Đại tướng Phùng Quang Thanh trưởng thành qua chiến đấu, từ một sĩ quan quân đội qua nhiều vị trí và trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng QĐND Việt Nam. 

Cuộc đời binh nghiệp của ông là một tấm gương về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vươn lên.

Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là tất cả

Trong nhiệm kỳ ông làm Bộ trưởng Quốc phòng, QĐND Việt Nam có những nỗ lực đáng kể để hiện đại hóa trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn eo hẹp. Hải quân, phòng không không quân, tác chiến điện tử được đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước, nâng cao khả năng tự vệ trong bối cảnh mới.

Những chiếc tàu ngầm đầu tiên về cảng biển Việt Nam trong nỗ lực hình thành một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Ngoài ra, tên lửa, máy bay, khí tài được trang bị mới, nâng cấp hiện đại phục vụ cho mục tiêu tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Từng trả lời báo chí về vấn đề này, tháng 12/2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, “Trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cũng như bảo vệ chế độ chính trị của chúng ta, thì cần phải có một sức mạnh tổng hợp.

Trong đó con người vẫn mang tính quyết định, cùng với tư tưởng chính trị là nền tảng để xây dựng quân đội, nhưng không thể thiếu những trang bị vũ khí hiện đại; vì yêu cầu nhiệm vụ, chúng ta phải xây dựng một số quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, để có đủ năng lực bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển cùng như toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

“Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “quân với dân như cá với nước” từ phương châm đó trong các cuộc làm việc với đơn vị, quân binh chủng dưới địa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn có những chỉ đạo làm sao để quân dân phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. 

Khi đến thăm và làm việc với BQL Dự án 46 (đường Trường Sơn Đông) và BQL Dự án 47 (đường Tuần tra biên giới) tháng 4/2016, ông nhấn mạnh: Đường làm đến đâu, đời sống của người dân phát triển đến đấy. Nông sản, sản phẩm của bà con nông dân làm ra bán được dễ hơn, giao lưu, phát triển văn hóa tốt hơn. Nhờ vậy, bà con yên tâm ở lại làm ruộng, làm nương, xây dựng nhà cửa, góp phần rất hiệu quả trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Từ đường Tuần tra biên giới sẽ có những đường xương cá dẫn lên các đồn biên phòng, cột mốc biên giới, tạo thuận lợi cho việc tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đó là sự kết hợp kinh tế với quốc phòng rất hiệu quả.

Nói về phương châm “giữ vững đường lối độc lập tự chủ”, tại phiên thảo luận tổ Quốc hội ngày 22/10/2015, ông dành trọn một giờ đồng hồ để phát biểu về tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong đó, ông khẳng định Việt Nam giữ quan hệ độc lập, tự chủ, không đi với nước lớn này để chống lại nước lớn khác. 

Đại tướng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng: “Độc lập tự chủ vô cùng quan trọng. Bây giờ mà lệch lạc đứng về phía nước lớn nào quay lưng vào nước lớn khác thì sẽ phức tạp cho đất nước, cho nên chúng tôi quán triệt đường lối độc lập tự chủ đóng góp vào môi trường tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.

Hay trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc (2 và 5/8/1964 - 2 và 5/8/2014), Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: “Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, là tất cả, mất chủ quyền biển, đảo cũng đồng nghĩa với mất đi phần máu thịt, hương hỏa ông cha ta để lại, là chúng ta có tội với tổ tiên, lịch sử dân tộc”.

“Mỗi con tàu, mỗi hòn đảo phải là điểm tựa của đất nước, của ngư dân trên biển, hải quân cũng phải tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, giữ biển, giữ đảo”.

Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia

Về chính sách đối ngoại quốc phòng, dưới thời Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo quốc phòng các nước đến Việt Nam, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và các nước không ngừng được nâng lên.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong các phát ngôn luôn nhất quán đường lối đối ngoại tự chủ, độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, không đi với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đóng góp ổn định chung của khu vực cũng như của thế giới.

{keywords}
Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm các phi công thuộc Trung đoàn 940 (Sư đoàn Không quân 372). Ảnh: QĐND

Lần đầu trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, ngày 15/5/20215, hai Bộ trưởng Quốc phòng gặp nhau tại biên giới hai nước. Đại tướng  Phùng Quang Thanh cho biết: Những cuộc tiếp xúc cấp cao như thế này, những hoạt động thiết thực biên giới có thể nói chúng ta sẽ gửi đến nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc tín hiệu tích cực, đó là quân đội hai nước chúng ta quyết tâm hợp tác, đoàn kết hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển triển kinh tế của nhân dân hai nước.

Trong quan hệ quốc phòng với Mỹ, tại cuộc gặp mặt với báo giới trong nước và quốc tế nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam tháng 6/2015, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Việt Nam và Mỹ hợp tác với mục đích tăng cường hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước, vì lợi ích nhân dân hai nước cũng như đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực, không làm ảnh hưởng an ninh của các nước khác".

Chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước. Từng hai lần dự Hội nghị an ninh châu Á năm 2011 và 2016, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã khẳng định chủ trương, chính sách này đến bạn bè quốc tế.

Tại Đối thoại Shangri La lần thứ 10 diễn ra ở Singapore tháng 6/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới”. Trong đó ông cho rằng, “Các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển.

Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột”.

Tại Shangri La lần thứ 13 diễn ra tháng 6/2014, ông cũng khẳng định lại “Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới".

T.Nam

Đường binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đường binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh

Hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều  đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.