Đối với người Việt Nam, chợ là không gian văn hóa và là nơi gắn bó với lối sống của biết bao thế hệ. Tùy vào đặc điểm địa lý, phong tục tập quán của từng vùng mà khắp dọc dải đất hình chữ S đã hình thành những phiên chợ độc đáo có một- không- hai, mang màu sắc rất riêng.

Chợ tình Khau Vai (Hà Giang)

Chợ tình Khau Vai diễn ra tại xã Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang. Mỗi năm, chợ được họp 1 lần vào ngày 27/3 Âm lịch và cho đến nay đã tồn tại được hơn 1 thế kỷ. Nói là chợ, nhưng nơi đây không nổi tiếng với mặt hàng nào cụ thể mà được nhắc đến như là nơi để những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau hẹn hò, gặp gỡ, tâm sự.

{keywords}

Chợ tình Khau Vai tấp nập

Thường phiên chợ năm nào cũng đông người, khắp nơi vang lên tiếng khèn réo rắt gọi bạn tình, tiếng hát thiết tha của những cô gái, như gọi mời. Chợ tình chỉ thực sự bắt đầu khi màn đêm buông xuống, những đống lửa lớn được đốt lên, những can rượu ngô thơm nồng rót tràn trên các bát lớn, bát nhỏ. Lúc này, các cặp đôi xưa kia lại tìm đến nhau, tình tự sau một năm đằng đẵng nhớ nhung.

{keywords}

Những hoạt động văn nghệ diễn ra liên tục

Chợ tình Khau Vai được coi như một nét đẹp văn hóa. Có những cặp đôi vợ chồng cùng đến đây, mỗi người lại đi tìm người tình cũ để gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự mà không hề xảy ra chuyện ghen tuông, tranh cãi. Tàn phiên chợ, họ lại cùng đi về, không bận lòng về những kỷ niệm xưa.

Chợ Viềng (Nam Định)

Ở Nam Định có đến 4 địa điểm cùng mang tên chợ Viềng, nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng Phủ (nằm ở gần Phủ Dầy, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa (cách không xa chùa Bi, huyện Nam Trực). Tất cả các phiên chợ này đều được họp vào đêm mồng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm với mục đích để người dân cầu may cho năm mới.

{keywords}

Chợ Viềng mùa xuân

Chợ Viềng được họp theo kiểu chợ phiên xưa của vùng quê Bắc Bộ: hàng hóa được bày trên các tấm bạt, trong các lều tạm hoặc ở các khoảng đất trống. Các mặt hàng chủ yếu là hạt giống cây trồng, cây cảnh, đồ nông cụ, đồ cổ, các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày hay tò he cho trẻ em… Người mua thường không cò kè trả giá, người bán cũng luôn giữ tâm trạng vui vẻ để cả năm may mắn.

{keywords}

Chợ được họp từ tối mồng 7 cho đến sáng mồng 8 tháng Giêng mới tan.

Chợ Âm phủ (Đà Lạt)

Nếu đến thăm Đà Lạt, du khách sẽ có cơ hội được ghé chợ Âm phủ nằm ngay trung tâm thành phố. Tuy có cái tên đáng sợ, nhưng thật ra đây là nơi có không khí náo nhiệt, tấp nập, mặt hàng đa dạng, phong phú, giá bán lại rất rẻ.

{keywords}

Tên chợ được đặt như vậy do trước đây, khi chưa có đèn đường, chợ họp gần như trong bóng tối, chỉ có ánh đèn leo lét từ các gian hàng thắp đèn dầu. Người bán, người mua đều lần mò từng món hàng, đi lại hết sức khó khăn. Đến ngày nay, chợ Âm phủ đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều du khách ghé thăm.

{keywords}

Chợ Âm phủ họp cả đêm và bày bán những mặt hàng đặc trưng của miền đất này như đồ len (quần áo len, các con thú ôm làm bằng len, khăn mũ móc bằng tay…). Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi nhâm nhi những món ăn ấm nóng như khoai lang nướng, ngô nướng, thịt quay, sữa đậu nành nóng… ngay tại chợ trong không khí se lạnh của đêm Đà Lạt. Chợ họp từ 7 - 8h tối hôm trước, các hoạt động kéo dài tới 3 - 4h sáng hôm sau mới vãn.

Chợ nổi (miền Tây)

Chợ nổi được coi là một nét văn hóa của người dân vùng Tây Nam Bộ. Do địa hình ở đây chủ yếu là sông nước nên người dân thường xuyên dùng ghe, thuyền làm phương tiện di chuyển, từ đó các hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa cũng dần được hình thành.

{keywords}

Trái cây được treo lên như một cách “quảng cáo”

Địa điểm người dân họp chợ nổi là những đoạn sông đông người qua lại, tiện đường di chuyển. Chợ được người dân họp cả ngày, nhưng đông vui và náo nhiệt nhất thường là vào buổi sáng. Các mặt hàng được bày trên ghe, thuyền đa phần là trái cây. Các ghe, thuyền thường không có biển hiệu. Nhưng để nhận biết, chủ hàng sẽ dựng một cây sào trước mũi thuyền, trên đó bày mặt hàng mình có.

{keywords}

Chợ đầy ắp các loại hoa quả tươi ngon

Ở miền Tây có rất nhiều khu chợ nổi nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè, Phụng Hiệp, Châu Đốc, Cái Răng… Các khu chợ này được hình thành từ lâu đời, phát triển tự phát. Đến các khu chợ nổi này, hành khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân miền Tây một cách chân thực nhất.

Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại như một nét văn hóa đặc trưng và phát triển ngày một sầm uất hơn.

Chợ chiếu Định Yên - Đồng Tháp

Chợ chiếu nằm ở xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò, Ðồng Tháp. Chợ không họp ban ngày, chỉ họp vào ban đêm. Càng về khuya chợ càng nhộn nhịp đông vui.

{keywords}

Chợ chiếu Ðịnh Yên nhộn nhịp

Điểm đặc biệt ở đây, người bán hàng chỉ thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, còn người mua phải dùng đèn pin để chọn hàng. Chợ chiếu Định Yên cũng không hề có quầy, sạp kinh doanh. Người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ, còn người bán thì vác những sản phẩm chiếu trên vai đi tới, đi lui rao hàng, nói giá… tất cả các hoạt động quây quần trước sân chùa An Phước.

{keywords}

Làng nghề chiếu Định Yên

Đến Định Yên hôm nay, chúng ta sẽ không còn thấy không khí nhộn nhịp của phiên chợ độc đáo ngày nào, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng người dân Định Yên vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu và đã khiến nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển.

(Theo Dân trí)