poọc nay còn nữa không. Khi mà "thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà" có mặt tại Tả Van thì ngày hội Roóng Poọc có còn giữ được nét nguyên sơ? Và cứ theo như lời quảng bá thì mỗi năm bà con ở đây sẽ phải tổ chức Roóng Poọc mấy lần để phục vụ du khách!?
Làm gì khi cuộc sống đã đổi thay?
Đặt ra câu hỏi trên đây, vì tôi nghĩ tới lời giải cho bài toán về mối quan hệ giữa sự đổi thay của cuộc sống với việc bảo tồn các giá trị bản sắc.
Xét về văn hóa, dù có thể không "lọt tai" ai đó, tôi vẫn muốn nói rằng, từ tinh thần duy ý chí mà có lúc, có nơi chúng ta đã áp đặt một số quan niệm chủ quan lên đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người, nên đưa tới hệ quả không nên có.
Cách đây vài chục năm, chúng ta đã biết tới một mệnh đề được sử dụng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người, là phải giúp đồng bào cái "cần câu", để đồng bào làm quen với quan niệm lao động và nếp sống mới.
Sau một thời gian dài, các Chương trình 135 và 136 với điện - đường - trường - trạm, nước sạch và những ngôi nhà sàn khung bê tông đã làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng. Điều này tôi đã chứng kiến sau nhiều chuyến đi ngang dọc đất nước, đến với vùng sâu, vùng xa.
Nếu trước đây, nguồn sống chủ yếu của bà con là phụ thuộc vào kinh tế tự cung tự cấp và "con cá" của Nhà nước thì ngày nay, bà con đã "câu được con cá" cho mình.
Nhưng tới Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên,... lại vẫn có thể gặp kiểu tổ chức cuộc sống tạm bợ, thậm chí có gia đình thu nhập cao nhưng cuộc sống vẫn đói nghèo. Bà con chưa sử dụng có hiệu quả "con cá" câu được, nên tái đầu tư để sản xuất là khái niệm xa lạ.
Ở Tây Bắc, Việt Bắc, không khó gặp hiện tượng tiền bạc làm ra thường để chi tiêu cho đài xập xình, cho rượu, xe máy Win "tầu" gần chục triệu một chiếc, phóng trên đường núi vài tháng là hỏng, hỏng không chữa được thì để vạ vật dưới gầm sàn,...
Ở Tây Nguyên, tôi gặp một anh người dân tộc Êđê có 30 ha cà phê và cao su, nhưng anh lại có ba ngôi nhà với ba người vợ. Tỷ tê hỏi chuyện mới biết, một vợ là người Êđê, hai vợ là người Kinh anh quen do đi... uống bia!
Ở miền tây Nam Bộ, vào lúc xe đạp và xe máy đã trở thành phương tiện đi lại phổ biến thì một số vùng lại dần vắng bóng các ngôi nhà mát (tiếng Khmer là Schla, nghĩa tiếng Việt là ngôi nhà nghỉ mát).
Nhà mát là tên gọi truyền thống của căn nhà nhỏ được đồng bào Khmer dựng lên dọc các con đường để người đi bộ có thể dừng lại nghỉ chân. Nhà thoáng mát, lợp lá thốt nốt, xung quanh thưng bằng lá thốt nốt đến ngang thắt lưng, trong có ghế ngồi, chum nước mưa, nải chuối chín.
Các gia đình trong phum sóc phân công nhau hàng ngày quét dọn, tiếp thêm nước, chuối cho ngôi nhà. Tại Óc Eo, tôi gặp một gia đình người Khmer có cuộc sống khấm khá, vì nhớ nhà mát, anh chủ nhà đã xây trong vườn một nhà mát trị giá 82 triệu đồng chỉ để bà con qua đường có chỗ dừng chân lúc nắng nôi...
Các hiện tượng trên, thoạt nghe có thể là bình thường, song từ góc nhìn toàn cảnh và bản chất, sẽ nhận ra sự chuyển dịch văn hóa tự phát với những hình thức khác nhau.
Và dường như có một điều đáng quan ngại là trong khi quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào các dân tộc, đôi khi chúng ta lại can thiệp quá sâu vào sự tiếp nối văn hóa truyền thống của người dân.
Như với lễ hội chẳng hạn. Một thời, lễ hội và việc thờ cúng "cái thiêng" được xem như là biểu hiện cho tàn dư lạc hậu của quá khứ. Mấy chục năm, nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian có quan hệ với "cái thiêng" dần dà vắng bóng trong sinh hoạt xã hội.
Ở Tây Nguyên, nói như PGS Nguyễn Văn Huy thì "chính quyền vận động từ bỏ các nền văn hóa và tín ngưỡng đa thần, theo cách gọi và hiểu thời kỳ đó vốn bị chi phối bởi tư tưởng duy vật tiến hóa đơn tuyến là những phong tục tập quán còn sót lại của thời nguyên thủy, mê tín dị đoan, lạc hậu và lãng phí, trong đó có ăn trâu và các lễ cúng liên quan đến nó" (Trục lợi nghi lễ là xúc phạm văn hóa, phỏng vấn PGS Nguyễn Văn Huy, VietNamNet - 16.12.2010).
Hẳn là do vậy mới sinh ra giai thoại: Khi thấy có người đề xuất phải thay thế trâu thật bằng "trâu gỗ" trong lễ đâm trâu để không ảnh hưởng tới sản xuất, già làng liền hỏi lại: "Thế ở quê, cán bộ có cúng bố mẹ bằng gà "gỗ" bao giờ không?"!
Rồi khi bản sắc văn hóa được đề cao, có thể trở thành "mồi ngon" cho ngành du lịch, lại xảy ra hiện tượng như Phó GS Nguyễn Văn Huy đã nói: "Nhiều địa phương, dưới danh nghĩa khôi phục cái gọi là không gian nghệ thuật cồng chiêng, đã cung cấp chiêng, hỗ trợ kinh phí, ép buộc người dân phải học và đánh chiêng (có tham gia học thì mới có tiền bồi dưỡng).
Nhiều người thẳng thừng phát biểu không muốn học đánh chiêng vì không muốn gọi hồn lên nữa (đừng bàn đến nghệ thuật âm nhạc ở đây!)".
Và Phó GS kết luận: "Tách việc nghi lễ ăn trâu ra khỏi bối cảnh tâm linh cộng đồng, tước đoạt tính thiêng nguyên gốc của nó, biến nó thành lễ hội, sân khấu hóa nó chỉ để mua vui, trục lợi, cũng là bất kính, cũng là xúc phạm tới văn hóa bản địa không khác nào dự một đám giỗ chỉ nhao vào ăn cỗ mà không thắp hương" (PGS Nguyễn Văn Huy, bài đã dẫn).
Nguyễn Hòa(còn nữa)